(TNO) Ông Lê Huy Minh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thông báo như vậy khi trao đổi với Thanh Niên Online về những đợt rung động ở một số tỉnh, thành do ảnh hưởng của trận động đất mạnh tại Indonesia.
* Trung tâm có đo được cấp độ của rung động mà người dân ở các toàn nhà cao tầng tại Hà Nội và TP.HCM cảm nhận được?
- Các rung động mà người dân cảm nhận được là do rung chấn lan truyền từ trận động mạnh có cường độ 8,7 độ Richter ở phía tây tây nam Sumatra (Indonesia) gây ra. Đây là những rung động cấp 3, tính theo thang động đất MSK - 64.
* Rung động cấp 3 có khả năng gây thiệt hại về người và các công trình xây dựng không thưa ông?
- Đây là rung động yếu, không có khả năng gây thiệt hại về người và các công trình xây dựng.
* Theo ông, liệu có xuất hiện thêm những rung động tương tự nữa không?
- Hết rồi. Sau rung động gây rung lắc tại hai thành phố lớn nêu trên, chúng tôi ghi nhận được thêm vài dư chấn nữa nhưng rất nhỏ nên người dân không cảm nhận được.
* Khoảng cách từ tâm chấn đến Hà Nội và TP.HCM là khá xa, tại sao người dân ở các tòa nhà cao tầng vẫn cảm nhận được những rung rắc?
- Có hai lý do. Thứ nhất, đây là trận động đất có cường độ rất mạnh. Thứ hai, sóng động đất lan truyền trên khắp bề mặt trái đất.
TP.HCM và Hà Nội có lớp trầm tích dưới đất lớn, hiệu ứng khuyết đại biên độ sóng động đất tăng lên.
* Cảnh báo sóng thần đã được phát đi ngay sau trận động đất xảy ra, liệu sóng thần có tấn công bờ biển nước ta?
- Cảnh báo sóng thần đối với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương đã được phát đi sau trận động đất tại Indonesia. Bờ biển Việt Nam hoàn toàn an toàn trước cảnh báo sóng thần này.
Xin cảm ơn ông!
Quang Duẩn
(thực hiện)
>> Động đất 8,7 độ Richter gây cảnh báo sóng thần tại Indonesia
>> Động đất ở Indonesia, người dân TP.HCM hoảng loạn
>> Nơi động đất sóng thần đi qua
>> Động đất 7,1 Richter làm rung chuyển miền trung Chile
>> Hơn 32.000 căn nhà hư hại do động đất ở Mexico
>> Động đất 5,8 độ Richter ở Indonesia
Bình luận (0)