Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ: EVN trốn tránh sự thực

27/03/2012 03:06 GMT+7

Trong thông cáo phát đi hôm 26.3, Tập đoàn điện lực VN (EVN) khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa xuất hiện các vết nứt bê tông, mức độ thấm như hiện nay (30 lít/giây) chưa ảnh hưởng đến an toàn đập.

Trong thông cáo phát đi hôm 26.3, Tập đoàn điện lực VN (EVN) khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa xuất hiện các vết nứt bê tông, mức độ thấm như hiện nay (30 lít/giây) chưa ảnh hưởng đến an toàn đập.

>> Nhiều công trình liên quan cũng kém chất lượng
>> Cơ quan chức năng khẳng định đập an toàn
>> EVN cam kết xử lý xong trước mùa lũ 2012

EVN cũng giữ nguyên khẳng định trước đó: “Nước thấm qua khe nhiệt chứ không phải thấm qua các khe nứt của đập như báo chí đưa tin. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do hệ thống các ống thu nước bố trí trong các hành lang thu nước trong thân đập chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ thu nước thấm trong thân đập, một số ống thu nước giữa các tầng hành lang bị tắc, nước ứ đọng nhiều trong các hành lang, không thoát hết về hố thu nước”.

 
Đoàn công tác Quân khu 5 kiểm tra sự cố thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: N.Tú

Không thể chối quanh

Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí VN, Tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật địa lợi (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), người đã trực tiếp khảo sát tại đập - phản bác những thông tin EVN đưa ra. Ông Hùng cho biết đã “thấy cả những vết nứt trên thân đập và hành lang đập, nước chảy tràn ra ở những vị trí đó, EVN còn chối quanh gì nữa. Nhiều báo cũng đã chụp được ảnh làm bằng chứng, không thể nói là vẫn an toàn”.

 

EVN đang trốn tránh sự thực rằng thân đập đã bị nứt, trong hầm nước vẫn chảy rất mạnh

 

TS Đào Trọng Tứ

Cũng theo ông Hùng, công trình liên quan đến tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân, phải có đoàn chuyên gia đa ngành khảo sát kỹ lưỡng một lần nữa. Hiện tượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 là nghiêm trọng và phải được xử lý khẩn trương. Dòng thấm phát sinh do mức nước chênh lệch giữa thượng và hạ lưu đập. Cho đến nay, tỷ lệ đập bị mất an toàn do tác động của dòng thấm (trong thân đập và cả trong nền đập) là khá cao trên thế giới. Không được phép để nước thấm tràn ra mái hạ lưu. Nước thấm trong đập đất thì phải qua tầng lọc trước khi ra phía hạ lưu. Nước thấm trong đập bê tông thì được gom lại trong các hành lang ở thân đập để chuyển xuống hạ lưu theo đường riêng. Ông Hùng cho rằng, dòng thấm xuyên qua  đập Sông Tranh 2 chảy tràn ra mái hạ lưu đập phải được khắc phục ngay và triệt để.

Gay gắt hơn, theo TS Đào Trọng Tứ - Ủy viên thường trực Mạng lưới công tác vì nước, nguyên Phó chủ tịch Ủy hội Sông Mê Kông - cho rằng: “EVN đang trốn tránh sự thực rằng thân đập đã bị nứt, trong hầm nước vẫn chảy rất mạnh. Tôi không tin EVN có thể giảm được 80% lượng nước rò rỉ chỉ trong vài ngày như vậy.  Đập bê tông khi đã thấm nước thì rất khó khắc phục. Đó chỉ là biện pháp để trấn an dư luận. EVN nói đập không bị nứt mà chỉ là thẩm thấu nước qua các khe nhiệt. Nhưng EVN đã cố tình quên rằng, về nguyên tắc kỹ thuật, khe nhiệt cũng không thể cho thấm nước, buộc phải có màng ngăn chống thấm. Do sử dụng ít xi măng nên đập bê tông đầm lăn rất dễ bị nứt, đòi hỏi phải thi công rất nghiêm ngặt. Bằng nhiều năm kinh nghiệm về thủy điện, tôi khẳng định đập đã bị nứt”.

 

Các biện pháp khắc phục của EVN

Từ ngày 21.3 đã cho thông rửa các lỗ khoan bị tắc, đục rãnh thoát nước để thu nước về hố thu trong thân đập. Đến nay đã có hiệu quả và hiện tượng thấm về hạ lưu đập đã giảm hẳn (theo đánh giá sơ bộ tại hiện trường thì giảm khoảng 80%).

Từ 21 giờ ngày 24.3 đã đưa 2 máy khoan tay vào khoan tại khe nhiệt 18, 21, 24, 28, đã khoan 2 lỗ tại các khe 16 và 24 từ hành lang số 3 xuống hành lang số 2 để thu nước vào hành lang thoát nước. Phần lớn lượng nước thấm tại các khe nhiệt này đã chảy vào hành lang.

EVN đã chỉ đạo huy động tối đa công suất của nhà máy để hạ mực nước hồ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý thấm đạt hiệu quả. Giao cho Ban quản lý dự án thực hiện ngay việc quan trắc chu kỳ I để đánh giá toàn diện về ổn định công trình.

EVN sẽ tiếp tục mời chuyên gia có kinh nghiệm đến kiểm tra, khảo sát, đề ra các giải pháp xử lý tổng thể và sẽ hoàn thành trước mùa lũ năm 2012. Trên cơ sở kết quả xử lý thấm EVN sẽ có báo cáo đánh giá đầy đủ về an toàn ổn định đập thủy điện Sông Tranh 2.

Tại Diễn đàn về đập thủy điện Sông Tranh 2 của Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN, ông Hoàng Xuân Hồng - Trưởng ban Khoa học công nghệ - cho biết hiện tượng nước chảy thành dòng, thành vòi qua đập Sông Tranh 2 chưa hề có ở các đập bê tông đã xây dựng ở VN. Theo ông Hồng, vật liệu bê tông không thể chống thấm tuyệt đối nên trong các đập bê tông trọng lực, bao giờ cũng bố trí các hành lang thu nước thấm, rồi cho chảy ra hạ lưu đập. Tùy theo quy mô của đập mà các nhà tư vấn thiết kế có thể bố trí một hoặc nhiều tầng hành lang. Riêng về thấm, các nhà tư vấn tính toán lưu lượng thấm cho phép qua toàn bộ thân đập theo các tiêu chuẩn hiện hành, nhưng tuyệt đối không cho thấm trên mặt đập, càng không cho phép nước chảy thành dòng.

“Việc Ban Quản lý dự án điện 3 khẳng định dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình là không đúng về bản chất. Ở đây có thể có sự nhầm lẫn giữa lưu lượng thấm cho phép trên toàn bộ thân đập và lưu lượng nước chảy qua đập thành dòng, thành vòi tại một số điểm của khe nhiệt và khe co giãn, khe lún”, ông Hồng phân tích.

EVN cũng khẳng định việc xuất hiện động đất kích thích trong thời gian gần đây tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có cường độ thấp hơn cường độ tính toán trong thiết kế, qua kiểm tra cho thấy không ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của đập. Theo quy luật tự nhiên, các dư chấn của động đất kích thích có cường độ thấp hơn nhiều và sẽ giảm dần theo thời gian.

Tuy nhiên, ông Hồng cảnh báo dòng chảy qua khe nứt của đập với áp lực cột nước lớn sẽ xói mòn các vật liệu xung quanh và mở rộng một cách nhanh chóng các vết nứt, khiến việc cứu đập sẽ vô cùng khó khăn. Nguy cơ vỡ đập sẽ cao khi có những tác động mạnh do sóng bão hoặc động đất.

Ông Trần Nhơn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi - cho rằng không thể chấp nhận hiện tượng nước thấm, tràn tại Sông Tranh 2 hiện nay. Thiết kế đập trọng lực bê tông đầm lăn ở VN đã làm nhiều, với chiều cao 96m, nếu làm đúng tiêu chuẩn thiết kế không cần có màng chống thấm. “Vấn đề là khâu thiết kế đang rất lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, không theo sát quá trình thi công để phát hiện sai sót. Quy trình kiểm tra an toàn đập các công trình thủy điện lớn các nước đều làm, hằng năm có đánh giá thường xuyên và 3 năm có đánh giá tổng thể, nhưng chúng ta lại thiếu sót khâu này. Cần phải bổ sung để không xảy ra hiện tượng và nguy cơ như Sông Tranh 2 tại các công trình thủy điện lớn hơn”, ông Nhơn nói.

Không thể nói “an toàn tuyệt đối”

Chiều 26.3, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam do thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5 làm trưởng đoàn, đã kiểm tra thực tế sự cố rò rỉ nước và phương án đối phó mưa bão của thủy điện Sông Tranh 2. Từ trên đỉnh đập nhìn xuống, phía đập bên phải vẫn bị thấm ướt một nửa thân đập từ lưng xuống chân đập. Lượng nước rò rỉ không tuôn xối xả như trước do đơn vị thi công đã sử dụng đường ống thu gom nước cho chảy về men theo thành cửa xả. Tuy nhiên, ở phía bên trái cửa xả, nước vẫn tuôn chảy, tung bọt trắng xóa do chưa kịp được đặt ống dẫn nước.

 

Tại cuộc họp (công khai) của đoàn công tác nói trên, Ban Điều hành thủy điện Sông Tranh 2 đã ngang nhiên cấm báo chí dự họp. Khi các phóng viên ở bên ngoài phòng họp chờ ghi nhận ý kiến cơ quan chức năng thì người của Ban điều hành đẩy đuổi. Xe chở các phóng viên đi cùng đoàn công tác cũng bị ngăn cản.

Đoàn kiểm tra ghi nhận Ban Điều hành thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa chuẩn bị phương án phòng chống lụt bão và đối phó sự cố, nhất là trong thời điểm thân đập đang bị rò rỉ. Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam - đề nghị cần có một cơ quan độc lập kiểm tra, đánh giá vụ rò rỉ này để sớm có kết luận thỏa đáng. Nếu không, không chỉ H.Bắc Trà My mà người dân ở Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn và cả Hội An cũng sẽ hoang mang khi mùa mưa lũ đến. Ông Quang đề nghị vào đầu tháng 4, thủy điện Sông Tranh 2 phải có phương án đảm bảo an toàn đập và phòng chống lụt bão. Kết luận tại buổi kiểm tra, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn yêu cầu phương án phòng chống lụt bão của thủy điện Sông Tranh 2 phải đặt vấn đề an toàn của người dân lên hàng đầu. Đối với sự cố thân đập bị rò rỉ, thiếu tướng Nhơn cho rằng chủ đầu tư không thể nói đập an toàn tuyệt đối được mà phải báo cáo toàn bộ sự việc, nhanh chóng khắc phục hậu quả, thường xuyên theo dõi và thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương.

Nguyễn Tú - Hoàng Sơn

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.