"Ô cửa sổ màu tím" - Truyện ngắn của Võ Thu Hương

19/02/2012 03:20 GMT+7

Khi cánh cửa phòng phụ sản lạnh tê khép lại, tôi còn kịp nhìn thấy đôi mắt trĩu nặng của Giang nhìn theo mình. Nước mắt lã chã rơi, tôi nằm lên chiếc giường đơn rải ra trắng toát vì giặt tẩy nhiều lần. Bà bác sĩ già đẩy gọng kính lên, giọng ấm áp: “Lần đầu hả?”. “Dạ, thứ hai”. “Vậy có gì phải khóc?”. Giọng bà vẫn ấm nhưng không thể khiến tôi bớt đau hơn.

Khi cánh cửa phòng phụ sản lạnh tê khép lại, tôi còn kịp nhìn thấy đôi mắt trĩu nặng của Giang nhìn theo mình. Nước mắt lã chã rơi, tôi nằm lên chiếc giường đơn rải ra trắng toát vì giặt tẩy nhiều lần. Bà bác sĩ già đẩy gọng kính lên, giọng ấm áp: “Lần đầu hả?”.  “Dạ, thứ hai”. “Vậy có gì phải khóc?”. Giọng bà vẫn ấm nhưng không thể khiến tôi bớt đau hơn.

>> Nghe đọc truyện

Có gì phải khóc? Lần thứ nhất, khi cái thai sang tháng thứ năm, vợ chồng tôi bắt đầu nghĩ tới những cái tên để đặt cho con. Thai đôi, đứa trai, đứa gái. Tôi nghĩ tên cho con trai, còn anh đặt tên cho con gái. Anh đi đâu cũng khoe thành tích của vợ. Anh thường mua những bó hoa thạch thảo tôi thích về cắm trên bậu cửa sổ. Nhìn xa xa, ô cửa sổ màu trắng nổi bật những đóa thạch thảo tím biếc dịu dàng khiến cảm giác bình yên tràn đầy khi về đến căn nhà.

Nhưng cảm giác bình yên ấy chẳng còn khi hai đứa con lặng lẽ rủ nhau rời bỏ chúng tôi. Tôi đã ngất lịm đi khi bác sĩ dùng thủ thuật để lấy hai đứa con ra khỏi cơ thể. Khi hai đứa con bị lấy ra thì sự sống của tôi dường như cũng bị lấy ra, chỉ chừa lại chút ít hơi thở tàn cho tôi còn thoi thóp như cá mắc cạn trên nền đất khô cằn bỏng nắng. Sự đau đớn không thể lấp nổi cảm giác trống rỗng. Sự trống rỗng càng khiến tôi sợ hãi khi cứ đến chiều là những cơn mưa đầu mùa ập tới, cái lạnh lẽo ùa tới, trống rỗng càng bủa vây.    

 
Minh họa: Văn Nguyễn 

Hai vợ chồng không nói với nhau lời nào. Ngay sau khi trở về, Giang vội vã cất ngay bình thạch thảo tím biếc. Những đóa hoa lâu ngày đã tàn, héo rũ bị quăng vào sọt rác. Ngay trong chiều ấy, anh mua một bó mới cắm vào. Tôi giật mình hình dung mình cũng như những đóa hoa thạch thảo tàn phai. Cùng cơ quan tôi có hai chị, một người bị chồng bỏ vì không sinh được con, một người bỏ chồng cũng vì chồng không sinh được con. Sự sinh đẻ bất trắc vì thế càng khiến tôi trầm uất. Giang ôm tôi thật chặt trong lòng, bảo: “Không sao đâu em, rồi mình sẽ có những đứa con khác”. “Anh không bỏ em chứ?”. “Ngốc, sao anh bỏ em được. Anh thương em, yêu em hơn cả anh thì sao mà bỏ được”. Mắt anh không giấu được dòng nước chực trào ra, ầng ậc ướt. Tôi thiếp đi trong mỏi mệt vẫn cảm giác vòng tay ấm của anh giúp mình bớt lạnh. Nửa đêm tỉnh dậy, chợt hốt hoảng không thấy anh bên cạnh. Anh không bật đèn, ngồi lặng im đốt thuốc bên ô cửa sổ. Ánh đèn đường đổ đầy trên mái tóc chớm có những sợi bạc. Thi thoảng điếu thuốc đưa lên môi như để giữ hơi cho khỏi tàn. Anh không nhận ra sự có mặt của tôi. 

Sau một tuần im lặng, tôi lấp nỗi đau bằng sự cắn cảu, gắt gỏng. Chồng thì phải chịu nhưng ô sin thì không chịu. Con ô sin vốn là cháu chắt xa xa trước khi ôm đồ bước ra khỏi nhà còn hất mặt thách thức: “Cháu nói thật với cô, cháu không làm nơi này thì làm nơi khác. Còn cô, cô mà không đổi tính đổi nết đi thì chồng cô cũng đi mất chứ đừng nói gì tới chuyện mất hai đứa con cùng một lúc”. Câu nói của nó điểm trúng huyệt, khiến tôi bủn rủn chân tay vì giận. Tôi hết cắn cảu, gắt gỏng, trở lại những ngày thườn thượt thở dài và thẫn thờ, lặng im như hến.

***

Thời gian đúng là thuốc tiên để xóa những khổ đau, mất mát. Gần hai chục thang thuốc bắc mẹ chồng tẩm bổ cho giúp tôi lấy lại sức khỏe. Da không còn sần sùi, xanh rớt như lá mà đã mịn hồng. Tôi nóng lòng có thai lại sau thời gian nghỉ dưỡng an toàn. Giang hỏi: “Em có chắc mình khỏe hẳn chưa?”. Và kết quả lần mang thai thứ hai này là sau tám tuần, chắc đứa con còn chưa kịp thành hình rõ rệt trong cơ thể tôi thì bác sĩ đã phải hút ra vì nó không thể tiếp nhận nguồn dinh dưỡng từ mẹ.

Tôi dùng những viên thuốc ngủ thảo dược để li bì chìm vào những cơn mê man, không phải nhớ tới chuyện đã qua. Cho đến khi mặt sưng phù lên vì ngủ nhiều thì Giang cũng kịp phát hiện ra những viên thuốc giấu kỹ dưới lớp đệm. Anh lặng lẽ bỏ vào thùng rác. Lặng lẽ ôm tôi và thở dài. Vòng tay ấm áp của anh lần này không lấp đầy được những trống rỗng. Vợ chồng lại rơi vào trạng thái ít trò chuyện, ít giao tiếp vì sợ đôi khi vô tình chạm phải câu chuyện về những đứa con. Giang giữ ý kỹ đến mức không xem ti vi vì sợ lỡ bắt gặp hình ảnh đứa trẻ nào đó cũng có thể kéo tôi xuống vực trầm uất sâu hơn.

Đi ra ngoài khác với ở nhà, không ai giữ im lặng. Ai gặp cũng nắm tay, ôm vai hỏi: “Em ơi, sao ra nông nỗi thế?”. Sau vài lần im lặng, nước mắt vắn dài trào ra hoặc mắt ầng ậc nước, tôi bỗng trở nên chán chường đáp: “Tại phận em bạc”. Từ đó chẳng ai hỏi han mà chỉ lắc đầu thiểu não nhìn theo. Tôi cũng chẳng còn đau lòng khi nhìn những cái lắc đầu mà dần trở nên thờ ơ, vô cảm.

Những bữa cơm trong nhà vẫn cách nêm nếm cũ, nguyên liệu như cũ nhưng chẳng thể ấm áp, luôn chìm trong yên lặng. Có lúc, Giang nói đùa: “Mình tôn trọng nguyên tắc vệ sinh “ba không” khi ăn: không cười, không nói, không ho”. Tôi không đáp lại, giục anh ăn mau vì đã mỏi lưng. Kể từ sau những lần sẩy thai, sức khỏe xuống một cách thê thảm, rõ nhất là cái lưng luôn mỏi khi ngồi hơi lâu. Sau một ngày lao động cật lực nơi công sở, chẳng người đàn ông nào muốn về với bữa cơm mà đến cả cái quyền được thư giãn cũng không có. Những bữa cơm ấy chẳng thể níu chân được Giang lâu. Nhiều hôm, lấy lý do bận việc, Giang giục tôi ăn trước. Anh về tầm 10 giờ đêm, vừa bật bộ phim hài hước nào đó xem, vừa ăn cơm tối và mủm mỉm cười. Một tuần, chỉ thứ bảy, chủ nhật hai vợ chồng mới cùng nhau ngồi chung mâm cơm. Vẫn lặng lẽ ăn sau dăm ba câu mời nhau khách sáo. Tôi mơ hồ nhận ra một sự hụt hẫng. 

Khoảng bảy giờ tối, cô bạn cùng cơ quan gọi điện thoại báo: “Này, tao thấy lão Giang nhà mày đi ăn bánh tráng Trảng Bàng với một em trẻ trung, tươi như hoa”. “Ừ, có khi là đối tác, đồng nghiệp”. “Mày không đặt dấu chấm hỏi à?”. “Không, chồng tao, tao hiểu”. Đồng nghiệp cười phớ lớ: “Ừ, vậy cũng tốt. Nhưng phải tao nhá, chồng tao đi với con nào mà không khai báo, tao không biết thì liệu hồn”. Tầm 10 giờ, Giang vẫn ngồi ăn cơm một mình ngon lành như chưa hề ăn tối lúc 7 giờ. Có dấu hỏi trong tôi mà chẳng ai biết.

Điện thoại của chồng không có những tin nhắn, cuộc gọi đáng ngờ. Ngoài chuyện về trễ so với thông thường 3 tiếng mỗi ngày do cần giải quyết nốt công việc trước khi đi công tác dài ngày ở Hà Nội, Giang không có biểu hiện nào khác. Tôi chẳng thể ghen tuông vô cớ. Cả hai vợ chồng từng bắt tay nhau hứa hẹn, sẽ không ghen tuông nếu không có chứng cớ.

***

Kỷ niệm ngày cưới, tôi chọn hai suất du lịch đi Đà Lạt vào cuối tuần. Giang bảo có chuyến công tác đột xuất nên hoãn du lịch vào dịp khác. Anh không biết tôi đã đặt tour với một niềm háo hức. Giang đi buổi chiều thì buổi tối tôi leo lên chuyến xe du lịch. Từ khi lấy chồng, tôi nhận ra không có gì chán hơn đi du lịch mà không có anh nhưng trong hoàn cảnh này, ở nhà còn chán hơn cả đi một mình. Khi tôi cuộn tròn như con mèo lười trên giường nằm vừa ngắn vừa hẹp của xe ô tô, có thoáng nghĩ tới Giang, nhận ra mình vô tâm quên hỏi xem Giang công tác ở đâu.

Gần ba ngày, ngoại trừ những cặp vợ chồng, tình nhân có đôi có cặp, những kẻ cô đơn tập trung nhau thành một nhóm. Rất khó phân thành cặp khi vài ba bà chị già lại cùng để ý một cậu trai trẻ, vài ba anh trai già cùng để ý một cô em chân dài miên man. Tôi hình như không rơi vào cả hai nhóm đó, chỉ một mình thu lu quan sát mọi người và ngắm những bông hoa đang mùa xuân sắc. Cậu hướng dẫn viên du lịch có vẻ thân thiết hết thảy. Ai cũng có cảm giác cậu ta quý mình nhất, ngược lại, cậu cũng là tâm điểm của chuyến đi.

Tối nay đoàn đốt lửa trại trên Langbiang. Bước chân ra khỏi chiếc xe chất lượng cao có gắn máy sưởi, cả đoàn co ro vì lạnh và chạy vội về phía đống lửa vừa đốt lên. Khi tiếng nhạc ấm cúng cất lên: “Những bàn chân, bàn chân trần trên đất, bước đi nhịp nhàng”… hầu hết mọi người cùng nắm tay nhau thành vòng tròn đi quanh đống lửa. Tôi trùm mũ len, quấn khăn len lạc lõng ngồi nhìn những tia lửa nhảy nhót. Lần đầu lên Langbiang không có anh, cảm giác như mình đang trôi trong sương đêm và gió lạnh khiến tôi lạ lẫm.

Cậu hướng dẫn viên phát hiện ra tôi một mình tách đoàn, chạy lại với hai cốc cà phê ấm nóng. Cậu ngồi bệt xuống đất ngay cạnh tôi đang thu lu vì rét, giọng dụ dỗ:

- Ngọc vào múa lửa trại với mọi người cho vui. Ngồi một mình lạnh lắm.

- Tôi ngồi thêm chút nữa rồi vào sau.

- Vậy, tôi ngồi đây với Ngọc.

Cả hai, không ai nói điều gì khi ngồi bên nhau. Những đoàn khách lên càng lúc thêm đông. Những cái bóng liêu xiêu dựa sát vào nhau vì lạnh. Tôi chợt nhận ra cái bóng quen thuộc gầy và hơi còng của Giang. Hình như tôi định gọi nhưng cơ hàm bỗng chốc cứng lại. Anh không đi một mình mà có đôi có cặp.

Chẳng biết bằng cách nào đó tôi có thể lê mình đứng trước hai cái bóng ấy. Khoảng cách rất gần, Giang đứng sững nhìn tôi. Tích tắc vài giây, tôi khó khăn quay đi. Giang hình như có nói: “Ngọc, nghe anh nói. Bọn anh chỉ lên đây khảo sát thực tế”. Nhưng tôi đã bước nhanh ngược gió. Tiếng gọi của Giang bị gió cuốn trả phía sau. Cậu hướng dẫn viên vẫn đi sát bên cạnh.

Tôi nghe cậu ấy thầm thì: “Dựa vai Thành một chút đi, Ngọc sẽ thấy đỡ lạnh”. Tôi phải dựa vào vai cậu ấy thật, để có một điểm giấu mặt vào mà khóc giữa một chốn lạ đông người. Tuyệt nhiên không cảm nhận được chút ấm áp hay bớt lạnh nào lúc ấy.  

***

- Chỉ thế thôi mà Ngọc không thể tha thứ ư?

- Thế thôi.

- Chắc Ngọc giận anh ấy lắm?

- Ừ. Quả thực, ban đầu giận đến mức giày vò mình khủng khiếp. Ngọc nhanh chóng quay về căn nhà và nhận ra đó không còn là tổ ấm, nó là tổ lạnh đáng sợ. Ngọc đã đi trước khi anh kịp quay về.

Tôi nhớ tới đóa thạch thảo héo khô quắt với màu tím xác xơ bên cửa sổ sau những ngày dài không ai quan tâm. Khi ra đi, ánh mắt tôi có dừng lại nơi đóa hoa úa tàn ấy, nhưng với một sự căm tức xen lẫn chút khó chịu, tôi mặc kệ, quay đi. Sau những chia sẻ, anh hướng dẫn viên nhanh chóng trở nên thân thiết lúc nào. Anh cũng có một chuyện tình buồn nên sự chia sẻ càng dễ dàng hơn. Người yêu anh cùng tên tôi, hai người đang chuẩn bị tổ chức lễ cưới thì tai nạn giao thông cướp cô ngay trước mắt anh. Khi cô đang giơ tay chào tạm biệt anh, chuẩn bị vào con hẻm nhà mình thì chiếc xe cà tàng của một cậu thanh niên mới tập đi đâm sầm vào. Đó cũng là lý do anh chẳng bao giờ dám vượt qua nỗi ám ảnh, ngồi lên xe Honda. Anh phải chọn lại nghề. Nghề của anh rong ruổi trên những chuyến ô tô đường dài cũng vì tránh phải ngồi xe máy. 

Giang nhắn tin thanh minh rằng có sự hiểu lầm. Chẳng ai đi ngoại tình khi còn chút tình nghĩa với vợ lại không giải thích đó là sự hiểu lầm cả, phải không? Khi tôi hỏi Thành câu ấy, anh cười hiền lành: “Cho anh ấy một cơ hội giải thích đi, biết đâu hiểu lầm thật”. Nói vậy, nhưng Thành ôm choàng lấy vai tôi, tôi ngả người trong vòng ngực anh ấm cúng và rộng mở.

Khi tôi đang sung sướng với hạnh phúc mới thì người đàn bà tự xưng là vợ Thành tìm đến. Chị không nói nhiều, dúi vào tôi bản sao đăng ký kết hôn và giấy khai sinh của con mình. Thực sự, khi chị ta dắt đứa con nhỏ đi khuất sau hàng cây bò cạp vàng, tôi vẫn ngỡ như một trò đùa hay một sự nhầm lẫn tai hại nào đó. Nhưng giấy trắng mực đen lại thêm con giấu đỏ minh chứng rành rành ra đó. Tưởng biết về Thành, hiểu về Thành lắm nhưng cuối cùng, tôi chẳng hiểu gì về anh ta. Ngón tay anh không đeo nhẫn, cũng không có bất cứ điều gì cho thấy anh là người đàn ông đeo nhẫn. Người đàn bà ấy nói: “Cô chỉ là một trong những cô gái cả tin bị Thành đánh lừa”. Chị ta chẳng cần yêu cầu tôi chấm dứt mối quan hệ với Thành, có lẽ, nhìn vẻ mặt không có gì ngỡ ngàng hơn, đau khổ hơn của tôi lúc ấy, chị biết nói hay không nói thì tôi cũng chẳng bao giờ tha thứ cho anh ta. Khi tôi tưởng có thể quỵ ngã vì đánh mất tất cả thì trời thương, có mầm sống lại cựa quậy trong mình. Cũng may, nhiều lần đắn đo nhưng tôi chưa từng vượt quá giới hạn với Thành. Trong cơn cùng cực ấy, tôi nâng niu nó - đứa con của Giang, tình yêu của Giang hơn tất thảy những gì mình có, có lẽ nó cũng thương mình mà sau vài lần dọa sẩy, không nỡ bỏ tôi đi.

Tôi luôn nghĩ mình có lỗi lớn với chồng, với con vì không ai khác, chính mình đẩy chồng ngày càng xa mình. Nếu tôi bỏ qua những mặc cảm của mình, chịu nghe anh. Nếu tôi không buông mình theo thứ tình cảm say nắng của Thành. Nếu tôi tỉnh hơn… Những suy nghĩ ấy nặng nề tới mức tôi chẳng biết nói với anh như thế nào, xin lỗi anh ra sao, cũng chẳng dám mong anh quay lại.

***

Sau khi chia sẻ câu chuyện buồn, chị chớp chớp mắt như một cô bé, hồn nhiên nói: “Tôi chợp mắt tí nhé! Cả em nữa, sắp sinh rồi, nên cố chợp mắt một chút còn có sức cho con ra đời”. Không chờ tôi đáp lời, chị ngoẹo đầu qua một bên, thở đều.

Truyện ngắn của Võ Thu Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.