(TNO) Một nghiên cứu y tế tại Mỹ phát hiện loại thuốc kháng sinh dùng phổ biến trong điều trị viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tai và các bệnh lây lan qua đường tình dục, có nguy cơ gây tử vong, AFP đưa tin ngày 17.5.
Thuốc azithromycin được bày bán rộng rãi khắp thế giới kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
|
Nhưng một nghiên cứu của tạp chí y tế uy tín New England Journal of Medicine chỉ ra rằng: dùng loại thuốc kháng sinh này trong năm ngày liên tiếp có nguy cơ gây tử vong do suy tim cao gấp 2,5 lần, so với việc không dùng kháng sinh, hoặc sử dụng các loại thuốc khác.
Kết quả cuộc nghiên cứu này dựa trên dữ liệu khảo sát từ các bệnh nhân dùng thuốc azithromycin tại bang Tennessee, từ năm 1992 đến 2006.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Vanderbilt đã so sánh bệnh án của khoảng 348.000 bệnh nhân được điều trị bằng azithromycin, với bệnh án của hàng triệu bệnh nhân khác không dùng bất kỳ loại kháng sinh nào, hoặc chỉ dùng amoxicillin - một loại thuốc cùng tác dụng nhưng được đánh giá là an toàn cho tim.
Kết quả cho thấy, số người chết do sử dụng azithromycin lớn hơn số người chết do amoxicilin là 47 trên một triệu người. Đối với các bệnh nhân có nguy cơ tim mạch cao, con số chênh lệch tăng thêm 245 người.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, những con số này là thông tin quan trọng về tính nguy hiểm của azithromycin mà bác sĩ và người bệnh cần quan tâm trước khi quá muộn.
“Bác sĩ cần phải hiểu rõ tác động tim mạch của azithromycin khi điều trị cho bệnh nhân có vấn đề về tim mạch, nhất là khi tình trạng của họ có thể điều trị bằng loại kháng sinh khác”, AFP dẫn lời ông Wayne Ray, Giáo sư khoa Y học dự phòng tại Đại học Vanderbilt.
Được biết, công ty dược phẩm của Croatia là Pliva đã đăng ký bản quyền bào chế azithromycin vào năm 1981. Sau đó, công ty này ký kết thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới Pfizer để bán rộng rãi trên khắp thế giới.
Hoàng Uy
>> Đài Loan thu hồi thuốc kháng sinh Augmentin
>> Kháng sinh của GlaxoSmithKline bị thu hồi
>> Trẻ uống kháng sinh dễ bị hen
>> Pháp hạn chế chỉ định hoạt chất nimésulide và nitrofurantoine
>> Hàn Quốc cấm trộn kháng sinh vào thức ăn gia súc
>> Chớ vội dùng kháng sinh
>> Hiểm họa lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Bình luận (0)