Dịch vụ "gián điệp" của Vinaphone khiến nhiều gia đình tan vỡ và gây hoang mang cho tất cả khách hàng của nhà mạng này.
>> Dịch vụ "gián điệp" của Vinaphone
Tan cửa nát nhà
Phản ảnh với Thanh Niên sáng 14.5, anh Đoàn Phước Long, Chánh văn phòng một doanh nghiệp lớn ở Q.Ba Đình (Hà Nội) có số điện thoại 091300…, cho hay vì tin nhắn “gián điệp” mà vợ chồng anh đang ly thân, cả hai đều tổn thương nặng nề khó có cơ hội hàn gắn. Long kể: “Cách đây chừng 5 tháng, gia đình tôi rơi vào không khí căng thẳng vì mọi hoạt động của tôi, đi đâu, làm gì, với ai, cô ấy đều biết và nói bóng nói gió rất khó chịu. Lúc đầu tôi nghĩ là cô ấy thuê thám tử theo dõi nhưng sau một hôm đi tập thể thao, tôi chỉ nhắn một tin và bị vợ tôi biết, lúc đó tôi mới biết là cô ấy theo dõi qua điện thoại”. Anh Long cho biết do đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp khách, đặt phòng ăn phòng nghỉ cho khách của sếp nên anh bị vợ nghi ngờ lập “phòng nhì”. Trên thực tế có rất nhiều sự việc “tình ngay lý gian” khiến anh không thể thanh minh.
|
Anh G.N (nhà ở phố Hoa Bằng, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy) cũng từng đối mặt với lá đơn xin ly hôn khi bị vợ sử dụng dịch vụ sao chép tin nhắn của Vinaphone để theo dõi. Ấm ức từ lâu nhưng anh không biết nguyên do từ đâu mà vợ biết được tất cả các tin nhắn đi và đến điện thoại của mình. Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải vụ "gián điệp", anh mới biết là do nhà mạng tiết lộ thông tin cá nhân.
Tự hại mình
Theo ông Bùi Trường Sơn, Giám đốc Công ty Felix (chuyên về cung cấp các giải pháp thông cho thiết bị di động), các dịch vụ mà nhà mạng đưa ra đều nhằm mục đích tăng doanh thu và phải đánh trúng vào nhu cầu nào đó của thị trường. Chắc chắn là Vinaphone đã phải đầu tư lớn cho hệ thống để chạy dịch vụ này. Cũng cần lưu ý là dịch vụ này chỉ có nhà mạng mới có thể cung cấp khi họ nắm trong tay hệ thống.
Đại diện của Vinaphone cho biết dịch vụ copy SMS nhằm hỗ trợ khách hàng dùng nhiều máy có thể dễ dàng quản lý thuê bao của mình nhưng nếu có ý thức hơn về việc này, họ có thể áp dụng chính sách đăng ký dịch vụ chặt chẽ hơn. Bình thường một khách hàng mất sim phải rất khó khăn mới có thể lấy lại được với các loại giấy tờ đăng ký như hợp đồng cung cấp dịch vụ, chứng minh nhân dân. Rất khó hiểu khi với dịch vụ nhạy cảm như thế lại có những kẽ hở dễ bị lợi dụng đến vậy?
|
Để chống lại việc bị lợi dụng thông tin đã có nhiều người đã sử dụng sim rác cho những liên lạc quan trọng sau đó vứt đi. Như vậy nếu có ai đó cố tình lấy thêm thông tin của họ cũng vô ích. Việc khách hàng không tin tưởng dẫn đến sự không trung thành với nhà cung cấp dịch vụ. Các nhà mạng Việt Nam có thể nghĩ rằng mình đang có ưu thế tuyệt đối và không có sự cạnh tranh. Nhưng thực tế cho thấy ngày càng có nhiều tin nhắn, thoại đang được chuyển qua các dịch vụ khác được tích hợp trên điện thoại di động như Yahoo! Messenger, Facebook, Skype... Hiện Viber và WhatsApp đang là hai điển hình cho trào lưu sử dụng điện thoại nhưng chỉ trả cước dữ liệu (tối đa khoảng 50.000 đồng/tháng). Điều đáng nói là thoại và tin nhắn đều là các dịch vụ cơ bản để mang lại doanh thu cho nhà mạng. Nếu người dùng tăng cường sử dụng các dịch vụ tích hợp trên điện thoại thì câu hỏi đặt ra là doanh thu nhà mạng sẽ đến từ đâu?
Phạm luật Việc Vinaphone cung cấp dịch vụ sao chép tin nhắn như phản ánh trên Báo Thanh Niên là vi phạm pháp luật, làm lộ bí mật thông tin đời tư người khác. Luật pháp hiện hành đều quy định rất rõ những thông tin cá nhân không được phép để lộ cho người khác, vì vậy cần phải làm rõ đúng - sai trong việc cung cấp dịch vụ này, cũng như xem xét trách nhiệm của nhà mạng trên cơ sở mức độ thiệt hại, ảnh hưởng tiêu cực mà khách hàng phải chịu. Về phía các cơ quan quản lý, cần xem xét mức độ vi phạm của Vinaphone để quyết định xử phạt hành chính hay truy cứu hình sự. (Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH Ngô Văn Minh) Phải xử lý nghiêm khắc Không những dịch vụ mà bất cứ hoạt động nghiệp vụ nào để lộ bí mật đời tư đều là vi phạm pháp luật. Từ vụ việc này, cần phải tăng cường quản lý nhà nước hơn. Các doanh nghiệp phải có ý thức trong việc nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật. Đối với người tiêu dùng có lẽ cũng phải biết bảo vệ mình, có thái độ với kiểu cung cấp dịch vụ như thế. Cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa, chấn chỉnh là các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra. (Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng) Bảo Cầm (ghi) |
Dịch vụ lạ Ông Andreas von Maltzahn, chuyên gia của Công ty Delta Partners chuyên tư vấn đầu tư trong lĩnh vực viễn thông ở các thị trường mới nổi, vô cùng sửng sốt khi nghe về dịch vụ chuyển tin nhắn từ một số điện thoại này sang một số điện thoại khác của Vinaphone. “Có thật vậy ư? Tôi chưa từng nghe loại dịch vụ này trên thế giới”, ông von Maltzahn nói với Thanh Niên. Hiện trú tại Singapore và phụ trách nghiên cứu các thị trường viễn thông khu vực châu Á, ông von Maltzahn cho biết: "Các nhà cung cấp dịch vụ cần hết sức thận trọng trong việc bảo đảm sự riêng tư của khách hàng. Thật đáng sợ khi biết mọi trao đổi qua tin nhắn điện thoại di động của mình có thể lọt vào tay người khác dễ dàng như vậy. Các cơ quan quản lý cần phải có quy định để kiểm soát”. Cũng hôm 14.5, Delta Partners phối hợp với trường kinh doanh hàng đầu thế giới INSEAD công bố tại Singapore bản “sách trắng” 20 thị trường viễn thông sôi động nhất thế giới, còn chưa đạt đến trạng thái bão hòa về thuê bao. Việt Nam là một trong số đó với tổng doanh thu hằng năm khoảng 5 tỉ USD và dự báo còn gia tăng. Thục Minh |
>> Nhắn tin khi đang đi bộ sẽ bị phạt
>> Dịch vụ “gián điệp” của Vinaphone
N.Phong- T.Sơn - H.Anh
Bình luận (0)