Nợ ngân hàng ngập đầu, không có tiền tiếp tục triển khai dự án, trả nợ cho nhà thầu, sàn môi giới, thậm chí nợ cả tiền lương nhân viên... là thực trạng của hầu hết công ty bất động sản (BĐS) hiện nay.
Sống mòn
Giữa năm 2008, con đường Bãi Sậy, Q.6, TP.HCM nhộn nhịp bởi lễ khởi công dự án khu căn hộ cao cấp Richland Emerald cao 28 tầng, với vốn lên đến 40 triệu USD do Công ty Nhật Quang làm chủ đầu tư. Có giá bán tương đương 1.250 USD/m2, nhưng với thị trường BĐS gặp khó khăn và ngân hàng không cấp vốn đã khiến dự án ngưng thi công từ cuối năm 2010, trong khi chủ đầu tư cam kết cuối năm 2010 giao nhà.
Nếu bây giờ vay ngân hàng để đóng thuế đất thì 2 năm nữa không biết bán hết dự án có đủ tiền trả ngân hàng không |
||
Một lãnh đạo Công ty Bình Dân |
||
Sáng 17.4, chúng tôi thấy dự án đã làm xong phần thô, nhưng nay không thấy một công nhân nào, khu nhà mẫu cũng đã được dỡ bỏ. Một đại diện Công ty Nhật Quang thừa nhận đây là dự án duy nhất của công ty nhưng do khó khăn về tài chính nên phải ngưng.
Đồng cảnh ngộ là dự án Good House Apartments tại quận 8 do Công ty L.M.M.C làm chủ đầu tư. Dự án đã được xây đến tầng 15, xong phần thô nhưng mấy tháng nay phải dừng thi công. Nguyên nhân do thiếu vốn và nợ tiền các nhà thầu thi công. Hiện để hoàn thiện, chủ đầu tư cần khoảng 50 tỉ đồng nhưng không vay được trong khi khách hàng không chịu đóng tiền tiếp.
Lãnh đạo công ty cho hay họ đang đối mặt với những khó khăn như: trả vốn và lãi vay đến hạn cho ngân hàng, trả nợ cho nhà thầu thi công, nhà cung cấp vật tư, nhân công... Nếu không trả được các khoản nợ này thì nhà thầu không thi công tiếp, nợ ngân hàng cũng đến hạn nếu không trả được, ngân hàng xử lý tài sản thế chấp theo quy định. Hiện công ty đang kêu gọi khách hàng tiếp tục đóng tiền để chủ đầu tư có kinh phí nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án.
Thê thảm hơn, Công ty A.T.G còn nợ tiền lương của nhân viên hơn 2 tháng nay chưa trả. A.T.G cũng đang nợ tiền hoa hồng môi giới của hàng loạt sàn giao dịch. Các nhà thầu thi công dự án cho A.T.G cũng lâm vào cảnh tương tự khi tiền thi công chưa được chủ đầu tư thanh toán. Chính vì thế mà các dự án do công ty này triển khai đến nay vẫn giậm chân tại chỗ.
“Ăn" gần hết tài sản
Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình, cho biết có đến 90% DN địa ốc đã chết lâm sàng vì không tiếp cận được vốn và gần như 100% sản phẩm không có thanh khoản.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Vũ Anh Tâm, 4 năm nay thị trường BĐS bị tê liệt và “phẳng” tuyệt đối khiến các DN "ăn mòn" gần hết tài sản của mình. Tiền đầu tư vào dự án không sinh lợi nhuận mà còn có nguy cơ bị ngân hàng “gom” hết; thương hiệu các DN xây dựng thời gian qua có nguy cơ “vứt” bỏ. Nhiều công ty phải bán sản phẩm chỉ bằng 50-60% giá thành nhưng không có người mua khiến họ lâm vào cảnh “sống không được, chết không xong”.
Ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc Công ty Bình Dân, chua xót nói mấy năm nay buôn bán không được gì hết nên công ty phải quay sang mở quán ăn để có tiền nuôi quân. Vay tiền ngân hàng không được và nếu có vay được cũng trả lãi không nổi. Thậm chí hiện công ty có một dự án (Q.Thủ Đức) đang trong giai đoạn đóng tiền sử dụng đất, nhưng do không có tiền nên ông xin được trả bằng nền đất. “Nếu bây giờ vay ngân hàng để đóng thuế đất thì 2 năm nữa không biết bán hết dự án có đủ tiền trả ngân hàng không. Lúc đó càng chết. Còn hiện nay bảo đóng tiền mặt thì đóng không nổi. Nếu đến bước đường cùng, nhà nước thu lại dự án cũng đành chịu, nhưng như thế thì tội cho chúng tôi quá bởi DN đã bỏ ra số tiền khá lớn để làm dự án”, lãnh đạo công ty than vãn.
|
Vạ lây
Việc các DN địa ốc mất thanh khoản, lâm vào cảnh “sống dở chết dở” đã kéo các lĩnh vực khác “chết” theo, nhất là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng. Giám đốc một công ty xây dựng cho hay hiện các công ty BĐS đã cắt giảm đầu tư đến hơn 70%, kéo theo đó là ngành xây dựng cũng giảm doanh thu đến 50%. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty xây dựng phải cắt giảm nhân công, không có tiền trả cho đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng.
Theo lãnh đạo Công ty Lê Thành, mỗi năm công ty sử dụng từ 150 - 200 tỉ đồng để mua tiền vật liệu xây dựng, nhưng năm nay dự chi chỉ khoảng 100 tỉ đồng, giảm 50%. Hầu hết các công ty BĐS đều rơi vào trường hợp như Lê Thành.
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty xây dựng Thành Phố, cho biết chỉ còn vài công trình tiếp tục thi công bình thường, giảm khoảng 90%. Trong khi đó, các dự án này hầu như không còn khả năng trả tiền mặt cho nhà thầu mà trả bằng sản phẩm như căn hộ hoặc đất nền. Đơn cử như Công ty xây dựng Hòa Bình đang thi công một số dự án, thay vì lấy tiền mặt, đã lấy căn hộ. Lãnh đạo Công ty Hòa Bình cho rằng hình thức này vừa để tự cứu mình và cũng giúp các chủ đầu tư dễ thở hơn.
Thị trường BĐS khó khăn dẫn đến tình trạng tồn kho của ngành vật liệu xây dựng tăng lên. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện xi măng có lượng hàng tồn kho vào khoảng 3,5 triệu tấn, gạch ốp lát trên 30 triệu m2, thép gần 400.000 tấn thành phẩm và 560.000 tấn phôi thép. Hiệp hội Thép Việt Nam cảnh báo, nếu thị trường BĐS tiếp tục “đóng băng”, trong năm 2012 này sẽ có khoảng 20% DN thép phá sản.
Đình Sơn
Bình luận (0)