Song cũng cần nhìn nhận mấu chốt của vấn đề xuất phát từ chính sách hạn chế xuất khẩu, tăng tồn trữ của Thái Lan. Cũng có thể nói Thái Lan đã chủ động nhường lại vị trí đó cho Việt Nam. Như vậy liệu chúng ta có nên vui mừng về điều này?
Câu trả lời nhận được đầu tiên là có. Với diện tích và mùa vụ ngày càng được tối đa hóa làm cho năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước của chúng ta hiện nay thì đây là cơ hội để tiêu thụ lúa cho nông dân. Mặt khác, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì việc tăng cường xuất khẩu để đem ngoại tệ về cho đất nước cũng là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Với những lý do trên, chắc rằng các quan chức ngành nông nghiệp sẽ rất tự hào nếu sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đứng ở ngôi đầu.
Song, nếu chỉ nghĩ như vậy thì có vẻ không ổn. Nhiều người đang rất băn khoăn về chính sách hạn chế xuất khẩu, tăng tồn trữ của Thái Lan. Chất lượng tốt, sản lượng lớn là những lợi thế so sánh của ngành lúa gạo Thái nên chắc chắn họ không phải quá quan tâm về vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Nếu nhìn nhận vấn đề ở góc độ đó thì rõ ràng Thái Lan đang chuẩn bị cho một chiến lược nào đó cho hạt gạo của mình. Chiến lược đó nhiều khả năng có thể là cách để làm tăng giá gạo, qua đó tăng thu nhập cho người nông dân. Có thể thấy, Thái Lan có một chiến lược và sự đầu tư rất bài bản cho cây lúa và nông dân trồng lúa. Hiện tại, lượng lúa tồn trữ của chính phủ Thái lên đến 11,7 triệu tấn, tương đương hơn 8 triệu tấn gạo – mức cao kỷ lục. Cùng lúc đó, tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra nhận định lượng gạo tồn trữ năm nay cũng sẽ tăng đáng kể ở những quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ và Pakistan.
Cũng với những lý lẽ trên, nhiều người thực sự quan ngại về việc Việt Nam đang tối đa hóa sản lượng gạo trên một diện tích cố định bằng cách tăng vòng quay của đất. Các nhà môi trường đang lo lắng cho sự nghèo nàn, lão hóa của đất nếu cứ tiếp tục khai thác một cách quá mức như hiện nay. “Với điều kiện tự nhiên và trình độ sản xuất lúa như hiện nay, Việt Nam không phải lo ngại về vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Nhưng để việc sản xuất và xuất khẩu lúa gạo một cách bền vững thì cần một chiến lược dài hơi”, một chuyên gia chia sẻ.
Bảo Nguyên
>> Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao 5.000 tấn gạo cho Cuba
>> Vị thế mới vùng vựa lúa
>> Bất thường giá dừa
>> Vị đắng của nền nông nghiệp phụ thuộc
Bình luận (0)