Giảm 30% giá du lịch: Thách đố doanh nghiệp?

13/05/2012 10:45 GMT+7

(TNO) Nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết việc kéo giá tour giảm 30% so với hiện tại theo thỏa thuận của Hiệp hội Du lịch TP.HCM (HTA) và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) để nhận được ưu đãi về giá vé máy bay là quá khó.

Ăn hết vào lợi nhuận

Ông Tôn Thất Hòa - Tổng Thư ký HTA - cho biết hiện các doanh nghiệp tham gia chương trình đang làm việc, đàm phán với đối tác ở địa phương để giảm giá dịch vụ.

Sau khi thống nhất giá tour mới, doanh nghiệp sẽ phối hợp với hiệp hội để chào bán và thông tin đến khách hàng.


Giá vé máy bay đang chiếm phần lớn giá tour - Ảnh: Trung Hiếu

Thông tin ban đầu, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất đã hợp tác với doanh nghiệp lữ hành để giảm giá tour. Điển hình, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn ở Huế, Hải Phòng, Hạ Long… cho biết trong thời gian tới sẽ giảm giá đặt phòng cho các tour khách đoàn.

Tuy khá lạc quan về giá dịch vụ du lịch trong thời gian tới sẽ được kéo xuống nhưng bản thân ông Hòa tỏ ra băn khoăn về mức giảm 30% giá mà VNA yêu cầu các doanh nghiệp du lịch để mua được vé máy bay giá rẻ.

Theo đó, mức giảm giá 30% như VNA đưa ra vượt quá sức của doanh nghiệp.

Ông Trần Thế Dũng - Phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) - thì cho rằng, du lịch nội địa được ví như đi lượm bạc cắc. Một công ty có thương hiệu nổi tiếng lãi 15 - 20% trên mỗi tour, còn tổ chức khách đoàn chỉ lãi 10 - 12%, do đó việc VNA yêu cầu doanh nghiệp phải giảm giá 30% là thiếu cơ sở.

Chưa kể việc bắt doanh nghiệp giảm giá 30% sẽ tạo ra tình trạng đối phó. Theo đó, sẽ có doanh nghiệp để gây ấn tượng với VNA sẽ tiến hành nâng giá tour cao lên để sau đó mới giảm.

Bản thân công ty Thế Hệ Trẻ khi làm biểu giá gửi lên VNA đề xuất giảm 8% giá so với trước. Tuy nhiên phía VNA đề nghị công ty phải giảm thêm 10% nữa mới cung cấp vé giá rẻ nhưng công ty không đồng ý.

“Mỗi tour công ty chỉ lãi chừng 15%, nếu giảm 18% thì chẳng khác nào công ty bị lỗ. Nếu cần chúng tôi sẽ giảm tối đa 13% chứ không thể giảm hơn”, ông Dũng cho biết.

Một hướng dẫn viên lâu năm cho rằng, với các tour thông thường, mức lợi nhuận mà công ty đạt được là 15 - 30%. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhiều công ty buộc phải cắt giảm lợi nhuận để cạnh tranh lẫn nhau. Chưa kể một số công ty chỉ tập trung vào số nhiều, lấy công làm lãi. Nên yêu cầu giảm 30% quả là thách thức đối với công ty du lịch.

Không giảm mà còn tăng

Để kiểm soát, VNA yêu cầu doanh nghiệp du lịch gửi biểu giá mới, trong đó phân tích rõ những dịch vụ sẽ được giảm giá so với trước để từ đó có những bước giám sát.

Cũng có nhiều ý kiến lo ngại nếu bắt doanh nghiệp giảm giá quá nhiều sợ chất lượng tour sẽ giảm khi doanh nghiệp tìm mọi cách cắt giảm để nhận được ưu đãi.


Giảm giá tour để kích cầu thị trường du lịch - Ảnh: Trung Hiếu

Ngoài chi phí dành cho vận chuyển có chiều hướng tăng, một trở ngại cho chương trình giảm giá tour năm nay là phần lớn các điểm du lịch lớn đều tăng giá vé.

Đơn cử, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã tăng giá vé tham quan lên 50% so với trước. Hay một số điểm tham quan ở TP.Hà Nội hay nội thành Huế đều tăng giá vé. Việc giá vé tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá tour.

Trước tình hình này, HTA đã liên lạc với địa phương thì nhận được câu trả lời rất khó giảm. Một số địa phương giải thích việc bán vé ở các khu du lịch đã được thông qua Hội đồng Nhân dân, Sở tài chính từ đầu năm nên bây giờ không thể thay đổi được.

“Như giá vé ở đại nội Huế, khi chúng tôi liên lạc, họ chỉ hứa giảm trên số lượng khách, nghĩa là mua vé 10 người thì giảm giá cho 1 người, chứ không giảm giá vé cho toàn bộ đoàn. Đây cũng là cách giải quyết linh động nhưng chưa thể giúp doanh nghiệp giảm giá tour nhiều lắm”, ông Tôn Thất Hòa nói.

Theo ông Hòa, lo lắng nhất của doanh nghiệp du lịch là phải làm sao kiểm soát được giá xăng dầu để giá vận chuyển không đội lên cao quá. Bởi giá xăng dầu không chỉ tác động tới giá vận chuyển mà ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế từ đó tác động tới nhiều dịch vụ liên quan đến du lịch.

Ông Trần Thế Dũng hy vọng nếu có sự tham gia của doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, vận tải… thì giá tour còn giảm nhiều hơn nữa. Ngoài ra, những người tổ chức hy vọng chương trình này không chỉ có hiệu ứng với các tour vận chuyển bằng máy bay mà sẽ còn tác động tới các tour vận chuyển đường bộ.

Từ tháng 4.2012 đến tháng 12.2012, HTA cùng với VNA thực hiện chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu du lịch nội địa năm 2012, trong đó việc VNA giảm giá vé trung bình 40% cho khách đoàn từ TP.HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt… Điều kiện đặt ra để nhận được vé giá rẻ là các công ty lữ hành phải giảm giá tour (chủ yếu dịch vụ mặt đất như vận tải, khách sạn, nhà hàng…) tối thiểu 30% so với trước.

Trung Hiếu

>> Đà Nẵng đẩy mạnh kích cầu du lịch
>> Cuộc đua quyết liệt trên đường bay nội địa
>> Sốt du lịch mùa nghỉ lễ
>> Lung tung slogan du lịch!
>> Ngày hội du lịch TPHCM: Kích cầu du lịch dịp hè
>> Cơ hội "vàng" cho du khách
>> Mời VIP kích cầu du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.