Dịch giả trẻ Nguyễn Duy Bình: Nếu tự tin thì không nản chí

11/05/2012 09:22 GMT+7

Trong chuỗi hoạt động của Ngày văn học châu u, một hội thảo mang tên "Giới thiệu văn học nước ngoài ở VN" cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều dịch giả lão thành, tên tuổi như Dương Tường, Lê Quang, Phạm Anh Tuấn... và cả những dịch giả trẻ đã có những tác phẩm dịch chất lượng.

Trong chuỗi hoạt động của Ngày văn học châu u, một hội thảo mang tên "Giới thiệu văn học nước ngoài ở VN" cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều dịch giả lão thành, tên tuổi như Dương Tường, Lê Quang, Phạm Anh Tuấn... và cả những dịch giả trẻ đã có những tác phẩm dịch chất lượng.

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với tiến sĩ văn học Pháp Nguyễn Duy Bình, người đã dịch khá nhiều tác phẩm văn chương từ tiếng Pháp được bạn đọc yêu mến thời gian gần đây.

Dịch giả trẻ Nguyễn Duy Bình: Nếu tự tin thì không nản chí 
TS Nguyễn Duy Bình

* Anh chọn sách dịch do yêu thích hay do yêu cầu của đối tác xuất bản?

- Những cuốn sách tôi đã dịch, Những linh hồn xám của Philippe Claudel, Lời hứa lúc bình minh của Romain Gary và Vườn tình của Marcus Malte, là những cuốn mà tôi đã trao đổi cùng các đối tác xuất bản trước khi dịch. Không phải cuốn nào tôi cũng nhận dịch vì nếu không hợp "gu", hợp văn phong thì không thể chuyển ngữ thành công. Ví dụ Nhã Nam đã mời tôi dịch cuốn L’Esprit de la renarde (Hồ ly tinh) của Trần Nhựt nhưng vì văn phong của tác giả này không hợp với văn phong của tôi nên tôi đã từ chối. Còn tiểu thuyết Nam và Sylvie của nhà văn Pháp ngữ Phạm Duy Khiêm (sắp xuất bản) là do em trai của tác giả là nhạc sĩ Phạm Duy khích lệ tôi dịch.

* Anh có thường cảm thấy sức ép của xu hướng "văn học thị trường" trong so sánh với thể loại sách mà anh chọn dịch hay không (ví dụ Mac Lévy có lượng ấn bản gấp hàng chục lần so với Romain Gary "của anh")?

- Tôi cũng muốn tác phẩm của mình đến với nhiều độc giả chứ, đó là quy luật tự nhiên, nhưng... Thực tình mà nói, những tiểu thuyết của Marc Lévy không phải là những thử thách quá lớn đối với dịch giả, đơn giản vì chúng dễ hiểu. Tôi thích dịch những tác phẩm có tính văn học cao (văn phong, bố cục, cách kể chuyện). Marc Lévy tìm được nhiều bạn đọc ở Việt Nam nhưng nhà văn này không là gì so với Romain Gary, xét về tầm cỡ văn chương. Vấn đề là ở chỗ những tác phẩm nào có hàm lượng văn học cao thì khó tiếp nhận ở nước ta, đặc biệt với giới trẻ. Romain Gary của tôi thuộc những tác phẩm đó.

* Còn sự khác biệt văn hóa và ngôn ngữ có khi nào khiến anh cảm thấy "bất lực" vì không thể tìm được những khái niệm, hình ảnh, từ ngữ tương ứng trong tiếng Việt để chuyển ngữ hay không?

- Ngôn ngữ chuyển tải văn hóa, mà văn hóa Pháp và văn hóa Việt có quá nhiều sự khác biệt nên giữa hai ngôn ngữ có rất nhiều sự bất đồng. Dịch giả tầm cỡ là người biết giải quyết một cách khéo léo những bất đồng đó, cho dù chỉ có thể giải quyết một cách tương đối. Không có dịch giả nào tránh được lỗi dịch bởi văn bản văn học là cánh rừng chữ nghĩa trong đó có nhiều cạm bẫy, bởi không có dịch giả nào có khả năng song ngữ, song-văn-hóa tuyệt đối. Vì vậy mà Umberto Eco mới nói "Dire presque la même chose": dịch là diễn đạt lại gần như thế.

* Những chuyện lùm xùm - cả cần thiết và không đáng có - quanh chuyện dịch thuật thời gian qua có làm một dịch giả yêu nghề và được đào tạo bài bản như anh lo lắng nản chí?

- Thời kỳ nào dịch văn học phát triển thì thời đó thường nảy sinh những cuộc tranh luận về dịch thuật. Trong những năm 1970, ở miền Nam đã có nhiều bài báo phát hoảng về số lượng và chất lượng các bản dịch. Nguyễn Văn Trung hay Bùi Giáng cũng đã bị công khai chỉ trích về độ chính xác của các bản dịch. Cuộc tranh luận dịch thuật hiện nay có ý nghĩa tích cực hơn là tiêu cực. Nhờ đó mà những dịch giả trẻ như tôi cần cẩn thận hơn trong việc chọn lựa tác phẩm để dịch và trong quá trình dịch. Nếu tự tin thì không có dịch giả nào nản chí cả.

Vào hội văn học châu u

Những ngày văn học châu u diễn ra trong hai ngày 11 và 12-5 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hà Nội) do Hiệp hội các viện văn hóa và các đại sứ quán châu u cùng phối hợp với Thư viện quốc gia tổ chức.

Dịch giả trẻ Nguyễn Duy Bình: Nếu tự tin thì không nản chí 1
 Bộ Lão Kẹo Gôm do Nhã Nam ấn hành đến nay được sáu quyển, quyển 7 sẽ ra mắt chính thức tại Những ngày văn học châu u này - Ảnh: L.Điền

Chương trình năm nay là bước tiếp nối của năm 2011, nhằm giới thiệu văn học châu u thông qua các sách vừa được dịch của Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Ðức, vương quốc Anh, Ðan Mạch, Ba Lan. Sách được giới thiệu là những sách được xuất bản bằng tiếng Việt, bao gồm các sách kinh điển cũng như đương đại, truyện kể, sách thiếu nhi, truyện tranh và cả sách triết học thường thức.

Nhà văn Anh Andy Stanton tham gia chương trình năm nay theo lời mời của Hội đồng Anh, sẽ giới thiệu ra mắt tập sách mới nhất (tập 7: Lão Kẹo Gôm và cây anh đào) trong bộ truyện Lão Kẹo Gôm của ông. Loạt truyện của Andy Stanton, minh họa bởi David Tazzyman, kể từ khi xuất bản tập đầu tiên năm 2006 đã được trao giải thưởng Văn học hài hước dành cho thiếu nhi Roald Dahl và nhiều giải thưởng Blue Peter (giải thưởng văn học thiếu nhi được khởi xướng và trao hằng năm bởi chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi lâu đời nhất thế giới của BBC Blue Peter).

 Tại Việt Nam, Lão Kẹo Gôm được Nguyễn Liên Hương dịch, Công ty Nhã Nam ấn hành từ năm 2010. Từ tháng 3-2012, Hội đồng Anh đã phối hợp với Nhà xuất bản Nhã Nam tổ chức cuộc thi viết và vẽ về lão Kẹo Gôm dành cho tất cả thiếu nhi đang sinh sống và học tập tại Việt Nam trong độ tuổi từ 7-17.

Vào lúc 18g hôm nay, 11-5, đích thân Andy Stanton trao giải cuộc thi này.

Lam Điền

Theo Tuổi Trẻ

>> “Song sinh” dancesport: Ước mơ tạo nên tài năng
>> Bí quyết" giúp phụ nữ tập thể dục mọi lúc mọi nơi
>> Làm đẹp trong mùa nóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.