Siêu bão mặt trời

19/05/2012 03:48 GMT+7

Những ngôi sao như mặt trời của chúng ta có thể phóng ra các siêu vết lóa, làm bùng nổ năng lượng mạnh gấp 10.000 lần so với các vết lóa bình thường.

Giới thiên văn học trước đây từng phát hiện các siêu vết lóa từ nhiều dạng sao khác nhau, phóng ra những cơn bão điện tích khủng khiếp cao gấp 10 đến 10.000 lần năng lượng của vết lóa lớn nhất từng xuất phát từ mặt trời. Kể từ đó, các nhà khoa học muốn biết được những đợt siêu vết lóa này có xuất hiện thường xuyên ở những ngôi sao có khối lượng và nhiệt độ giống mặt trời hay không? Thậm chí những vết lóa bình thường từ mặt trời có thể tống ra các cơn bão mang đầy điện tích hủy hoại vệ tinh, gây nguy hiểm cho các phi hành gia đang làm việc trên Trạm Không gian quốc tế và phá hỏng các mạng lưới điện trên trái đất. Do vậy, một siêu vết lóa có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc sống trên bề mặt địa cầu.

Siêu bão mặt trời 1 
Hình minh họa siêu vết lóa tại các ngôi sao giống mặt trời - Ảnh: ĐH Kyoto

Cho đến gần đây, các chuyên gia chỉ mới xác định được vài đợt siêu vết lóa từ những ngôi sao giống mặt trời. Sự hiếm hoi này cản trở quá trình phân tích của những nhà khoa học. Mới đây, vệ tinh chuyên săn lùng hành tinh Kepler của NASA đã giúp các nhà nghiên cứu tìm ra phương pháp phân tích mới, cho phép họ theo dõi cùng lúc nhiều ngôi sao khác nhau. Nhờ vậy, các chuyên gia quan sát được đến 83.000 ngôi sao giống mặt trời trong hơn 120 ngày, và phát hiện 365 siêu vết lóa từ 148 ngôi sao, với mỗi đợt kéo dài từ 1 đến 12 giờ. Trong số đó, 101 siêu vết lóa xuất hiện ở những ngôi sao quay chậm, tỷ lệ này ít hơn các ngôi sao quay nhanh hơn. Theo suy đoán của các chuyên gia, vết lóa được sinh ra do hoạt động từ trường của chính các ngôi sao, chứ không phải do tương tác giữa từ trường sao với các hành tinh có nhiệt độ cao như sao Mộc. Và sao quay nhanh có hoạt động từ trường cao hơn loại quay chậm, khiến siêu vết lóa xuất hiện thường xuyên.

Theo tính toán, khoảng 800 năm lại xuất hiện siêu vết lóa mạnh gấp 100 lần vết lóa của mặt trời. Còn các siêu vết lóa mạnh gấp 1.000 lần có chu kỳ khoảng 5.000 năm. Tuy nhiên, không có quy tắc nào về vấn đề này. Ví dụ, một ngôi sao có thể liên tục phóng ra 100 siêu vết lóa trong 10 năm, và ngủ yên cho đến 79.990 năm sau, theo trưởng nhóm nghiên cứu Hiroyuki Maehara của Đại học Kyoto (Nhật Bản). Các chuyên gia cũng cho hay chưa tìm thấy dữ liệu về siêu vết lóa ở mặt trời trong 2.000 năm qua, và có khả năng nó chưa bao giờ xuất hiện trong cả 1 tỉ năm. Cần có thêm các nghiên cứu tiếp theo để tìm hiểu về hiện tượng hủy diệt này và liệu mặt trời của chúng ta có thể sản sinh các siêu vết lóa hay không, theo trang Space.com dẫn lời chuyên gia Maehara. Kết quả cuộc nghiên cứu này đã được đăng tải trên chuyên san Nature.

Hạo Nhiên

>> Thiên hà cổ thích hợp với sự sống
>> Ngày 21.5 có nhật thực hình khuyên
>> Siêu mặt trăng tỏa chiếu trái đất
>> Ám ảnh siêu trăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.