Phim truyền hình thời mì ăn liền

07/05/2012 09:11 GMT+7

Trên các kênh truyền hình, phim Việt vẫn là món ăn không thể thiếu. Phim lên sóng, hay dở thế nào thì cũng đã được trình diện trước khán giả. Nhưng làm phim thời gian khó, làm phim thời vội vội vàng vàng... Còn có nhiều chuyện chỉ người trong cuộc mới tỏ tường.

Kỳ 1: Người nhắc lời lên hương

Đến bất cứ phim trường nào hiện nay đều dễ dàng nhận ra ngoài đạo diễn, quay phim còn có một nhân vật quan trọng không thể thiếu: người nhắc thoại.

 Ở các đoàn phim thông thường phó đạo diễn kiêm luôn vai trò nhắc thoại. Trong ảnh là cảnh quay
Ở các đoàn phim thông thường phó đạo diễn kiêm luôn vai trò nhắc thoại. Trong ảnh là cảnh quay
bộ phim Trái tim hoa hồng - Ảnh: H.Lê


Tiêu chuẩn để chọn ra người nhắc thoại cũng khá... cao: có sức khỏe để đọc to, rõ và có kinh nghiệm ngắt nghỉ đúng chỗ để diễn viên đọc lại.

Chuyện thường ngày ở... phim trường

Trong một cảnh quay bộ phim Thần tượng lắm chiêu (đạo diễn Xuân Phước) tại Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM vào tháng 3 vừa qua, hầu như ở bất kỳ cảnh quay nào cũng có phần trợ giúp của người nhắc thoại. Vì đứng xa cảnh quay nên người nhắc thoại cố gắng đọc thật to để diễn viên nghe rõ. Trước mỗi câu thoại, người nhắc cũng đọc to... tên nhân vật để diễn viên biết đó là thoại của người nào, tránh thoại nhầm của nhau!

Ở phim trường quay bộ phim Cá cược cuộc đời, sau khi quay đi quay lại ba bốn lần mà đoạn thoại giữa diễn viên trẻ L.B.L và một nữ diễn viên trung tuổi vẫn chưa đạt, L.B.L chủ động nhờ đạo diễn cho nhắc thoại bởi theo cô: “Thoại dài, viết lại chẳng suông nên đọc ngắc ngứ, không nhớ nổi”. Dù không ủng hộ việc nhắc thoại, nhưng đạo diễn Minh Cao cũng đành đồng ý để phim kịp tiến độ sản xuất. Vài ngày sau đó, khi đoàn phim này đến quay tại một ngôi nhà trên đường Nơ Trang Long, nhiều người bất ngờ thấy L.B.L đã có mặt ở đó để tham gia bộ phim Hoa nắng (tên cũ Hiên nhà rực nắng).

Một câu chuyện được dân làm phim truyền tai nhau: một nữ diễn viên trẻ khá xinh khi vào vai chỉ đếm số thứ tự đủ với số từ của thoại thay vì đọc thoại. Khi đạo diễn hỏi: “Em đang nói gì vậy?”, cô cười hồn nhiên: “Em đếm số cho đủ chữ, về mình lồng tiếng lại đâu có sao”!

Không biết sự thật câu chuyện này chiếm bao nhiêu phần trăm nhưng nó đã hài hước hóa một sự việc đang diễn ra hằng ngày tại các đoàn phim. Việc nhắc thoại đang bị lạm dụng một cách nghiêm trọng khiến một bộ phận diễn viên ỷ lại, làm việc thiếu nghiêm túc.

Tại anh, tại ả

30 năm lăn lộn trong nghề, diễn viên Lê Bình than: “Nhiều khi mình diễn xong, đứng chờ diễn viên trẻ diễn, nghe người nhắc thoại đọc rần rần, phân tâm không nhập vai được luôn”.

Ông ngao ngán: “Học thoại là bài học căn bản của diễn viên, có thuộc thoại người diễn mới thẩm thấu câu thoại, hiểu nhân vật để diễn tốt được. Bây giờ không ai quan tâm đến điều này nữa. Người ta thi nhau sản xuất phim truyền hình, đạo diễn bị khống chế thời gian, diễn viên chính chạy sô một lần hai, ba phim nên tất cả đành chấp nhận phương án nhắc thoại. Cái tai phải nghe thoại, miệng thì đọc theo như một cái máy, thử hỏi làm sao mà lên phim hay được”.

Diễn viên Kinh Quốc kể: “Trước đây, khi quay bộ phim Ký túc xá, một nghệ sĩ cải lương có tham gia vai diễn đã chuẩn bị riêng cho mình một người nhắc thoại, mọi người trong đoàn phim ai cũng buồn cười. Nhưng không ngờ chỉ hơn năm năm sau, tình trạng tưởng chỉ diễn ra trên sân khấu giờ lại bị lạm dụng trong phim truyền hình nhiều đến vậy”.

Thừa nhận mình cũng thường xuyên phải nhờ nhắc thoại câu đầu khi diễn, nhưng theo Kinh Quốc, đổ lỗi hoàn toàn cho diễn viên là không khách quan: “Việc không nhớ thoại không phải hoàn toàn do diễn viên. Tình trạng ngày mai quay, hôm nay mới đưa kịch bản cho diễn viên đọc xảy ra ở rất nhiều đoàn phim. Nói thiệt diễn viên chúng tôi đọc mờ con mắt còn chưa xong kịch bản dài mấy chục tập, chưa hiểu kỹ vai diễn của mình như thế nào, chứ đừng nói gì đến thuộc thoại. May mà ra phim trường nhờ người nhắc thoại đọc, chứ không thì chẳng biết làm sao!”.

Bộ phim Cá cược cuộc đời có lúc phải tạm ngưng quay gần một tháng vì... biên kịch bận, không có thời gian viết tiếp kịch bản các tập sau. Đạo diễn, diễn viên còn không biết số phận nhân vật ra sao thì làm sao bắt được tâm lý, diễn tiến của nhân vật để chỉ đạo và diễn xuất!

Vấn nạn nhắc thoại, theo tiết lộ của một đạo diễn, còn bắt nguồn từ việc nhà sản xuất và diễn viên đối phó với nhau.

Đạo diễn này phân tích: “Hiện nay nhà sản xuất ký hợp đồng với diễn viên theo phân đoạn. Nếu phân đoạn ngắn thì một tập sẽ nhiều phân đoạn, nhà sản xuất phải trả nhiều tiền cho diễn viên. Vì thế hiện nay có tình trạng một phân đoạn trong kịch bản bị kéo dài ra... có khi đến bốn trang giấy, mà toàn là thoại. Có khi hai diễn viên thoại với nhau dài 4-7 phút. Thử hỏi diễn viên làm sao thuộc thoại nổi, còn đạo diễn chúng tôi làm sao làm phim cho hay được?”.

Nhỏ mà không nhỏ

Rõ ràng câu chuyện người nhắc thoại tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nó đặt ra nhiều vấn đề đáng lo về sản xuất phim truyền hình hiện nay. Số tiền mỗi tập phim nhà đài chi trả cho nhà sản xuất không cao (trung bình khoảng 180 triệu đồng/tập) lại phải cam kết số lượng quảng cáo đảm bảo trong từng tập phát sóng nên các nhà sản xuất đều phải “chắt bóp” mọi khoản chi phí để tránh bị thua lỗ. Trong đó, khống chế về thời gian sản xuất là biện pháp đặt lên hàng đầu.

Câu chuyện người nhắc thoại cũng đủ cho thấy điều đáng buồn về công nghệ sản xuất phim truyền hình hiện nay. Kể từ thời HTV khai phá giờ vàng phim Việt (năm 2005) đến nay đã được bảy năm, công nghệ làm phim đã có khoảng thời gian le lói tia hi vọng về sự phát triển, nay dường như lại quay về thời...”cổ”: chỉ quay phần hình còn tiếng động, thoại... chờ về làm hậu kỳ. Chỉ một số ít hãng phim còn đeo bám công nghệ thu tiếng trực tiếp như Lasta, Trí Việt...

Trong tổng số 18 phim mới hiện đang phát sóng trên các kênh VTV1, VTV3, HTV9, HTV7, Vĩnh Long1, TodayTV, SCTV14 chỉ có ba phim Cuối đường băng, Chuyện tình làng hoa, Cầu vồng tình yêu là thu tiếng trực tiếp.

Đạo diễn Phương Điền, người từng thực hiện khá nhiều phim thu tiếng trực tiếp, bày tỏ: “Bây giờ rất ít hãng phim nào dám thu tiếng trực tiếp nữa bởi chi phí cao, đòi hỏi một quy trình làm việc rất chuyên nghiệp và đồng bộ từ diễn viên, âm thanh, ánh sáng... Cách làm như hiện nay rất khó thực hiện được điều này”.

Đạo diễn Vương Quang Hùng sau khi thực hiện thu tiếng trực tiếp bộ phim Những nàng công chúa nổi tiếng cũng thừa nhận phim bị lẫn khá nhiều âm thanh “dơ”: “Nguyên nhân là do phương tiện kỹ thuật của mình chưa đạt chất lượng và thiếu một phim trường đúng nghĩa. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, dù có quay lại với phim lồng tiếng thì vẫn phải tránh tình trạng nhắc thoại và nên để chính diễn viên đó lồng tiếng cho mình. Khi diễn viên dồn tâm trí vào lắng nghe thoại thì chắc chắn cái “hồn” diễn xuất sẽ mất. Khẩu hình đôi khi sẽ không được chính xác”.

Đạo diễn kiêm bầu sô

Nhiều người nói trong sự nở rộ phim truyền hình hiện nay chỉ có đạo diễn là “lên tay nghề”: từ quá trình quay năm ngày/tập xuống còn hai ngày/tập. Đạo diễn nào quay ba ngày/tập là nhà sản xuất đã “rên xiết” và coi chừng lần sau sẽ bị... “tẩy chay”. Xu hướng đạo diễn kiêm bầu sô nhận khoán sản xuất phim từ A-Z đang trở thành “mốt”.

Đạo diễn Xuân Phước, người được xem là một trong những đạo diễn đạt kỷ lục làm nhiều phim nhất, cho biết một năm anh thực hiện 4-5 phim, tùy số tập từng phim. Gần đây, trong thời gian quay bộ phim Thần tượng lắm chiêu, đoàn phim của Xuân Phước cũng thực hiện song song bộ phim thiếu nhi Những đứa trẻ tinh nghịch. 
 

(còn tiếp)

Theo Tuổi Trẻ

>> Những nghệ sĩ không "sao": “Ngọn đèn” không tắt
>> Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" tái xuất tại VN
>> Cuộc chiến chống tham nhũng trong "Đàn trời
>> Siêu mẫu, diễn viên Bình Minh: Quyết không để tuột phong độ
>> Phát sóng phim "Anh hùng Nguyễn Trung Trực
>> Thùy Trang chào thua với cảnh “nóng”
>> “Cánh diều” giống với “Bông sen”?

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.