Chi tiêu, mua sắm như thế nào mà vừa hợp túi tiền, lại vừa có những sản phẩm chất lượng trong thời bão giá, đó là bài toán khó cho các bà nội trợ.
|
Cái khó ló cái khôn
Chị Nguyễn Thị Dung (P.Trường Xuân, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) tâm sự, trước đây chị thường mua sắm tại siêu thị. Từ khi giá cả leo thang, chị “chia tay” với siêu thị để đến với chợ Tam Kỳ, dù phải đi xa hơn. Mỗi tuần, chị tiết kiệm được khoảng 500.000đ so với khi mua sắm ở siêu thị trước đây. Cũng từ khi thay đổi thói quen này, chị đâm ra thích thú vì mua được các loại thực phẩm tươi sống vừa được đưa từ dưới biển về. Để tránh lãng phí, chị còn cho biết trước khi đi chợ, chị lên kế hoạch ghi cụ thể mua gì, số lượng bao nhiêu nên không bao giờ xảy ra trường hợp mua thừa hay mua thiếu.
Cũng là kế tiết kiệm nhưng chị Phạm Thị Hạnh (KP1, TX Tây Ninh) lại lựa chọn siêu thị. Nghe ra hơi nghịch lý nhưng chị đi siêu thị thời “bão giá” là để “săn lùng” hàng khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, trước khi mua chị luôn “ôn” lại bài toán so sánh giá cả và chất lượng sản phẩm với các địa điểm bán hàng khác trong thị xã rồi mới quyết định. Chị đưa ra bài học kinh nghiệm là người tiêu dùng không nên vì sản phẩm khuyến mãi hấp dẫn mà mua khi chưa có nhu cầu, hoặc thấy khuyến mãi mà mua thật nhiều. Như vậy sẽ dẫn đến có sản phẩm dư thừa hoặc đợi đến khi dùng thì quá hạn sử dụng.
Không những tiết kiệm về tiền bạc mà còn tiết kiệm được về mặt thời gian, đó là bí quyết của chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, nhân viên Công ty TNHH xây dựng Bình Phước. Đối với những mặt hàng có thời hạn sử dụng dài như bột giặt, dầu gội, nước rửa chén, nước lau sàn, sữa... chị đều mua sản phẩm đóng gói với khối lượng lớn. Kinh nghiệm của chị là bài toán dễ dàng thấy nhất, mua sản phẩm dung tích lớn thì lợi tiền hơn, mà lại đỡ mất công đi mua nhiều lần. Tuy nhiên, chị Hương cũng khuyên rằng, đối với các mặt hàng là thực phẩm như thịt, cá, hoa quả thì không nên mua nhiều vì để lâu ngày thực phẩm sẽ mất chất hoặc không có lợi cho sức khỏe.
Còn chị Thanh Hảo ở Q. Bình Tân, TP.HCM thì trổ tài làm các món dưa để ăn vừa rẻ tiền hơn mua ở chợ vừa có thể thay thế một phần thịt cá giá đắt đỏ hơn trước đây. Chị Hảo chia sẻ: “Mua một ký cải chua làm sẵn trên 15.000đ, trong khi đó tự muối lấy chỉ khoảng trên 5.000đ thôi”. Riêng khoảng nước giải khát, chị quay sang dùng hàng Việt, vì theo chị, nước giải khát do người Việt sản xuất rất hợp “gu” và giá cả cũng khá mềm. Chị còn chuyển từ nước đóng lon sang chai, lựa chọn nước có nguồn gốc từ thiên nhiên như vậy cũng tiết kiệm tiền hơn mà lại tốt cho sức khỏe.
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm
Với giá cả leo thang từng ngày, chị Lê Thị Kim Yến, trú Q.12, TP.HCM quyết định nấu bữa sáng ở nhà. Trước kia, nhà chị 4 người phải chi 100.000đ cho điểm tâm sáng mỗi ngày, bây giờ, chỉ cần sáng dậy sớm hơn trước một tiếng, mỗi tháng chị tiết kiệm được từ 900.000đ - 1.200.000đ. Khi được hỏi về việc ăn sáng tại nhà, em Nguyễn Sơn Tùng, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM - con trai của chị Yến cho biết, so với ăn ngoài quán, ăn sáng tại nhà không phải mất thời gian tìm chọn quán ăn, chờ đợi phục vụ. Việc thay đổi cách sinh hoạt này còn giúp em chủ động về thời gian trong sinh hoạt, học tập.
Cũng với phương châm hạn chế tối đa việc ăn uống hàng quán như chị Yến, chị Phạm Ngọc Hoa (P. Đống Đa, TP. Đà Nẵng) cho biết, sáng đi làm chị mang theo cà mèn cơm để ăn trưa tại công sở. Từ khi “ăn cơm cà mèn” chị đã “lãi” được hơn 500.000đ mỗi tháng. Không những thế, chị còn có những bữa ăn ngon miệng do hợp khẩu vị và đảm bảo vệ sinh. Theo chị Hoa, khi mua cà mèn nên chọn loại cà mèn giữ nhiệt. Với loại cà mèn này thì đến trưa người tiêu dùng vẫn có một bữa cơm canh nóng hổi, không khác gì ở nhà.
Dù có bận rộn đến đâu thì chị Hà Thị My (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn dành thời gian chăm sóc “vườn” rau trên sân thượng nhà mình. Chị My cho biết, việc trồng rau như chị không quá khó và cũng không tốn kém nhiều. Từ khi có “vườn” rau này, chị đã tiết kiệm được rất nhiều tiền chợ. Và điều mà chị yên tâm nhất là cả nhà được ăn rau sạch.
Với mức lương cán bộ xã chưa đến 2.000.000đ/tháng, chị Nguyễn Thị Hải (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tâm sự, chị luôn cân nhắc trước khi chi tiêu, mua sắm và thay đổi cả sinh hoạt hằng ngày sao cho không phải “thiếu trước hụt sau”. Trước đây chị hay vào
internet để tải những bộ phim mình thích xem, nay nhu cầu xem phim của chị dừng lại ở truyền hình. Điện thoại chị cũng “cắt” các cuộc gọi “buôn dưa lê” và tranh thủ khi khuyến mãi để nạp tài khoản. Việc sử dụng điện, gas cũng được mọi người trong gia đình chị hết sức tiết kiệm, không lãng phí.
Để “sống được” trong thời “bão giá”, các bà nội trợ đã có trăm phương nghìn kế. Và những kế sách này không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng thông minh trong thời buổi hiện nay.
Phương Nam
Mẹo tiết kiệm trong thời “bão giá” • Tránh mua sắm những thứ không cần thiết. Lên danh sách những thứ bạn cần mua. Mua những món cần thiết dùng thường xuyên với số lượng lớn để được giảm giá. • Nếu bạn mua nước giải khát hãy mua chai dung tích lớn và sản phẩm có uy tín, thương hiệu, như thế sẽ rẻ hơn thay vì chai nhỏ hoặc lon và đảm bảo chất lượng, tốt cho sức khỏe. • Thương lượng về giá đối với các mặt hàng lớn như xe hơi, điện tử và các thiết bị lớn. Trước khi mua một món hàng, hãy hỏi xem mặt hàng đó có giảm giá trong tương lai gần hay không. • Đừng mắc “bệnh sĩ” khi đi ăn chung với bạn bè. Hãy chọn hình thức góp tiền với mọi người để trả tiền món ăn. • Mang theo bữa trưa đến công sở. • Sử dụng thức ăn thừa để làm thức ăn cho thú nuôi. • Tự trồng rau quả. Nếu không có đất, có thể tận dụng sân thượng để thiết kế làm vườn rau sạch. • Mua quần áo mùa đông vào cuối mùa đông, đầu mùa thu. Mua quần áo mùa hè vào cuối mùa hè, đầu mùa thu. Đây là những dịp bạn có thể mua với giá rẻ hơn. Thiên Thảo (tổng hợp) |
Mời bạn đọc tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm tiêu dùng thông minh cho chuyên mục và gửi về hộp mail: nguoitieudungthongminh@thanhnien.com.vn. Các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm hay sẽ nhận được một phần quà từ nhà tài trợ Tân Hiệp Phát. |
Ý KIẾN NGƯỜI TIÊU DÙNG Trong lúc giá cả leo thang như thế này thiết kế một vườn rau trong nhà là thượng sách. Nhà tôi đã làm rồi, không có gì khó cả. Chị em có thể sử dụng sân phơi, sân thượng, giếng trời, thậm chí là ban công cũng có thể trồng được các loại rau. Chỉ cần mua hoặc tận dụng thùng xốp, sau đó mua hạt giống, đất sạch là có thể làm vườn rau được rồi. Trồng rau trong nhà vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại cũng thấy mát mẻ ngôi nhà của mình nữa. Nguyễn Thị Thanh Hảo (Bình Trị Đông A, Q. Bình Tân, TP.HCM) Để bảo vệ sức khỏe, khi mua các sản phẩm như nước uống, bánh kẹo, tôi thường lựa chọn sản phẩm không chất bảo quản của các cơ sở có uy tín, thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng còn hạn sử dụng. Theo tôi, khi mua bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng nên đặt chất lượng lên hàng đầu thì sẽ tiết kiệm được tiền bạc cũng như giữ gìn sức khỏe. Không nên vì ham khuyến mãi, giảm giá mà mua hàng không chất lượng, không hợp vệ sinh. Hoặc vì quá tiết kiệm mà mua hàng rẻ để rồi thời gian sử dụng ngắn, phải mua cái mới liên tục, rốt cục "một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ" Nguyễn Thị Yến Nhi (UBND xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) |
Bình luận (0)