Lãi suất giảm nhưng còn cao

01/04/2012 11:00 GMT+7

(TNO) Lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn là một trong những nhận định của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3, diễn ra sáng nay 1.4.

>> Ngân hàng vượt trần lãi suất
>> Đồng loạt kiến nghị tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN
>> Mở rộng đối tượng được ưu tiên vay tín dụng
>> Thực hiện giá thị trường với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công
>> Lãi suất giảm còn 13%/năm
>> Lãi suất huy động 13% !

Theo báo cáo, tại phiên họp này, Chính phủ đã có nhận định tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 cũng như 3 tháng đầu năm 2012.

Theo đó, mặt tích cực được nhìn nhận là mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng số DN thành lập mới nhiều hơn số DN giải thể và đăng ký ngừng hoạt động.

Cụ thể là số thành lập mới trên 15.300 DN trong khi số đã làm thủ tục giải thể là trên 2.200 DN và có trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh đó, giá cả thị trường khá ổn định, chỉ số CPI tháng 3.2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2.2012. So với tháng 12.2011, CPI tháng 3.2012 tăng khoảng 2,25%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ TNGT. “So với cùng kỳ, quý 1.2012 số vụ TNGT giảm, số người chết giảm và số người bị thương đã giảm”, thông cáo nêu rõ.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo nhận định của Chính phủ, đó là tốc độ tăng trưởng GDP quý 1.2012 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn do chí phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, tồn kho còn ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều DN phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể… Lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn.

Trước tình hình trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại; kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cần chú trọng nhiệm vụ duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; hỗ trợ các DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho. Đi liền với đó là thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tiếp tục tăng cường các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu TNGT, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.