|
Với người bệnh phong, sự vật lộn, đấu tranh để giành lấy sự sống phải gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp mười lần người bình thường. Vượt qua được bệnh tật đã khó, khắc phục di chứng của bệnh để sống làm người có ích còn khó hơn.
Giữ lấy bàn tay
Ông Thi Xuân Tòa (65 tuổi, làng phong Quy Hòa, TP Quy Nhơn) mắc bệnh phong từ năm lên 10 tuổi. Khi phát hiện bệnh của cậu học trò, vị linh mục đã động viên Tòa: “Cha dẫn con ra Quy Nhơn chữa bệnh, sáu tháng sau hết bệnh con về trường học lại”.
Lời hứa sáu tháng sau ấy đã mãi mãi không bao giờ thành hiện thực.
“Ngày ấy mẹ tôi nghe người làng bảo ai bị bệnh Hansen phải đem bỏ vào rừng, chất lửa thiêu để giết con vi trùng thì sợ lắm, thế nên khi nghe cha xứ bảo đưa tôi đi Quy Hòa chữa bệnh, bà một mực ngăn cản không cho tôi đi, cứ ngỡ người ta lừa mang tôi bỏ vào rừng”- ông Tòa kể.
Bệnh tình của ông mỗi ngày một nặng. Tới khi da ông xanh như tàu lá, thân thể gầy chỉ còn hơn 20kg, tóc rụng hết thì mẹ mới đồng ý cho ông ra Quy Hòa.
Ngày ấy, ông Tòa chỉ là một trong hàng trăm phận người trôi dạt từ khắp nơi đổ về Quy Hòa chữa bệnh. Có người về Quy Hòa vì họ không còn chỗ nào để đi, có người bảo Quy Hòa là nơi tập trung những người mắc bệnh phong như mình. Ở đó không có ai sợ bệnh phong, xa lánh những người có bệnh. “Làng phong ngày ấy chỉ có rừng cây rậm rịt, nhà tranh vách đất, giường tre. Hồi đó tôi cũng ưng chết thôi, không còn muốn sống nữa. Nhiều người vào đây vì buồn chán, tuyệt vọng mà tự tử chết nhiều lắm. Đêm xuống chỉ nghe tiếng người khóc thảm thiết. Nhưng rồi tôi tự nhủ với mình: Dù thế nào cũng phải sống” - ông kể.
Phải sống nghĩa là phải chiến đấu với bệnh tật. Người bệnh phong không chỉ chữa bệnh, mà phải học cách vượt qua chính mình, học cách để giữ gìn cho đôi tay, đôi bàn chân được lành lặn. Ông Tòa cùng nhiều bệnh nhân khác được y tá chỉ cách giữ cho bàn tay được thẳng. Nồi sáp được nấu nóng, nhúng cả bàn tay vào nồi sáp, sau đó bôi thuốc lên tay rồi người bệnh phải tập duỗi cho đôi bàn tay được thẳng. Giơ bàn tay co quắp còn đủ năm ngón, ông Tòa cười: “Tôi tập và giữ nhiều lắm bàn tay mới còn nguyên thế này!”.
Sau hơn một năm điều trị, bác sĩ thông báo ông đã sạch vi trùng. Đó là khi kho gạo của các xơ trong làng phong cũng hết. Gạo được ưu tiên phát cho những người tàn tật, ốm yếu. “Mình đã hết bệnh, không thể ngồi đợi miếng ăn tận miệng như thế này được”- nghĩ là làm, ông Tòa cùng nhiều người dân làng phong bắt đầu lên núi chặt củi, xuống biển đánh cá. Những bàn tay không lành lặn học cách cầm dao, cầm rựa để lao động mưu sinh. Ai không còn ngón nguyên vẹn thì dùng dây thun cột chắc cán dao vào tay để lên rừng chặt củi.
“Khổ lắm, người bệnh phong thường mất cảm giác, đi rừng nhiều khi giẫm gai mà đâu có hay. Về nhà hành sốt mới biết có gai cắm sâu cả khúc trong thịt. Thế là băng bó, vết thương loét dần, nhiều người vì thế phải cắt bỏ cả tay và chân. Nhưng không làm thì lấy gì ăn”- ông Tòa bồi hồi.
Nuốt nước mắt vào trong, những người mắc bệnh phong vẫn sống lăn lóc như thế, dưới chân núi, cạnh bờ biển, nơi cách xa thế giới của người đời. Bây giờ ở tuổi 65, vợ đã mất, các con đã lớn, ông Tòa vẫn bám biển đi thả cá, câu mực mỗi ngày. Không chỉ ông mà tất cả người dân làng phong Quy Hòa này nếu còn sức khỏe đều phải lặn lội như thế để đổi lấy từng hạt gạo. Dù bệnh tật đã cướp mất của họ đôi tay, đôi chân hay ánh sáng của đôi mắt, với những người dân làng phong, dường như sức sống của họ chưa bao giờ tàn lụi...
|
Thế hệ thứ ba
Xưởng may gia công của chị Trịnh Thị Loan và anh trai nằm trên tầng hai của căn nhà bỏ trống tại làng phong Quy Hòa. Bố mẹ là bệnh nhân phong, chị Loan sinh ra và lớn lên tại làng phong này. Rồi chị lấy chồng, sinh con, cũng trên mảnh đất của làng phong.
Xưởng may của chị và anh trai có gần chục công nhân, là con bệnh nhân phong và những bệnh nhân tay chân còn lành lặn. Chị Loan nhận hàng từ TP. HCM, may xong lại chuyển vào bán cho các mối lẻ. Chị làm việc cần mẫn, say mê, gửi hết hi vọng của đời mình vào cậu con trai đang học đại học.
Chị tâm sự: “Hồi xưa tôi ước mơ nhiều về cuộc sống bên ngoài làng phong này. Nhưng từ khi ra ngoài đi học, vấp phải sự kỳ thị của mọi người, tôi đã bỏ luôn ý định đó, lại trở về làng tìm mọi cách mưu sinh. Bây giờ đất đai ở làng phong đều thuộc sự quản lý của phường. Bố mẹ tôi mất đi thì nhà trả lại cho Nhà nước. Khi đó những thế hệ thứ hai, thứ ba ở làng phong như chúng tôi không biết sẽ đi về đâu. Thế nên tôi luôn động viên con mình ráng học hành, ở lại ngoài đời cho bằng bạn bằng bè chứ chẳng lẽ cứ ở mãi làng phong này. Giờ chỉ gắng sức làm mong đời con khá hơn”.
Không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, Thuận (làng phong Bến Sắn) là con bệnh nhân và là người có bệnh. Các y tá ở làng phong Bến Sắn kể lại câu chuyện ngày Thuận đi học tại một trường nghề ở Đồng Nai về, Thuận chỉ ôm mặt mà khóc. Vì biết Thuận từng là bệnh nhân phong, các bạn cùng lớp đã tỏ thái độ xa lánh. Có người còn bắt Thuận chạy quanh sân mấy vòng xem Thuận có khỏe mạnh hay không, có người bắt Thuận cho xem giấy chứng nhận mình đã sạch vi trùng.
Thuận ra trường, làm y tá tại một bệnh viện ở Đồng Nai. Lâu lâu Thuận mới về thăm Bến Sắn một lần. Các xơ muốn đi thăm Thuận nhưng cô nhất định từ chối. Cuộc sống mới, công việc mới, Thuận giấu nhẹm chuyện mình từng là một bệnh nhân phong, sinh ra và lớn lên ở làng phong.
“Xơ có buồn không khi những thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở đây, nay lại muốn chối bỏ nơi này?”. Trước câu hỏi của tôi, xơ Lan cười: “Không buồn đâu, vui nữa là đằng khác. Những em cố gắng hòa nhập với đời như Thuận, phải có ý chí và nghị lực lắm. Giờ nhiều trẻ em làng phong khi học ở ngoài xong, lại quay về làng đợi xin việc. Các em không đủ can đảm để ra ngoài bon chen, sợ khó khăn, sợ bị kỳ thị. Thế nên làng phong có những thế hệ thứ hai, thứ ba... vẫn loanh quanh luẩn quẩn ở trong này. Tôi luôn kể với các em câu chuyện nghị lực của Thuận. Thuận đã làm được một điều mà nhiều trẻ làng phong muốn nhưng không đủ can đảm để làm”.
Kỳ tới: Nước mắt làng Vân
Theo Tuổi Trẻ
>> Người làng phong về phố thị
>> Cô giáo làng phong
>> Đến với làng phong Hòa Vân
Bình luận (0)