>> Người tiêu dùng bị móc túi
>> Đủ kiểu “móc túi” người tiêu dùng
Một ký gạo, bó rau hay lạng thịt đều phải qua ít nhất 4 - 5 tầng nấc trung gian với nhiều loại thuế, phí, hao hụt... đã đẩy giá lên cao.
Người tiêu dùng trong nước luôn phải mua hàng với giá cao vì phân phối yếu kém - Ảnh: Hoàng Việt |
Gạo bán trong nước đắt hơn xuất khẩu
Anh Lê Ngọc Lâm, một thương lái thu mua lúa ở Đồng Tháp và các tỉnh lân cận cho biết, giá gạo tiêu thụ tại thị trường nội trung bình vào khoảng 5.800 đồng/kg. Lúa từ đồng ruộng sau khi thu mua phải tốn thuê mướn nhân công bốc vác, chuyên chở, phơi sấy... khoản chi phí này lên đến 400 đồng/kg; chi phí vận chuyển 400 đồng cộng với tỷ lệ hao hụt do phơi sấy và một khoản lợi nhuận nhất định thì giá lúa mà thương lái bán cho nhà máy ở mức 6.700 - 6.900 đồng/kg. Do giá lúa lên xuống thất thường nên để chắc ăn, thương lái cộng thêm một chi phí "bảo hành lợi nhuận" từ 400 - 600 đồng/kg, giá lúa được đẩy lên mức 7.300 đồng/kg khi bán cho nhà máy. Nếu "ép" nhà máy không được, họ sẽ quay lại "ép" giá nông dân. Nhưng đây cũng mới chỉ là giai đoạn đầu trong "cung đường giá".
|
Sang đến khâu xay xát, giá tiếp tục được đẩy lên. Anh K.Lớn, chủ một doanh nghiệp (DN) xay xát gạo ở Cái Răng (Cần Thơ) kể, chi phí xay xát, nhân công, lưu kho... khoảng 300 đồng/kg gạo, lợi nhuận của DN là 500 đồng/kg. Do đó, giá gạo xuất kho bán buôn cho các DN, đại lý phân phối thì giá gạo đã lên đến mức trên 12.000 đồng/kg. Các DN, đại lý này phải bỏ ra một khoản chi phí vận chuyển gạo về thành phố rồi từ đó chia nhỏ ra phân phối cho các cửa hàng, tiệm bán lẻ, tiểu thương ở các chợ. Khâu vận chuyển từ nhà máy xay xát đến các điểm bán lẻ chủ yếu bằng đường bộ nên tốn rất nhiều chi phí kể cả chính thức và phi chính thức. Chính vì vậy, giá cả đầu ra ở khâu này thường tăng giảm bất thường, khó kiểm soát. “Các DN phân phối, đại lý bán gạo cho các tiểu thương với mức giá 14.000 - 15.000 đồng/kg là điều hết sức bình thường”, anh K.Lớn cho biết.
Chủ một điểm bán gạo ở gần chợ Bà Chiểu nói: Các đại lý giao gạo họ không giảm giá thì mình cũng đâu có giảm cho khách hàng được. Trong khi đó chúng tôi còn tốn bao nhiêu chi phí như: tiền thuê mặt bằng, thuế, công lao động, điện nước... “Một ký gạo giá mười mấy hai mươi ngàn vậy đó chứ sau khi trừ chi phí chúng tôi chỉ lời 200 - 300 đồng thôi”, chị chủ cửa hàng trên phân trần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là con đường ngắn nhất đưa hạt gạo đến tay người tiêu dùng. Nhiều người lâu năm trong nghề cho biết: đằng sau cung đường ấy còn nhiều dích dắc. Chủ một tiệm gạo ở phường 4 (Q.3, TP.HCM) nói: giá gạo trên thị trường thành phố hiện nay bị đẩy lên cao còn do các cửa hàng cạnh tranh với nhau bằng hình thức khuyến mãi. Một số cửa hàng thu hút khách bằng cách tặng đường, bột ngọt, nước mắm... cho khách hàng mua với số lượng trên chục ký. Người mua thì thấy có lợi nhưng thực ra tất cả những thứ đó đã được cộng vào giá thành hạt gạo. Đến khi kết thúc chương trình khuyến mãi thì giá gạo đâu có giảm, người tiêu dùng (NTD) chẳng những không có lợi trước mắt mà còn bị thiệt lâu dài.
TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích: “Từ lâu nay NTD trong nước phải chấp nhận thực tế là mua gạo với giá cao hơn xuất khẩu. Cụ thể như giá gạo xuất khẩu là 500 USD/tấn, tương đương 10.000 đồng/kg; thì cũng loại gạo đó bán trên thị trường nội địa với giá 14.000 - 15.000 đồng/kg là chuyện bình thường”. Điều này cho thấy có vấn đề ở khâu phân phối, nhưng lâu nay chưa được giải quyết nên NTD trong nước vẫn bị chịu thiệt.
Bó rau, lạng thịt sang tay... 5 lần
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết con heo từ trại chăn nuôi phải qua 5 khâu trung gian mới đến NTD. Mỗi tầng nấc đẩy giá tăng thêm một chút. Từ thương lái mua heo tại trại chăn nuôi, phải chịu rất nhiều khoản phí vận chuyển, phí kiểm dịch, phí giết mổ..., các chi phí này cả phí chính thức lẫn không chính thức nên mỗi còn heo cõng đến cả trăm ngàn đồng, cộng với tiền lời lãi đẩy giá lên cao. Thương lái bán hàng cho tiểu thương chợ sỉ, chợ sỉ bán hàng cho chợ lẻ. Hàng đến tay tiểu thương chợ lẻ chưa phải là cuối cùng, họ còn bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn hoặc tiểu thương bán lẻ cấp nhỏ hơn, rồi miếng thịt đó mới đến tay NTD. Cái khó nữa, là khi giá heo ở trại mới nhích lên chút đỉnh thì tiểu thương chợ lẻ đẩy giá rất nhanh, mức tăng rất cao.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức cũng khẳng định, đường đi của bó rau, cọng hành, củ cải thường phải qua 4 - 5 tầng nấc trung gian trong chuỗi phân phối. Mỗi khâu lại phải chịu đủ loại chi phí xăng dầu, thuế, phí cầu đường... nên giá thành hàng hóa bị đẩy lên quá cao là tất yếu. Vì vậy, có trình trạng rau củ bỏ rục ở các trang trại, thậm chí chợ sỉ dội hàng, bán đổ bán tháo nhưng giá chợ lẻ vẫn cao. Càng nhiều khâu trung gian tỷ lệ hao hụt càng lớn, giá càng cao. Bà Hà phân tích: do sức mua giảm nên tiểu thương bán lẻ lấy hàng rất ít. Một hộ bán lẻ chỉ lấy có vài chục ký hàng cũng mất chuyến xe, 1 - 2 công lao động, cũng mất các khoản phí, thuế... Chi phí quá nhiều “đè” lên lượng hàng ít ỏi, thành ra giá bán lẻ rất cao. Tất cả những khoản chi phí đó đều được tính vào giá thành, ảnh hưởng đến túi tiền của NTD.
Một cán bộ quản lý giá Sở Tài chính TP.HCM, cho biết các khoản chi phí là cố định, tiểu thương buôn bán càng nhỏ lẻ, bán hàng càng ít càng phải đẩy giá lên cao để bù vào chi phí mới có lời.
Hoàng Việt - Chí Nhân
Bình luận (0)