Để dễ dàng thâm nhập thị trường EU, các công ty Trung Quốc bắt đầu hướng đến lắp ráp sản phẩm tại một số nước châu Âu.
Lâu nay, hàng Trung Quốc tạo được sức hút nhờ giá rẻ nhưng cũng chịu nhiều tai tiếng về chất lượng và độ an toàn. Với mục tiêu cạnh tranh và xâm nhập thị trường châu Âu, các tập đoàn lớn của nước này đang tìm cách xóa bỏ ấn tượng không tốt với sản phẩm “made in China” nhờ thay bằng nhãn “made in EU”, theo tờ Le Monde.
Xe hơi mở đường
Từ chỗ được xem là “công xưởng của thế giới”, giờ đây các công ty Trung Quốc đang đảo ngược quy trình, đưa linh kiện của mình sang lắp ráp ở các nước EU. Dấu ấn quan trọng trong chiến dịch “Âu hóa” là sự kiện Tập đoàn xe hơi Great Wall Motors chính thức khánh thành Nhà máy Bahovitsa, phía bắc Bulgaria cùng đối tác bản xứ Litex Motors vào ngày 21.2. Nhân dịp này, “đại gia” ngành xe hơi Trung Quốc đã công bố kế hoạch sản xuất 3 dòng xe mới Voleex C30, Voleex 20R và Hover H6. Theo Le Monde, mục tiêu của Great Wall Motors là sản xuất 50.000 xe/năm. Giá thành dự kiến từ 8.200 - 14.600 euro/chiếc (228,4 - 406,7 triệu đồng). Toàn bộ phụ tùng, linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc và lắp ráp tại Nhà máy Bahovitsa nên sẽ tránh được một số chi phí thường gặp khi nhập khẩu vào thị trường EU.
Trong điều kiện giá dầu “nhảy múa” từng ngày, việc lắp ráp tại châu Âu còn giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Le Monde dẫn lời Giám đốc thương mại của Ngân hàng HSBC tại Pháp Hervé Solignac Lecomte đánh giá vị trí nhà máy của Great Wall Motors nằm ngay khu vực phân phối chính hiện nay là Bulgaria, Macedonia, Albania và Montenegro. Ngoài ra, còn nhiều thuận lợi khác khi đầu tư sản xuất tại các quốc gia EU như điều kiện cơ sở hạ tầng tốt, nhân công chất lượng cao và riêng tại Bulgaria còn có chính sách thuế ưu đãi.
|
Trước Great Wall Motors, một số hãng của Trung Quốc cũng “cắm rễ” tại châu Âu, nhưng với hình thức khác. Hãng Morris Garage (MG) của Anh đã bị Tập đoàn Nanjing-SAIC mua lại vào năm 2005 và bắt đầu sản xuất các dòng xe MGTF, MG6 ở Nhà máy Longbridge. Tương tự, một tập đoàn khác của Trung Quốc là Geely sau khi sở hữu Volvo Cars (trụ sở chính tại Thụy Điển) từ hãng Ford đã tung vào thị trường châu Âu dòng xe Geely EC7. Được đà, nhiều công ty của Trung Quốc cũng rục rịch “Tây tiến”: Tập đoàn Chery dự định hợp tác với hãng DR Motors của Ý để lắp ráp xe hơi tại Sicily; Tập đoàn Brilliance, đối tác của hãng BMW ở Trung Quốc cũng đang xem xét khả năng mở nhà máy ở Catalonia (Tây Ban Nha)...
Tăng cường thu mua
Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều hãng trong nhiều ngành như năng lượng, sản xuất du thuyền, xây dựng, giao thông vận tải… tại EU lâm vào nguy cơ phá sản và bị các tập đoàn của Trung Quốc thu mua lại, theo tờ La Tribune. Tổng số vốn đầu tư năm 2011 của nước này vào EU đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2010, đạt 6,7 tỉ USD.
Hãng vận tải hàng hải China Ocean Shipping Company (Cosco) hiện đã quản lý 2 bến của Piraeus, hải cảng lớn nhất của Hy Lạp. Tháng 1.2012, đại gia về sản xuất thiết bị xây dựng Sany chi 500 triệu euro để mua hãng Putzmeister của Đức. Trước đó không lâu, Quỹ đầu tư CIC đầu tư 600 triệu euro vào Công ty cung cấp nước Thames Water của Anh.
Ngoài ra, theo Đài phát thanh RTL, từ nay đến năm 2015, Pháp và Trung Quốc dự kiến xây dựng cơ sở hợp tác kinh tế mang tên Châteauroux Business District (CBD), thuộc tỉnh miền trung Indre. Khoảng 40 công ty Trung Quốc sẽ “đổ bộ” vào cơ sở rộng 850 ha này. Hoạt động chủ yếu của CBD là lắp ráp linh kiện các sản phẩm công nghệ cao từ Trung Quốc như điện thoại di động, pin quang điện… Sản phẩm sau cùng có thể được gắn nhãn “made in EU”. Dự án này được nhiều quan chức địa phương hoan nghênh vì Châteauroux đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Nơi này có vị trí địa lý khá thuận lợi, chỉ cách Paris hơn 250 km và sân bay có đường băng dài đến 3.500m, thích hợp cho các máy bay chở hàng loại lớn. Châteauroux cũng từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ thuộc NATO trong giai đoạn 1951-1967, theo tờ Le Parisien.
Tuy nhiên, lâu nay cũng có nhiều ý kiến lo ngại về việc các tập đoàn và quỹ đầu tư Trung Quốc nắm cơ hội khủng hoảng tại châu Âu để xâm nhập các ngành trọng yếu cũng như kiểm soát những địa điểm quan trọng như cảng Piraeus của Hy Lạp, theo Reuters. Hồi đầu tháng, Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải trấn an rằng Trung Quốc “không có ý định và khả năng mua đứt châu Âu”.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)