Cải cách hành dân

31/01/2012 03:27 GMT+7

Từ nhiều năm nay, TP.Mỹ Tho đã áp dụng thủ tục hành chính “một cửa”, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp người dân bị hành một cách vô lý.

Từ nhiều năm nay, TP.Mỹ Tho đã áp dụng thủ tục hành chính “một cửa”, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp người dân bị hành một cách vô lý.

Chẳng hạn thủ tục chuyển nhượng nhà đất, theo quy định chỉ cần có hợp đồng chuyển nhượng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và các thủ tục về thuế. Nhưng khi đến nộp hồ sơ thì cơ quan thuế lại đòi thêm bản sao giấy CMND, bản sao giấy đăng ký kết hôn, bản sao hộ khẩu…

Theo đại tá Lê Dũng, đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang, thì “có khi cơ quan công quyền lại quá lo cho dân”. Ví dụ luật Hôn nhân gia đình quy định tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Vì vậy, khi người dân đăng ký quyền sở hữu do một người đứng tên, nếu có vấn đề phát sinh thì người vợ hoặc chồng sẽ khởi kiện và tòa sẽ xử. Trong khi đó thì cơ quan công quyền lại yêu cầu người dân phải chứng minh đây là tài sản riêng thì mới được đăng ký. Khó hiểu nhất là khi làm thủ tục xin cấp chủ quyền nhà, cơ quan thuế đòi người dân phải có hóa đơn đỏ mua vật liệu xây dựng để chứng minh là tự xây dựng. Ông Dũng đặt vấn đề: “Nếu sợ trốn thuế tại sao không quản lý người bán mà lại quản lý người mua?”

 
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND TP.Mỹ Tho - Ảnh: Hoàng Phương 

Theo nghị định của Chính phủ thì một việc không trả hồ sơ để người dân bổ sung quá 2 lần, trừ trường hợp do người dân thiếu sót. Nhưng theo ông Dũng thì "ở cấp xã có những trường hợp người dân phải bổ sung tới 5 lần, thậm chí tới…7 lần! Thậm chí, có những trường hợp người dân đã cất nhà ở từ trước ngày 15.10.1993 rất lâu, nhưng chẳng rõ do sơ suất của ai mà khi được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp lại không nói tới đất ở. Thế là bây giờ người dân buộc phải đi “xin” quyền sử dụng đất ở. Nhưng khi cấp xã  làm xong, nộp về trên thì trên lại “phán” trường hợp này sai pháp luật, phải thu hồi GCNQSDĐ, phải tổ chức thanh tra và phải lập lại hồ sơ hết sức nhiêu khê. Chính vì vậy mà tại UBND xã Đạo Thạnh còn tồn đọng hơn 300 hồ sơ, xã Trung An còn hơn 1.000 hồ sơ, không giải quyết được cho dân”, ông Dũng bức xúc.

Ngay tại Sở Tài nguyên - Môi trường Tiền Giang lại có quy định khi người dân sang nhượng đất buộc phải trích biên bản đo đạc, trong khi chính cơ quan này thiết lập và giữ biên bản nhưng lại buộc người dân phải đi trích lục để đi nộp cho mình. Chưa kể người dân còn bị yêu cầu phải nộp thông báo miễn thuế thu nhập cá nhân bằng bản chính, trong khi ngành thuế lại nói chỉ có một bản chính, không thể giao cho người dân.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.