31% “lót tay” trong dịch vụ y tế
Kiểm soát tham nhũng công là một trong 6 nội dung lớn UNDP thực hiện khảo sát trong năm 2011. Kết quả khảo sát cho thấy, khi được hỏi về một số hành vi tham nhũng cụ thể trong lĩnh vực công, có tới 31% người tham gia khảo sát (trong tổng số 13.600 người) xác nhận có tình trạng hối lộ trong dịch vụ y tế công, 29% thừa nhận có phong bì “lót tay” khi xin việc làm trong khu vực nhà nước, 21% xác nhận chi phong bì khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 17% cho biết có phong bì cho giáo viên để con em mình được quan tâm hơn ở trường.
|
Mức tiền hối lộ trung bình trên toàn quốc ở bệnh viện tuyến huyện/quận là 2,6 triệu đồng và ở trường tiểu học để học sinh được quan tâm đặc biệt hơn là 1,2 triệu đồng. Số tiền cụ thể người dân đã phải chi ngoài quy định cho y, bác sĩ thấp nhất là 5.000 đồng (ở tỉnh Điện Biên) và cao nhất là 29,2 triệu đồng ở tỉnh Cà Mau. “Những con số này cho thấy chung chi hay quà cảm ơn mà bệnh nhân/người nhà bệnh nhân thường là phong bì, phong bao cho cán bộ y tế theo cách mà nhiều người gọi là văn hóa phong bì đã thành thông lệ... Quà cảm ơn vô hình trung dẫn tới hệ quả là cơ chế “xin - cho” có đất để sống và tham nhũng trở thành một vấn nạn mang tính hệ thống”, Cố vấn Chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP, ông Jairo Acuna - Alfaro nhấn mạnh.
|
Đáng chú ý, khi khảo sát đánh giá của người dân về quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương, chỉ có 22,9% số người được hỏi cho rằng chính quyền địa phương của họ nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng đã được phát hiện. Tỷ lệ này ở Hà Nội cao nhất với 50,66% và Bạc Liêu thấp nhất với 5,39%. Điều này phù hợp kết quả khảo sát trong số 330 người trả lời trên toàn quốc cho biết cá nhân họ hoặc người thân trong gia đình đã bị cán bộ xã/phường vòi vĩnh, nhưng chỉ có 13,27% cho biết họ đã tố cáo. Lý do được viện dẫn rất nhiều, từ suy nghĩ tố cáo tham nhũng không mang lại lợi ích gì; sợ bị trù úm, trả thù; hay do thủ tục tố cáo quá rườm rà...
Thủ tục đất đai gây khó dân nhất
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy có tới 80% người tham gia khảo sát cho biết họ không biết gì về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Đồng thời, chỉ có 22% người được hỏi cho biết họ có cơ hội đóng góp ý kiến vào các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã/phường. Trong số 5 người dân đóng góp ý kiến thì 2 người cho biết ý kiến của họ đã được tiếp thu.
Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu chỉ ra: “Thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) là nội dung mà người dân còn phàn nàn nhiều nhất. Người dân không những chưa hài lòng với dịch vụ và quy trình thủ tục, mà còn phàn nàn nhiều về thái độ làm việc của công chức”.
Khi được hỏi về tình trạng tham nhũng trong khu vực công, trên toàn quốc có 21% người trả lời cho biết hối lộ để làm xong thủ tục về CNQSDĐ là cần thiết. Về mức tiền hối lộ, người dân Hải Phòng dường như phải chi nhiều nhất bởi giá trị trung bình của chỉ số này ở ngưỡng 9,8 triệu đồng. Ngược lại, ở Hà Giang, người dân hầu như không phải đưa hối lộ để làm xong thủ tục này.
“Nếu trong một năm, người dân vừa phải chi phong bì cho khám chữa bệnh, vừa phải chi cho thầy cô để con được quan tâm hơn, vừa phải làm thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ thì trung bình họ sẽ phải mất khoảng 7,5 triệu đồng cho việc “lót tay”, gấp 7 lần mức lương tối thiểu quy định hiện nay”, ông Jairo Acuna - Alfaro, nói.
Lấy sự hài lòng của dân làm thước đo Trên cơ sở các chỉ số đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để xem những mặt còn hạn chế sẽ có giải pháp cải thiện tốt hơn trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở, làm sao công khai minh bạch tất cả thủ tục hành chính, qua đó dân biết, dân bàn, dân làm và tham gia kiểm tra. Điều này ở một số địa phương của tỉnh vừa qua chưa làm được, thí dụ như phát huy vai trò thanh tra nhân dân rồi giám sát cộng đồng ở cơ sở đối với một số công trình phục vụ dân sinh trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện theo hướng đẩy mạnh công khai dân chủ để người dân được tham gia đóng góp. Tôi cho rằng thước đo hài lòng của người dân chính là cái gốc, là tiêu chí kiểm nghiệm, đánh giá quan trọng nhất, chính xác nhất về chất lượng phục vụ dịch vụ công của các cấp chính quyền. Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Hữu Phước |
CCHC phải có định lượng cụ thể Đề án tổng thể cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011 - 2020 nhấn mạnh đến mục tiêu CCHC chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân, chính vì vậy mức độ hài lòng của người dân được xem là kết quả đầu ra của CCHC, thông qua đó để đánh giá tiến trình, chất lượng, hiệu quả cải cách. Giai đoạn 10 năm trước, chúng ta chỉ nói CCHC một cách định tính mà thiếu định lượng, còn bây giờ, đánh giá hiệu quả CCHC phải căn cứ trên tiêu chí định lượng cụ thể. Trong chương trình tổng thể CCHC giai đoạn tới có các giải pháp đồng bộ, từ nhận thức tới chủ trương đến xây dựng chính sách, thiết chế kiểm tra, giám sát, đánh giá; không chỉ đánh giá trong hệ thống mà còn cả sự đánh giá từ bên ngoài, từ xã hội, nhân dân về chất lượng phục vụ CCHC của đội ngũ cán bộ công chức. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc |
15 tỉnh có điểm số kiểm soát tham nhũng thấp nhất Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) là công cụ giám sát thực thi chính sách được xây dựng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tạp chí MTTQ thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Ban Dân nguyện của Ủy ban TVQH, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc VUSTA và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại VN. Chỉ số PAPI bắt đầu được thực hiện thí điểm ở VN vào năm 2009 tại 3 tỉnh/thành phố gồm Phú Thọ, Đà Nẵng và Đồng Tháp. Trong năm 2010, nghiên cứu được mở rộng ra 30 tỉnh/thành phố với sự tham gia của 5.568 người dân được chọn ngẫu nhiên trên toàn quốc. Năm 2011, nghiên cứu PAPI được thực hiện trên phạm vi toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc với sự tham gia chia sẻ trải nghiệm và ý kiến của 13.642 người dân. PAPI 2011 được cấu thành từ 6 lĩnh vực nội dung lớn, 22 nội dung thành phần và 92 chỉ số thành phần. 6 nội dung khảo sát, gồm: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng; Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công. Năm 2011, nhóm các tỉnh có điểm số thấp nhất về kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công gồm có Điện Biên, Đắk Lắk, Bắc Giang, Lai Châu, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Bắc Ninh, Hà Giang, Hải Phòng, Trà Vinh, Quảng Ninh và Cao Bằng. |
Bảo Cầm
>> Còn tình trạng bao che cấp dưới khi giải quyết khiếu nại tố cáo
>> Phòng, chống tham nhũng phải đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả
>> Bổ sung thành phần Hội đồng xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng
>> Cuộc chiến chống tham nhũng trong "Đàn trời"
>> Hiến kế cải cách thủ tục hành chính
Bình luận (0)