Mới 16 tuổi, Võ Văn Phước đã cùng cha anh ra khơi, hướng về Hoàng Sa lộng gió trong những chuyến đi biển dài ngày. Hơn 50 năm sau, ông mới chịu rời con thuyền, nhường lại biển khơi cho lớp trai trẻ.
“Mấy chục năm đi biển, tui đã ra Hoàng Sa nhiều lần”, lão ngư 73 tuổi mới “rửa tay gác kiếm” năm ngoái nói. “Dân Lý Sơn ra Hoàng Sa vì ở đó biển tốt, nhiều hải sản. Bây giờ nó chiếm rồi, nhà nước mình đòi hỏi miết mà nó không trả nên thuyền bè ra đó gặp nhiều khó khăn, bị bắt hoài. Nhưng dù thế nào thì tụi tui vẫn ra đó”.
Ở Lý Sơn, Võ Văn Phước chỉ là một ngư dân bình thường, không “nổi tiếng” như nhà vô địch lặn Bùi Thượng hay “sói biển” Mai Phụng Lưu, nhưng trong lòng ông và 5 người con trai cũng như những thành viên khác của tộc họ Võ Văn luôn mang niềm tự hào là hậu duệ của cai đội Võ Văn Khiết, một trong những người đã tuân “lệnh vua ban” ra thực thi chủ quyền Hoàng Sa từ thế kỷ 18. Tiếp nối Võ Văn Khiết, nhiều thế hệ của dòng họ Võ Văn với các tên tuổi như Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng… đã theo những đội hùng binh ra Hoàng Sa. Họ đã bỏ mình giữa đại dương mênh mông, như hàng trăm dân binh vô danh khác của Lý Sơn.
Sau mấy trăm năm, ngôi mộ chiêu hồn của người cai đội Võ Văn Khiết vẫn còn ở làng An Vĩnh, như một bằng chứng vững chắc về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ngôi mộ cũng gợi nhắc con cháu ý thức chủ quyền đối với quần đảo mà cha ông mình đã khai phá, đã bảo vệ vững chắc trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nguy nan.
Chúng tôi hỏi lão ngư Võ Văn Phước, tại sao “nhân tai” rình rập vậy mà dân Lý Sơn trong đó có những người con trai của ông vẫn hướng mũi thuyền ra Hoàng Sa, ông đáp: “Biển đảo của ông bà mình để lại thì mình phải ra đó khai thác và giữ gìn. Làm sao mà bỏ được!”. Làm sao mà bỏ được, cái lý lẽ giản dị mà xác quyết ấy, vững chắc như những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Sự cương quyết ấy, chúng tôi cũng đã gặp khi đón 21 ngư phủ trở mới đây trở về sau những ngày bị Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa. “Dù hiểm nguy, tai ương trên biển xa luôn rình rập nhưng đã là ngư dân thì phải bám biển đến cùng để nuôi sống gia đình. Vùng biển Hoàng Sa là mảnh đất mà ông bà, tổ tiên để lại thì cớ gì mình lại sợ mà không ra đó đánh bắt”, thuyền trưởng Trần Hiền đã nói như thế khi vừa trở về sau những tháng ngày bị bắt. Trần Hiền là một trong rất nhiều ngư dân đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa. Nhưng cũng như Mai Phụng Lưu, anh đã quyết trở lại biển cả, trở lại với vùng biển đảo mà cha ông đã khai phá và giữ gìn.
|
Vươn ra biển lớn là một ước nguyện ngàn đời của dân tộc Việt. Ước nguyện này được các chúa Nguyễn hiện thực hóa mãnh liệt bằng các đội dân binh Hoàng Sa và tiếp đó là các đội thủy quân dưới các triều vua Nguyễn. Trong suốt công cuộc mở cõi và thực thi chủ quyền ấy, những đội dân binh và thủy quân Hoàng Sa luôn gắn liền với tên tuổi những người con Lý Sơn. Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh… là những người anh hùng Quảng Ngãi, Lý Sơn đã trở nên bất tử cùng với công cuộc giữ gìn chủ quyền Hoàng Sa của nước Việt dưới thời Nguyễn.
Do đâu người Quảng Ngãi, Lý Sơn được chọn cho sứ mệnh thiêng liêng này? Là một nhà nghiên cứu lâu năm về Hoàng Sa và Lý Sơn, tiến sĩ Nguyễn Nhã lý giải: “Vùng đất An Vĩnh, An Hải ở hai bên cửa biển Sa Kỳ và sau này là làng An Vĩnh, An Hải ở trên đảo Lý Sơn là những phần lãnh thổ nhô ra biển xa nhất, gần với Hoàng Sa nhất. Nơi đây, các đội thuyền dễ dàng tiếp cận Hoàng Sa nhờ cự ly gần và những điều kiện thuận lợi về thủy văn. Ngư dân Quảng Ngãi, Lý Sơn từ xưa cũng đã có truyền thống đánh bắt xa bờ. Họ là những con người giàu kinh nghiệm và đầy bản lĩnh, rất phù hợp với những chuyến đi dài ngày tới Hoàng Sa”.
Cơn rùng mình của lòng đất từ hàng triệu triệu năm trước đã tạo nên Lý Sơn như một chiến hạm nổi giữa biển khơi. Từ cuộc kiến tạo của trời đất, lớp lớp dân cư Lý Sơn đã gánh lên vai một sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc. Hoàn cảnh ấy đã hun đúc cho người dân Lý Sơn, từ thế hệ này qua thế hệ khác, một bản lĩnh biển trời, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức đến từ đại dương, ngày trước là từ những cơn phong ba, và bây giờ là từ những chiếc tàu “lạ”. Sau mỗi cơn hoạn nạn, họ lại đứng lên và hướng mũi thuyền ra biển cả, bình thản như chưa hề gặp tai ương.
Hòn đảo Lý Sơn như một chiến hạm không bao giờ chìm, án ngữ nơi con rồng Việt Nam ưỡn ngực ra biển cả. Tinh thần của những người dân ở đây cũng là một chiến hạm không bao giờ chìm, như lời ngư ông Võ Văn Phước nói: “Ông cha mình với thuyền thô sơ mà vẫn giong buồm nương theo gió để ra khơi, bảo vệ được chủ quyền suốt mấy trăm năm. Vậy nên nếu mình chùn chân là có tội với tiền nhân”.
Giản dị là thế, nhưng đúc kết này đến từ một niềm tin không gì lay chuyển nổi.
Trần Đăng - Đỗ Hùng - Hiển Cừ
Bình luận (0)