Cua, tôm hùm được sử dụng phần thịt làm thực phẩm nhưng phần vỏ của chúng không phải là đồ bỏ đi. Chất chitin trong loại vỏ này được dùng làm sơn tự phục hồi cho xe hơi, bóng bán dẫn sinh học, các bộ lọc vi rút cúm, một số chi tiết đặc biệt thay thế cho chất dẻo... Chitin trong vỏ tôm cua sẽ còn là nguyên liệu để sản xuất thuốc.
Hiện nay, thuốc kháng vi rút có nguồn gốc từ acid N-acetylneuraminic hay gọi tắt là NANA có thể được tổng hợp hoặc thu từ tự nhiên. Cả hai trường hợp đều rất tốn kém với giá thành 2.626 USD/gam, tức là đắt hơn vàng 50 lần. Nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học Vienna đang phát triển một kỹ thuật mới để chuyển chitin thành NANA với chi phí thấp.
Một loại gien của vi khuẩn đã được cấy vào loài nấm Trichoderma. Thông thường, loài nấm này sẽ ăn chitin, phá vỡ cấu trúc của nó để biến thành đường amino monomer. Nhờ sự bổ sung loại gien mới vào nấm và qua vài bước tinh chế, kết quả cuối cùng thu được là NANA với giá thành thấp hơn các phương thức cũ. Nấm Trichoderma có thể nuôi cấy nhân tạo và sinh khối cho nó là chitin thì rất phổ biến.
Quy trình được cho là thân thiện với môi trường, đã được cấp bằng sáng chế và các nhà khoa học hy vọng có thể sản xuất với quy mô công nghiệp để có NANA giá rẻ. (Theo Gizmag).
Song Mai
Bình luận (0)