Theo AFP, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cho rằng các cam kết của ông Hollande về việc thương lượng lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng có trong Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong liên minh tiền tệ và kinh tế (được gọi là Hiệp ước Ngân sách) đã giúp ông giành được lá phiếu của cử tri Pháp.
Thắt lưng buộc bụng không phải là lựa chọn duy nhất
Hiệp ước Ngân sách, được các thành viên EU (ngoại trừ Anh và CH Czech) ký kết hồi đầu tháng 3.2012, đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt mới đối với thâm hụt cơ cấu ngân sách ở mức 0,5% GDP, và đối với nợ nước ngoài ở mức 60% GDP. Nếu nước thành viên nào vượt quá giới hạn này sẽ phải chịu sự trừng phạt tự động của EU.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng bầu cử vòng 2 ngày 6.5, ông Hollande nhắc đi nhắc lại thông điệp kêu gọi Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nên chuyển hướng tập trung từ thắt lưng buộc bụng sang tăng trưởng kinh tế.
|
“Biện pháp thắt lưng buộc bụng không phải là lựa chọn duy nhất, và tôi có trách nhiệm tạo dựng tương lai cho EU bằng tăng trưởng kinh tế, việc làm và sự thịnh vượng”, AFP dẫn lời phát biểu của ông Hollande ngày 6.5.
Còn với nước Pháp, ông Hollande hứa hẹn sẽ tăng thuế đánh vào các tập đoàn lớn và những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm, tăng lương cơ bản, tuyển thêm 60.000 giáo viên và hạ tuổi về hưu từ 62 xuống 60.
Theo AFP, trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Hollande còn giành được sự ủng hộ của một số chính trị gia ở Đức qua việc chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn khẳng định biện pháp thắt lưng buộc bụng là cách duy nhất để các nước thành viên EU thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã gọi điện chúc mừng và mời ông Hollande đến tham gia các buổi hội đàm tại Berlin.
Trong khi đó, Nhật Bản ngày 6.5 lại cho biết nước này sẽ “cẩn thận giám sát” phản ứng của EU trước những chính sách kinh tế của ông Hollande, bởi sức khỏe nền kinh tế EU có thể ảnh hưởng đến Nhật Bản.
Thủ tướng Anh David Cameron, người ủng hộ ông Sarkozy ngay từ đầu chiến dịch tái tranh cử, cũng tuyên bố hợp tác với ông Hollande để thắt chặt mối quan hệ Anh-Pháp.
Ông Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cho biết ông ủng hộ các kế hoạch kinh tế của ông Hollande, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama điện thoại chúc mừng chiến thắng và mời ông Hollande đến thăm Nhà Trắng trong tháng này.
Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo là vị lãnh đạo EU duy nhất ở Pháp trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Hollande, cũng ủng hộ kế hoạch kinh tế của ông Hollande.
Ngoài ra, nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới cũng gọi điện chức mừng chiến thắng của ông Hollande.
Nhưng chiến thắng của ông Hollande đã làm cho thị trường chứng khoán và đồng euro ở châu Á sụt giảm lúc mở đầu phiên giao dịch ngày 7.5.
Đối mặt những thách thức
Ông Hollande sẽ không có nhiều thời gian để tận hưởng kết quả chiến thắng, vì ông sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức to lớn sau khi nhậm chức.
Thách thức đầu tiên là thúc đẩy kinh tế Pháp hồi phục và tăng trưởng. Thống kê quý 1/2012 cho thấy chỉ số tăng trưởng GDP của Pháp chỉ đạt được 0,2%, dự báo chỉ đạt 0,7% cho cả năm, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 1,7% mà chính phủ đương nhiệm đặt ra.
Ngoài ra, ông Hollande còn phải đối diện với thách thức giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, trong khi nợ công của Pháp hiện đã vượt quá ngưỡng 1.700 tỉ euro, chủ yếu là nợ nước ngoài.
Và ông sẽ phải đối diện với bài toán giảm tỉ lệ thất nghiệp, vốn dự báo có thể vượt ngưỡng 10% trong những tháng tới.
Người dân Pháp có tới 5 năm để xem xét và đánh giá những gì ông Hollande đã cam kết trong chiến dịch tranh cử và sẽ thực hiện trong thời gian cầm quyền, như ông tuyên bố trong bài diễn văn mừng chiến thắng: "Tôi cam kết phụng sự đất nước với thái độ tận tụy và gương mẫu".
Phúc Duy
>> Ông Hollande lên, đồng euro tuột
>> Francois Hollande đắc cử tổng thống Pháp
>> Những “cửa quan” hành dân
>> Cánh tả Pháp tràn trề lạc quan
>> Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng hai bầu cử tổng thống
>> Ông Sarkozy chạy nước rút
Bình luận (0)