Người dân đổ xô vào rừng mót huê cành, ngọn, rễ và cả... mùn cưa với hy vọng đổi đời; giang hồ tứ chiếng tụ tập mang theo “hàng nóng”, có nhóm bảo kê cho đầu nậu, có nhóm lại đi... trấn lột; một số người khác hám lời gom tiền bạc, vay ngân hàng để hùn vốn mua huê với hy vọng sẽ giàu lên... Quảng Bình quê nghèo bỗng dưng... “nổi tiếng”.
Khi thông tin xuất hiện trên báo chí, cả chủ rừng lẫn chính quyền vẫn “ngơ ngác nai vàng” mà rằng, “mới nghe thông tin, đang xác minh”. Khi người tứ xứ ùn ùn kéo về thì ông Nguyễn Văn Huyên, Phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cũng biểu thị: Vườn đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và cũng đã lên phương án ứng phó nếu tin đồn là có thật. Vườn cũng đã nhận được sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Lãnh đạo các xã trong vùng cũng quyết tâm không kém khi cho hay đang tìm cách ngăn chặn người dân vào rừng, tránh gây áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng. Và “nếu tin đồn là có thật thì quyết tâm không để một que gỗ lọt ra ngoài”.
Nhưng rồi, các cuộc hỗn chiến xảy ra, xe cộ bị đập nát, giang hồ mắc võng canh chừng các cửa rừng, cơ quan chức năng đã thu được mã tấu, đạn dược... Rồi đến khi bắt được lô gỗ huê đầu tiên có giá 13 tỉ đồng, lô gỗ thứ hai cũng có giá chừng 10 tỉ đồng, giang hồ xông vào nhà dân cướp gỗ; 2 hạt phó kiểm lâm bị làm kiểm điểm vì nghi liên quan đến việc cho lâm tặc qua đường, tức là “có những que gỗ đã lọt ra ngoài” thì tỉnh mới họp để lại “quyết tâm”. Theo ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, là “cần phải có kế hoạch truy quét ngay, đưa gỗ trong rừng ra; nếu còn gỗ thì không một ngày nào yên, sự việc sẽ dai dẳng”. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cũng nói: “Phải tập trung cả hệ thống chính trị để ổn định tình hình trật tự trị an tại khu vực đó, việc này đặt lên hàng đầu. Lực lượng công an vào cuộc nắm tình hình người dân, đầu nậu, người địa phương khác đến, công an là nòng cốt. Tập trung lực lượng kiểm tra, chốt chặn, thành lập các đoàn truy tìm, truy quét gỗ và các đối tượng trong rừng”...
Tức là, sự chỉ đạo luôn luôn đi sau sự việc xảy ra, không phải một bước mà là một quãng!
Điều đó còn thể hiện qua việc UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản giao trách nhiệm khởi tố vụ án cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo ngành công an thì: “Hiện kiểm lâm không đủ sức để làm vụ án này nữa, lực lượng mỏng lắm và không mạnh về nghiệp vụ chuyên môn điều tra; chắc công an phải vào cuộc để khởi tố thôi”, đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình phân tích.
Vậy là lại đi sau thêm một quãng nữa. Cách chỉ đạo này có thể gọi nôm na là chỉ đạo “vuốt đuôi”.
Trong cuộc họp mới nhất, thay vì tập trung giải quyết vấn đề chính thì ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang lại phàn nàn “có những báo đưa thông tin không chính thống”. Thông tin từ đầu nậu, từ giang hồ ở hiện trường tất nhiên là “không chính thống”, nhưng mà đều có, đã và đang xảy ra, đó là thông tin không chính thống nhưng... chính xác!
Hình ảnh ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao quà cho kiểm lâm khi bắt được lô gỗ huê đầu tiên là hình ảnh được cư dân mạng bàn tán xôn xao trong tuần qua. Không phải vì ông ăn mặc trắng lốp mà vì người ta ngạc nhiên khi bắt được hai vụ gỗ huê nhưng không hề bắt được đối tượng mang gỗ, nghĩa là “người đi gỗ ở lại”, nên chi không thể khởi tố được vụ án. Đó là điều khó hiểu mà người ta muốn nói.
Nguyễn Thế Thịnh
>> Mất ăn, mất ngủ vì huê
>> Từ vụ gỗ huê ở Quảng Bình: Cánh rừng gỗ lậu
>> Vây bắt lô gỗ huê lớn đầu tiên
>> Dính đòn trong vụ cướp gỗ huê
>> Thu giữ lô gỗ huê trị giá hơn 13 tỉ đồng
>> Hỗn chiến cướp gỗ huê
>> Vụ 3 cây huê tiền tỉ bị đốn hạ tại Quảng Bình: Tổ chức họp tìm cách giữ an ninh trật tự
Bình luận (0)