Giúp học sinh đối phó cơn giận

04/02/2012 03:33 GMT+7

Gia đình và nhà trường là 2 nơi quan trọng nhất giúp trẻ em sống nhân ái, độ lượng, tránh xa hành vi bạo lực. Vì thế cách giáo dục, cách cư xử của thầy cô và phụ huynh ảnh hưởng rất lớn đến học sinh.

Gia đình và nhà trường là 2 nơi quan trọng nhất giúp trẻ em sống nhân ái, độ lượng, tránh xa hành vi bạo lực. Vì thế cách giáo dục, cách cư xử của thầy cô và phụ huynh ảnh hưởng rất lớn đến học sinh. 

Mầm mống bạo lực

Một người cha dặn cậu con trai: “Ra đường con nhớ đừng… dòm mặt ai, nhất là những đứa choai choai. Lỡ nó đùng đùng nổi giận, bảo con đang “nhìn đểu”, rồi tìm cách trả thù thì nguy!”.            

Dẫn đến lời khuyên trên vì theo người cha này: “Nhiều đứa trẻ bây giờ rất dễ nổi nóng. Đụng một chút là gây hấn, xử nhau bằng hung khí, ngay cả trong môi trường học đường cũng chẳng khá hơn”. 

 
 Bạn trẻ cần môi trường vui chơi để giải tỏa năng lượng và hiểu nhau hơn - Ảnh: Như Lịch

Trong khi đó, bác sĩ (BS) Phạm Ngọc Thanh - cố vấn Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phân tích những yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực (bao gồm bạo lực học đường) như: thiếu kỹ năng xã hội; đau khổ nhiều; bị bạn bè chối bỏ; thường xuyên gặp bạo lực và xung đột trong gia đình; kết quả học tập kém nên tỏ ra “anh hùng”, có “giá trị” về mặt bạo lực là đánh nhau chứ không phải bằng học tập… BS Thanh cho biết, một số ca bệnh nhi thật thà kể khiến bà thấy đắng lòng: “Con chưa bao giờ nghe cha mẹ mình kêu bằng tiếng “con” mà toàn là “tao, mày” không à”. Theo BS Thanh, chính lối hành xử trên của người lớn đã gieo mầm mống bạo lực cho trẻ. Bởi, trẻ chưa phân biệt được đâu là sai, đâu là đúng và bắt chước những hành vi bạo lực, coi đó là chuyện bình thường.

Cách giảng dạy còn mang nặng tính áp chế, tức là thầy cô, cha mẹ nói gì thì học trò/con cái phải nghe theo

Ông Nguyễn Đình Thịnh
(Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Tiến sĩ Thạch Ngọc Yến, chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý-xã hội của Trung tâm công tác xã hội trẻ em (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) nhận xét: “Bản thân những người lớn cũng rất dễ nổi giận nhưng họ lại đẩy cơn giận đó sang trẻ. Đến một lúc nào đó, trẻ bộc lộ cảm xúc dồn nén tích tụ bấy lâu thì người lớn giật mình, tưởng là trẻ đột ngột thay đổi tâm tính”. Ở thái cực khác, cũng theo tiến sĩ Yến, có những phụ huynh thay vì phải tìm hiểu, kịp thời uốn nắn con em họ ngay từ khi trẻ có những thái độ gay gắt thì lại tỏ ra nín nhịn, buông xuôi. Điều này khiến đứa trẻ càng ngày càng lấn lướt, hành vi bạo lực theo thời gian cũng gia tăng.

Lỗ hổng trong hệ thống giáo dục

Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ông Nguyễn Đình Thịnh, thẳng thắn nhìn nhận một thực tế, đó là “thay vì phải kiên trì bảo ban thì không ít giáo viên mắng học trò khi họ thấy bực bội, phiền lòng”. Ông Thịnh nói: “Theo tôi, đây là lỗ hổng sâu xa trong hệ thống giáo dục. Học sinh thời nay không được tiếp cận thường xuyên những bài học sâu sắc về lòng nhân từ. Bên cạnh đó, cách giảng dạy còn mang nặng tính áp chế, tức là thầy cô, cha mẹ nói gì thì học trò/con cái phải nghe theo”.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên Khoa Tâm lý-Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, do đặc trưng phát triển tâm sinh lý của học sinh cấp 2 là hưng phấn bộc phát mạnh nên thường khó kiểm soát cảm xúc. Mặt khác, tính vị kỷ của trẻ thời nay phát triển mạnh. Chính những đặc điểm này lý giải vì sao nhiều vụ bạo lực học đường có liên quan đến học sinh lứa tuổi cấp 2. “Nhiệm vụ quan trọng là dạy trẻ biết quản lý cảm xúc, trong đó có kiềm chế cơn giận. Thế nhưng, hiện nhà trường và những nơi có dạy kỹ năng sống vẫn chưa chú trọng kỹ năng này. Họ chỉ tập trung vào những kỹ năng thông thường như giao tiếp, làm việc nhóm… hoặc lồng ghép trong nhiều nội dung, chứ chưa tổ chức thành những chuyên đề riêng về chủ đề này”- thạc sĩ Khắc Hiếu chia sẻ.

Kỹ thuật giải tỏa cơn giận

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu gợi ý một số biện pháp để “xả” cơn giận một cách hiệu quả, an toàn:

 1. Thay đổi hướng suy nghĩ: Nếu ai đó làm cho bạn giận thì bạn nên nghĩ theo hướng tích cực. Chẳng hạn, người ta quệt xe trúng chân mình thì có thể nghĩ: “Ồ, may quá, chỉ bị trầy thôi chứ không bị nặng hơn”, hoặc: “Người ta không cố tình làm vậy”... Khi chỉnh suy nghĩ của chính mình thì sẽ thấy thoải mái hơn. Không nên suy diễn hay thổi phồng lên như bong bóng vì như thế sẽ dễ bị “nổ tung”.

2. Bộc lộ cảm xúc một cách an toàn bằng cách di chuyển đối tượng, chẳng hạn: quét nhà, lau nhà, đá banh, đá cầu, nếu ở quê thì làm những việc như chẻ củi...

3. Dừng những suy nghĩ về người đó lại, nếu cứ để những hình ảnh, lời nói xúc phạm mình lởn vởn trong đầu thì sớm muộn gì cũng nổi nóng. Thay vào đó, nên đứng dậy làm việc khác, chẳng hạn xem phim, chơi với em, phụ việc nhà với cha mẹ...

4. Thỏa mãn cơn giận trong tưởng tượng.

5. Nghĩ về một điểm tựa khiến mình thấy dễ chịu, thoải mái.

6. Khóc.

Nguyễn Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.