Nhằm phát huy vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang có nhiều cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ giải trí cao cấp.
|
Hạ Long đẹp. Điều này ai cũng biết, nhưng rất ít du khách bỏ ra 3-5 ngày chỉ để lênh đênh trên vịnh. Những “tua” thăm quan vịnh thường chỉ kéo dài 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm (với dịch vụ ngủ đêm trên biển).
Thêm vào đó, do đặc thù của khí hậu miền Bắc chỉ được 3-4 tháng nóng/năm, nên dù tiềm năng có lớn những Quảng Ninh vẫn chủ yếu là du lich một mùa, đông khách vào mùa hè, vắng vào mùa đông.
Phân tích về bất cập này, ông Ứng Trọng Tú, phó chủ tịch CLB Lữ hành Hà Nội nói: “Để thu hút khách quanh năm, cái Quảng Ninh cần là những khu dịch vụ cao cấp như Bà Nà Fantasy park ở Đà Nẵng. Cần có nhiều dịch vụ, điểm thăm quan bổ trợ hút du khách đến vào mùa Đông, khi đó họ vẫn có thể ngắm vịnh, vui chơi đồng thời có thể giữ chân khách ở lại, để khách tiêu nhiều tiền hơn. Ví dụ, khách đến thăm vịnh sau đó có thể đi thăm các làng nghề làm đồ mỹ nghệ, làng nghề thủ công truyền thống. Nếu có khu casino, những khách ngoại cao cấp họ có thể chọn đến Quảng Ninh thay vì đến Ma Cao để vào casino vì vừa được giải trí, vừa được thăm một kỳ quan của thế giới…”.
Lấy dịch vụ để “hút” khách quanh năm
Nếu casino được xây dựng tại Vân Đồn, cộng với sân bay ở đây được triển khai thì du lịch Quảng Ninh chắc chắn sẽ có bước phát triển đột phá
|
|
Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định: “Quảng Ninh đang xin cơ chế để kêu gọi đầu tư một tổ hợp vui chơi giải trí, casino trị giá khoảng 4 tỷ USD vào Vân Đồn, cũng nằm bên bờ vịnh (cách TP Hạ Long hơn 40 km) để biến nơi này thành một điểm nhấn của du lịch Quảng Ninh”.
Không chỉ casino, theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh cũng đang mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư thực hiện các công trình vui chơi, giải trí đẳng cấp ở Hạ Long, Uông Bí như dịch vụ leo núi, du thuyền, lặn biển, các khu phố thương mại, trung tâm mua sắm lớn, trò chơi cảm giác mạnh…
“Chúng tôi sẽ có những chính sách cụ thể để ưu đãi tối đa cho dự án tầm cỡ, tính khả thi cao của các nhà đầu tư thật sự có tiềm lực và chuyên nghiệp”, bà Thủy nói.
Thực tế về phát triển dịch vụ du lịch cao cấp đã được chứng minh tính hiệu quả ngay tại khu danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh. Trước năm 2002, khi chưa có cáp treo, nhiều người dù muốn cũng không dám trèo đỉnh non thiêng vì ngại phải leo ngược dốc vài km. Nhưng kể từ khi có cáp treo, lượng khách cao cấp tăng lên, cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều được lợi.
Quảng Ninh phát triển xanh
Cùng với chính sách hút đầu tư vào ngành dịch vụ du lịch, giải trí, Quảng Ninh cũng đang nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông để kết nối thuận tiện với các điểm đến khác. Vài năm tới, khi dự án đường cao tốc Quảng Ninh- Hải Phòng- Hà Nội hoàn thành (theo kế hoạch, tuyến Hà Nội- Hải Phòng sẽ hoàn thành vào năm 2014), thời gian đi từ Hà Nội xuống Hạ Long sẽ chỉ còn gần 2 tiếng thay vì mất gần 4 tiếng như hiện nay.
Bên cạnh đó, Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính cũng cho biết: “Quảng Ninh sẽ chuyển từ phát triển nóng hiện nay sang phát triển xanh. Chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển giao thông kết nối đến các huyện như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên… để tới đây, tỉnh sẽ tập trung làm quy hoạch, chuyển những nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm từ bờ vịnh vào sâu trong nội địa. Các khu vực khai thác than, chuyển tải than sẽ được sắp sếp lại để không làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm trên vịnh. Chiến lược của tỉnh là phát triển bền vững, mà du lịch sẽ là một mũi nhọn để chúng tôi thực hiện được chiến lược này”.
Káp Long - Bích Ngọc
Bình luận (0)