(TNTS) Ngày 24.2 vừa qua, tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 27 năm ngày Thầy thuốc VN (27.2.1955 - 27.2.2012).
Tại buổi lễ này, ngành y tế TP tôn vinh những thành tựu của ngành, của những bệnh viện (BV) đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Đó không chỉ là niềm tự hào của ngành y tế TP, mà còn là niềm tự hào của cả nước.
Trên thực tế, trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn còn nhiều, nhưng ngành y tế nước ta đã nỗ lực vươn lên, đạt được những thành tựu y học ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Lần đầu tiên trong nước, cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới, BV Nhi đồng 1, TP.HCM đã nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật lọc máu liên tục để điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng, có kèm suy đa tạng.
Trước tình hình dịch tay chân miệng hoành hành trong năm 2011, BV Nhi đồng 1 cố gắng nghiên cứu, tìm tòi về nguyên nhân gây tử vong do căn bệnh này.
|
Dựa trên kết quả các công trình nghiên cứu của thế giới, nhóm các bác sĩ nghiên cứu của BV Nhi đồng 1 nhận định rằng, tay chân miệng là một trong những bệnh khiến cơ thể tiết ra các hóa chất trung gian trong máu, làm gia tăng mức độ nặng của bệnh, tương tự như trong bệnh sốt xuất huyết và trong ngộ độc cấp. Từ đó, BV đã mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng phương pháp lọc máu liên tục, một kỹ thuật hồi sức hiện đại, tích cực trong các trường hợp bệnh tay chân miệng có biến chứng suy đa cơ quan.
Kết quả là đã cứu sống được nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng rất nặng, rơi vào sốc lúc nhập viện (độ 4, trước đây phần lớn những ca bệnh như thế này đều bị tử vong).
Từ kết quả đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Sở Y tế TP.HCM đã cho phép ứng dụng kỹ thuật này vào điều trị tay chân miệng tại các BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2. Sở Y tế TP.HCM cũng đã trình Bộ Y tế thẩm định và duyệt đưa kỹ thuật lọc máu liên tục vào trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của cả nước.
|
Trong khi đó tại BV Nhi đồng 2, những năm qua các bác sĩ cũng nỗ lực không ngừng và đã triển khai thành công kỹ thuật ghép gan trên trẻ em. Trên thực tế lâu nay ai cũng biết, ghép gan là một trong những kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Vì thế, BV Nhi đồng 2 đã chuẩn bị đào tạo nhân sự và đầu tư trang thiết bị cho kỹ thuật này từ những năm 1990.
Và ca ghép gan được thực hiện thành công tại BV này vào cuối năm 2005.
Nhân dịp kỷ niệm 27 năm Ngày Thầy thuốc VN (27.2.1955 -27.22012), ngày 25.2 vừa qua, Bộ Y tế tổ chức lễ tôn vinh những thành tựu y học được xem là nổi bật của VN về: ghép tạng; mổ nội soi; ứng dụng tế bào gốc; tim mạch; ung bướu... |
Đến thời điểm này, Nhi đồng 2 là BV duy nhất của các tỉnh phía Nam thực hiện được ghép gan cho trẻ em. Đã có 7 trường hợp bệnh nhi được ghép gan thành công, chiếm một nửa số ca ghép gan trong cả nước.
Trong số đó, có một trường hợp ghép gan cho trẻ nhẹ cân nhất (chỉ mới 6 kg). Và đây cũng là một trong các trường hợp ghép khó khăn và phức tạp mà y văn thế giới đã ghi nhận.
Tại BV Phụ sản Từ Dũ, công trình ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai cũng đã ghi thêm vào sổ vàng thành tựu của ngành y tế TP.HCM một vết son mới.
Khoa Xét nghiệm di truyền y học của BV này là nơi đầu tiên tại VN triển khai thành công và đưa vào thực hiện rất hiệu quả chương trình chẩn đoán trước sinh bệnh thalassemia bằng kỹ thuật sinh học phân tử, triển khai kỹ thuật QF-PCR vào việc chẩn đoán Hội chứng Down và các bất thường về số lượng nhiễm sắc thể, triển khai các chẩn đoán di truyền cho các bệnh phổ biến khác ở người VN như, bệnh Hemophilia, giải trình tự DNA, chẩn đoán đột biến gien AZF gây hiếm muộn, chẩn đoán nhiễm CMV và bệnh rubella thai kỳ.
Việc ứng dụng thành công những kỹ thuật sinh học phân tử tiên tiến trong chẩn đoán trước khi sinh đã hạn chế những trường hợp bé sinh ra bị các dị tật, bệnh bất thường.
Cũng không thể không nhắc đến thành tựu ứng dụng tế bào gốc vào điều trị các bệnh lý huyết học tại BV Truyền máu và Huyết học.
Vào tháng 7.1995, BV này tiến hành ca ghép tủy xương đầu tiên ở VN, và thực hiện truyền tế bào gốc máu ngoại vi lần đầu vào năm 1997, đến đầu năm 2002, các bác sĩ đã tiến hành ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn và đây cũng chính là ca cấy ghép đầu tiên ở VN.
Hiện tại, trong kỹ thuật cấy ghép, BV Truyền máu và Huyết học TP.HCM có 3 sản phẩm từ tế bào gốc là từ tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi và tế bào gốc từ máu cuống rốn. Tính đến thời điểm này các bác sĩ đã thực hiện thành công trên 100 ca cấy ghép, trong đó gần một nửa là ở trẻ em và chuyển giao thành công kỹ thuật này cho một số BV trong nước.
Bên cạnh đó, ngân hàng máu cuống rốn của BV cũng đã được Hiệp hội Máu cuống rốn châu Á công nhận đạt chuẩn ASIA CORD từ năm 2004.
Ngoài ra, còn có các thành tựu khác cũng được ngành y tế TP.HCM tôn vinh trong dịp này như: kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh tạo xương bất toàn (bệnh xương thủy tinh) tại Viện Y dược học dân tộc TP; ứng dụng công nghệ gene sản xuất thành công nguyên liệu và thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C…
Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao mổ nội soi cho bác sĩ nhiều nước Cách đây 20 năm, BV Chợ Rẫy là nơi đầu tiên trong nước ứng dụng thành công kỹ thuật mổ nội soi. Người đầu tiên khơi mào cho kỹ thuật này là PGS.TS Nguyễn Tấn Cường (hiện ông thuộc bộ môn Ngoại, Trường ĐH Y Dược TP.HCM và khoa Ngoại Gan mật tụy BV Chợ Rẫy). PGS.TS Nguyễn Tấn Cường cùng các đồng nghiệp ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi vào phẫu thuật cắt túi mật cho bệnh nhân vào tháng 9.1992 tại BV Chợ Rẫy. Kỹ thuật mổ nội soi sau đó được bác sĩ BV Chợ Rẫy chuyển giao cho nhiều BV khác trong nước, và các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Pakistan… Bình quân mỗi năm, BV Chợ Rẫy tiếp nhận trên dưới 20 bác sĩ từ các nước đến học kỹ thuật mổ nội soi. Hiện nay nhiều BV trong nước đã áp dụng thành công mổ nội soi. Thay vì mổ hở cổ điển lâu nay (với đường mổ được rạch dao dài, rộng, làm mất nhiều máu, vết thương lâu lành, để lại sẹo xấu), thì mổ nội soi, với vết mổ rất nhỏ, ít đau, thời gian nằm viện ngắn... Hiện, 95% số trường hợp bệnh nhân bị sỏi túi mật, viêm túi mật cấp tại BV Chợ Rẫy được áp dụng cắt túi mật bằng nội soi. Đến nay, tại VN, mổ nội soi hiện đã được ứng dụng vào mổ rất nhiều chuyên khoa như: tiêu hóa; gan - mật - tụy; lồng ngực; tai mũi họng; chỉnh hình; tiết niệu; mắt; sản phụ khoa... |
Thanh Tùng
>> Bệnh từ tay bẩn
>> Bệnh của những người thích đồ ngọt
>> Bệnh tay chân miệng lan rộng
>> Nhà vệ sinh trường học - nỗi lo trong mùa bệnh tay chân miệng
>> Cô gái xương thủy tinh hớp hồn khán giả "Got Talent
>> Kỳ tích y học Việt
>> Xứng danh “từ mẫu”
>> Cứu sống sản phụ bị chấn thương sọ não
Bình luận (0)