(TNO) Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã thổi một luồng sức sống mới vào quan hệ đầy sóng gió giữa Mỹ và Philippines, theo một bài báo của phóng viên AP, Jim Gomez ngày 13.5.
Theo AP, các nhà ngoại giao và lãnh đạo quốc phòng của Mỹ và Philippines tuần qua đã tổ chức những buổi hội đàm về vấn đề viện trợ quân sự và tăng cường an ninh trên biển. Động thái này xảy ra sau khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough trên biển Đông leo thang.
Và Mỹ, theo AP, đang đi trên một con đường ngoại giao rất nhạy cảm: một bên là Philippines, bên kia là Trung Quốc. Mỹ cũng chẳng muốn căng thẳng Trung Quốc - Philippines leo thang.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc gặp lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc tại Bắc Kinh ngày 13.5, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cảnh báo rằng châu Á đang trong tình trạng “rất bất ổn” và “khó có thể dự đoán trước được điều gì sẽ xảy ra”, theo AFP.
Tăng cường sự hiện diện tại khu vực
Quan hệ giữa Mỹ và Philippines (từng là thuộc địa của Mỹ) phát triển mạnh trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng lại suy yếu sau khi Philippines đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ vào năm 1992.
Nhưng khi Mỹ gần đây tuyên bố tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á, một khu vực mà từ lâu Mỹ “xao lãng” do quá tập trung vào Afghanistan và Iraq, quan hệ Mỹ - Philippines bắt đầu ấm dần lên.
Về phần mình, Philippines muốn Mỹ và các đồng minh hỗ trợ về mặt quân sự, để ngăn chặn nguy cơ các tàu Trung Quốc thâm nhập vùng biển mà Manila cho là vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
AP dẫn lời ông Ernest Bower, Giám đốc chương trình Đông Nam Á học, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ) nhận định rằng Mỹ muốn “tận dụng” quan hệ với Philippines để tăng cường sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, Mỹ cũng cần phải làm thân với Trung Quốc về mặt chiến lược để phòng ngừa tình huống Trung Quốc đối đầu với Mỹ.
Nhưng Hiệp ước tương trợ quốc phòng Mỹ - Philippines (MDT) - ký ngày 30.8.1951 - có thể đẩy Washington dính vào vụ tranh chấp ở bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, theo ông Bower.
Ông Bower cho hay Hiệp ước MDT Mỹ - Philippines tưởng đâu đã bị lãng quên, nhưng trong hai năm gần đây hiệp ước này đã được nêu trở lại do tình hình tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là giữa Philippines và Trung Quốc.
Cụ thể là Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines thông qua những đợt tập trận quân sự chung, sau một thập niên Mỹ chỉ tập trung hỗ trợ tiêu diệt các phần tử khủng bố al-Qeada ở miền nam Philippines.
Gia tăng viện trợ quân sự cho Philippines
Để đảm bảo cam kết hỗ trợ quốc phòng cho Philippines, hồi đầu năm 2011 Mỹ đã chuyển giao một tàu tuần duyên lớp Hamilton với thâm niên 45 tuổi cho hải quân Philippines (được Philippines đặt tên BRP Gregorio del Pilar), và tàu này từng được điều động đến bãi cạn Scarborough để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc hôm 10.4.2012.
|
Mỹ cũng dự định cung cấp thêm một chiếc tàu tương tự đã 46 tuổi cho Philippines vào tháng 11.2012 cũng như giúp đỡ Hải quân Philippines phát triển hệ thống quan sát bờ biển, bao gồm một mạng lưới 20 trạm radar.
Trong năm 2012, Mỹ viện trợ quân sự cho Philippines 30 triệu USD, gấp đôi số tiền Mỹ đề xuất trước đây, với cam kết “giúp Philippines xây dựng năng lực quân sự để bảo vệ lãnh hải của mình”.
Bên cạnh đó, AP cho hay Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino đã gia tăng ngân sách quốc phòng nhằm cải tổ và hiện đại hóa nền quốc phòng nước này, nhưng vẫn còn thua xa so với các quốc gia trong khu vực.
Viện trợ nửa vời?
Peter Chalk, một chuyên gia phân tích chính trị thuộc Tổ chức nghiên cứu chiến lược quốc phòng Mỹ RAND, cho biết ít ra Mỹ giữ lời hứa và đã hỗ trợ tàu cũ cho Philippines, còn phía Philippines phải có trách nhiệm sửa chữa lại mới dùng được.
Tuy nhiên việc tìm kiếm các bộ phận thay thế để sửa chữa tàu là rất khó khăn.
“Philippines được Mỹ cho tàu mà không phải bỏ tiền ra mua là quá tuyệt, nhưng những con tàu cũ của Mỹ chẳng giúp ích gì cho công cuộc cải tổ và hiện đại hóa nền quốc phòng Philippines”, AP dẫn lời ông Chalk.
Bên cạnh đó, ông Chalk cho hay hệ thống pháo tự động 76 mm OTO Melara trên chiếc Gregorio del Pilar 45 tuổi mà Mỹ “biếu” cho Philippines, vừa chuẩn bị đem ra bắn thử nghiệm thì bị hỏng, và hải quân Philippines phải đem đi sửa.
AP cho hay sẽ có thêm nhiều chi tiết mới về hợp tác quân sự Mỹ - Phillippines trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino sắp tới.
Phúc Duy
>> Thủ tướng Trung Quốc: Châu Á đang “rất bất ổn”
>> Tàu chiến Trung Quốc đến gần Philippines
>> Tin tặc từ Trung Quốc lại tấn công website của Philippines
>> Trung Quốc tịch thu trái cây xuất khẩu của Philippines
>> Trung Quốc bác tin chuẩn bị khai chiến với Philippines
>> Cháy lớn ở Philippines, 10.000 người mất nhà
>> Báo Trung Quốc đe dọa Philippines
>> Thủ tướng Trung Quốc: Châu Á đang “rất bất ổn”
>> Tàu chiến Trung Quốc đến gần Philippines
>> Tin tặc từ Trung Quốc lại tấn công website của Philippines
>> Trung Quốc tịch thu trái cây xuất khẩu của Philippines
>> Trung Quốc bác tin chuẩn bị khai chiến với Philippines
>> Cháy lớn ở Philippines, 10.000 người mất nhà
>> Báo Trung Quốc đe dọa Philippines
Bình luận