>> Hỗ trợ thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp khó khăn
>> Cần làm rõ đối tượng được miễn giảm thuế
Giãn 12.000 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng
Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Tuấn cho biết gói chính sách hỗ trợ thuế cho các DN đã được Bộ trình lên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng này. Theo đó, Bộ đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2012 đối với các DN vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động như: may mặc, nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày… Đồng thời, tiếp tục gia hạn nộp thuế TNDN thêm 2 tháng cho các DN gặp khó khăn về tài chính. Gói giải pháp này tác động tới nguồn thu của ngân sách khoảng 4.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 50% tiền thuê đất cho các DN kinh doanh lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, ước tính số tiền miễn giảm hơn 10.000 tỉ đồng.
|
Tuy nhiên, điểm đột phá trong gói hỗ trợ lần này, theo ông Tuấn chính nằm ở sắc thuế giá trị gia tăng (GTGT) do sắc thuế này hiện đang là nguồn thu cao nhất, chiếm tới hơn 20-25% tổng số thu từ thuế và phí. Cụ thể, các đối tượng kinh doanh nhà trọ, khu công nghiệp được miễn toàn bộ thuế GTGT 10%. Nhưng quan trọng hơn, Bộ đề xuất gia hạn thuế GTGT liên tục trong vòng 3 tháng (4, 5 và 6) cho các DN vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động và cho phép bắt đầu đến tháng 10 mới phải nộp thuế. Dự tính, số tiền giãn mỗi tháng tương đương 4.000 tỉ đồng và 3 tháng là 12.000 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi vì sao không giảm thuế mà chỉ hỗ trợ thông qua giãn thời gian nộp, ông Tuấn cho rằng theo kinh nghiệm từ gói hỗ trợ GTGT năm 2009, lúc đó Chính phủ có thực hiện giảm 5% thuế GTGT cho các DN sản xuất nhưng rốt cuộc người mua cuối cùng là người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu, nên hầu như giải pháp này không phát huy được tác dụng. Lần này, giãn có ý nghĩa hơn vì nó mang lại một nguồn vốn tạm thời, trong bối cảnh lãi suất quá cao. “Tuy nhiên, gói giải pháp về thuế chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ thôi bởi cái khó nhất của DN hiện nay là về vốn, lãi suất cao. Giãn thuế ví như nhà nước tạm thời đưa vốn cho DN, cho tín dụng thuế bằng 0, DN sử dụng một thời gian để giảm áp lực vay vốn ngân hàng, cố gắng cầm cự cho đến khi lãi suất trở về bình thường”, ông Tuấn nói.
Với tất cả giải pháp trên, Bộ Tài chính dự kiến nguồn ngân sách trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 25.000 tỉ đồng.
Cần thêm nhiều giải pháp
Đánh giá về gói hỗ trợ trên, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng hiện nay trong cơ cấu thuế hiện hành, thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu có vai trò chủ lực. Đây cũng là các khoản phải nộp lớn nhất của các DN. Tính bình quân thuế TNDN chiếm khoảng 30% tổng thu từ thuế và khoảng hơn 20% tổng thu ngân sách, thuế GTGT chiếm 20-25% và thuế xuất nhập khẩu chiếm trên 10% tổng thu từ thuế. Tỷ trọng trên cho thấy, giải pháp từ thuế sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và sự phát triển của DN.
Theo TS Doanh, hiện nay ngân sách nhà nước đang dự tính sẽ vượt thu khoảng 5%, vì vậy việc hỗ trợ là cần thiết. Thậm chí, có thể mở rộng thêm gói hỗ trợ bằng cách tìm kiếm nguồn vốn từ các kênh khác, ví như khoản thu từ dầu thô (chiếm 21% GDP) khi giá dầu thế giới thời gian qua tăng cao vượt dự toán ban đầu.
Liên quan đến sắc thuế xuất - nhập khẩu, một chuyên gia có uy tín trong ngành tài chính cho biết tất cả quá trình nhập khẩu, sản xuất hay vận chuyển hàng hóa đều phát sinh chi phí và phải chịu cả ba loại thuế chính gồm thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu. Vì vậy, nên chăng Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ từ sắc thuế này, có thể giảm thuế để đẩy nhanh quá trình chu chuyển vốn của DN, tăng lợi nhuận, kích thích cung và cầu, tăng sức mua của thị trường. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết đối với thuế xuất nhập khẩu, hiện đang chiếm từ 15-16% tổng số thu từ thuế và phí, lần này Bộ không tính toán đề xuất giảm vì trong cơ cấu xuất khẩu, tỷ trọng nhập khẩu chiếm đến hơn 90%. “Nếu giảm hay miễn vô tình khuyến khích nhập khẩu sẽ làm gia tăng nhập siêu”, ông nói.
Nhiều chuyên gia đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% hiện nay xuống còn 20% hoặc trước mắt là 23% để hỗ trợ mạnh mẽ hơn DN, nuôi dưỡng nguồn thu.
Anh Vũ
Bình luận (0)