>> Công nhân bị sa thải vì đòi quyền… đi vệ sinh
>> Lướt qua vùng khủng hoảng
Doanh nghiệp (DN) khó khăn, những lao động (LĐ) phổ thông sẽ được xem xét cho nghỉ việc đầu tiên, LĐ có trình độ và tay nghề cao hơn được giữ lại. Nhưng dù cố gắng níu giữ thế nào thì với tình cảnh khó khăn hiện nay, tương lai của DN và công nhân (CN) lành nghề đều không thể nói trước được.
Bán ô tô để nuôi công nhân
Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty thủy sản Biển Đông (Cần Thơ), trăn trở: “Sau vụ vỡ nợ của Công ty Bianfishco, ngân hàng đã thắt chặt tín dụng và không cho vay nữa. Mặc dù thị trường xuất khẩu cá tra vẫn có đầu ra, khách hàng vẫn có nhưng vì thiếu vốn, DN chúng tôi buộc phải treo ao. Còn những CN lành nghề, có kinh nghiệm của tôi nữa, sa thải họ rồi, sau này kinh tế phục hồi không biết tìm lại ở đâu”.
|
Anh Trần Hữu Nguyên, giám đốc một DN tại TP.HCM, ngậm ngùi nói: “Cho nghỉ thì tiếc, nhưng tiếp tục “nuôi” thì lực bất tòng tâm”. Ông T.T.K, chủ một DN nhỏ khác, thổ lộ: “Tôi đã phải cho nghỉ việc gần một nửa nhân viên, lương cũng cắt giảm 50%. Nhiều lúc khó khăn quá định giải tán quách, nhưng vì hy vọng kinh tế sẽ phục hồi, lại sợ mất CN tay nghề cao, nên phải cắn răng duy trì. Nói thật, đến nay tôi đã phải bán ô tô của mình để lấy tiền trả lương CN”.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, đơn hàng may mặc gần đây đã giảm mạnh ở hầu hết các thị trường lớn. “Tình hình này kéo dài khiến các DN khó giữ chân nhân viên. Điều này sẽ trở thành nguy cơ khi kinh tế phục hồi, đơn hàng có nhưng DN cũng không dám nhận vì thiếu CN”, ông Hồng nói.
Áp lực dồn về nông thôn
Trong số những người mà chúng tôi gặp ở Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM có cả những người có trình độ chuyên môn và thu nhập cao giờ cũng phải tính đến phương án lãnh bảo hiểm thất nghiệp.
Anh Liêm, ở Q.10 (TP.HCM), có trình độ đại học và từng làm cho một công ty sản xuất linh kiện điện, nói: “Mức thu nhập trước đây của tôi khoảng 20 triệu đồng/tháng, do đó khi nhận thấy tình hình có chiều đi xuống thì tôi biết là mình nên xin nghỉ vì trước sau gì cũng sẽ mất việc. Bây giờ người ta mất việc chưa nhiều, mình nghỉ sớm thì cơ hội tìm việc mới cũng sẽ tốt hơn”.
Chị Thanh Hà, thạc sĩ chuyên ngành quản trị DN, than thở: “Không thể ngờ mình lại thất nghiệp, nhưng đấy lại là sự thật. Mấy ngày nay mình đi dạy chính trị theo dạng thỉnh giảng nhưng tâm trí vẫn hoang mang. Đã xin bao nhiêu nơi việc làm quản lý sản xuất nhưng không ai nhận”.
Tương tự, anh N.N.T, trưởng phòng IT (quản trị mạng) của một công ty sản xuất máy phát điện ở Bình Dương, lo lắng: “Nhà máy cũng đã cho nghỉ việc hơn phân nửa CN, nhưng lãnh đạo công ty vẫn đang tìm cách cắt giảm nhân sự. Nghe nói bộ phận IT cũng chuẩn bị giải tán để thuê bên ngoài cho rẻ”.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN, nhận định: “Người LĐ phần lớn xuất thân từ nông thôn, nên khi thất nghiệp họ trở về nông thôn. Như vậy, rõ ràng khu vực nông thôn đang phải “gánh” trên vai một áp lực rất lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang phải trả giá qua việc sức mua của thị trường giảm, hàng tồn kho tăng”.
Mỗi ngày có 700 - 800 người xin hưởng BHTN Hiện mỗi ngày trung bình có từ 700 - 800 người tìm đến Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM để đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc trung tâm, năm 2011, có 105.737 người đăng ký hưởng BHTN nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm nay con số này là 52.308, tăng đến 41,7% so với cùng kỳ. Khoảng 7% trong số này là những người có trình độ chuyên môn cao. Hiện trung tâm đang bị quá tải trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người thất nghiệp, nhân viên phải mang hồ sơ về nhà để làm thêm ban đêm và cả thứ bảy, chủ nhật. |
Q.Thuần - C.Nhân - M.Phương
Bình luận (0)