(TNO) Tình hình tai nạn lao động trong cả nước không có dấu hiệu thuyên giảm. Đặc biệt, các vụ cháy nổ lớn liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, không chỉ gia tăng về số người chết và bị thương, các vụ cháy còn gây thiệt hại lớn về tài sản.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo về tuần lễ Quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 14 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 21.2.
Cháy lớn vì đâu?
Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ LĐ-TB&XH - cho biết, trong năm 2011, toàn quốc xảy ra 1.764 vụ cháy, làm chết 75 người, bị thương 215 người, thiệt hại về tài sản gần 600 tỉ đồng và 2.000 ha rừng các loại.
Tuần lễ quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ lần thứ 14 năm 2012 sẽ diễn ra từ 18 - 24.3 với chủ đề “Xây dựng văn hóa an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của DN và người lao động”. Lễ phát động diễn ra tại Khu công nghiệp Biên Hòa II (tỉnh Đồng Nai). |
So với năm 2010, số người chết và bị thương tăng trên dưới 20%.
Còn theo số liệu của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), các vụ cháy lớn tuy chiếm 1,6% tổng số vụ cháy nhưng thiệt hại về tài sản chiếm trên 50% tổng thiệt hại do cháy gây ra.
Từ tháng 7.2011 đến nay, các vụ cháy lớn có chiều hướng gia tăng. Điển hình là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại một công ty da giày tư nhân ở xã Tân Dân (An Lão, TP.Hải Phòng) ngày 29.7.2011, dẫn đến cái chết thương tâm của 13 công nhân và 25 người bị thương nặng.
Đặc biệt, các vụ cháy chung cư và nhà cao tầng liên tiếp xảy ra như cháy tại công trường xây dựng tòa nhà Keangnam trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), vụ cháy dữ dội tại tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên phố Cửa Bắc khiến 24 công nhân bị ngạt khói.
Gần đây nhất, vụ cháy chợ trung tâm thành phố Quảng Ngãi vào sáng 9.2 đã gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.
Về nguyên nhân các vụ cháy, thiếu tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) - cho biết 40,3% các vụ cháy do sự cố kỹ thuật, cháy do con người gây ra chiếm 28,7% và 31% đang điều tra làm rõ nguyên nhân.
Tăng cường tổng kiểm tra các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ
Trước mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy xảy ra gần đây, theo thiếu tướng Trần Anh Dũng, ngày 8.2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã yêu cầu tăng cường chỉ đạo đợt tổng kiểm tra các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ trên toàn quốc.
“Đáng tiếc trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng ngừa, biện pháp quản lý nhà nước… ở cơ sở, các doanh nghiệp, người dân có lúc thực hiện chưa nghiêm nên đã xảy ra các vụ cháy nổ đáng tiếc” - ông Dũng nhận xét.
|
Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tuần lễ quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, trong thời gian tới công tác thanh tra, kiểm tra an toàn lao động và phòng chống cháy nổ cũng được tăng cường. Cụ thể, trong thời gian diễn ra tuần lễ (từ 18 - 24.3), Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại các địa phương như TP.Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các sở phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp tại các đơn vị về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Dự kiến trong năm nay sẽ tổ kiểm tra từ 30.000 - 40.000 cơ sở.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc xử phạt vi phạm trong phòng chống cháy nổ cũng được tăng cường. Trong năm 2011, lực lượng công an đã kiểm tra và phúc tra phòng cháy chữa cháy (PCCC) được 99.612 lượt cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, lập biên biên bản 95.636 trường hợp vi phạm về PCCC.
Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt hành chính 5.758 trường hợp vi phạm với số tiền gần 9 tỉ đồng, phạt cảnh cáo hơn 31 trường hợp vi phạm và tạm định chỉ hoạt động 17 cơ sở và đình chỉ hoạt động 12 cơ sở.
Thiếu tướng Trần Anh Dũng cho biết, ở các vụ cháy, trước hết là xác định nguyên nhân để quy trách nhiệm. Khi xác định được rồi, cơ quan Công an sẽ xử lý nghiêm minh bằng các hình thức từ tạm đình chỉ đến đình chỉ, và nếu như vi phạm nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng sẽ truy tố trước pháp luật theo Bộ Luật hình sự. Vừa rồi, trong các vụ cháy nghiêm trọng, cơ quan điều tra Công an đều tiến hành điều tra khởi tố vi phạm.
“Chúng tôi xác định phải xử lý kiên quyết, xử lý nghiêm minh các vụ cháy nổ gây ra thiệt hại lớn về người. Đó cũng là đạo đức nghề nghiệp, chắc chắn trong thời gian tới lực lượng PCCC sẽ tăng cường hơn nữa nhằm góp phần đáng kể trong việc kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra”, thiếu tướng Trần Anh Dũng nhấn mạnh.
TP.HCM dẫn đầu về số vụ tai nạn lao động Trong năm 2011, cả nước đã có 5.896 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), gây tốn kém 300 tỉ đồng, khiến 574 người bị chết và 1.314 người bị thương nặng… Điều đáng nói, trong 63 tỉnh, thành trong cả nước thì chỉ có 4 tỉnh không xảy ra TNLĐ chết người là Nam Định, Bình Phước, Hà Giang và Bạc Liêu. 10 địa phương có các vụ TNLĐ gây chết người nhiều nhất là TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Sơn La và Thái Nguyên. |
Thu Hằng
>> Cháy phòng tiệc cưới, hàng trăm người hoảng hốt
>> Cà Mau: Cháy chợ, thiệt hại gần 2 tỉ đồng
>> Cháy tại chung cư Đào Duy Từ, người dân hoảng sợ
>> Cháy lớn ở chợ Quảng Ngãi, thiệt hại hơn 200 tỉ đồng
>> Cháy lớn tại tòa nhà EVN
>> Cháy rụi cơ sở sản xuất rộng hàng chục ngàn mét vuông
Bình luận (0)