Trung Quốc bị hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế

23/05/2012 18:30 GMT+7

(TNO) Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 23.5 đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Trung Quốc xuống còn 8,2% trong năm 2012, bằng mức dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cho quốc gia này hồi tháng 4.

Theo WB, nền kinh tế Trung Quốc hiện nay trông cậy nhiều vào hàng hóa xuất khẩu, mà trong đó, châu u là thị trường nhập khẩu chính. Trong khi đó, khủng hoảng nợ công lan rộng tại châu u khiến cho sức tiêu thụ các loại hàng hóa tại khu vực này giảm sút rõ rệt.

Trong năm 2011, Trung Quốc chiếm giữ vị trí trung tâm của hoạt động sản xuất tại châu Á, và chiếm tới 2/3 trong tổng kim ngạch 592 tỉ USD hàng xuất khẩu sang châu u. Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi Trung Quốc là “nạn nhân” đầu tiên và hứng chịu những sụt giảm rõ ràng nhất về sản lượng xuất khẩu sang thị trường này.

Trong báo cáo của mình, WB ghi rõ: “Liên minh châu u (EU) chiếm tới 1/3 nhu cầu nhập khẩu toàn thế giới. Vì thế, suy thoái kinh tế tại khu vực này chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho khu vực Đông Á”.

Các ngân hàng châu u, hiện cung cấp dịch vụ tài chính cho 1/3 các hoạt động thương mại và dự án tại châu Á, cũng có thể sẽ tạo sức ép đối với các quốc gia đang phát triển trong khu vực này bởi họ đang cần kéo nguồn đầu tư trở lại châu u, nhằm đáp ứng “cơn khát vốn” của chính mình.

Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, WB nhận định tốc độ tăng trưởng chậm của Trung Quốc có khả năng sẽ kéo tụt tốc độ tăng trưởng của toàn khu vực Đông Á trong năm nay xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

Theo đó, tăng trưởng của các quốc gia vùng Đông Á được dự đoán sẽ đạt 7,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức dự báo 7,8% mà WB đã công bố hồi tháng 11 năm ngoái. Đồng thời, tổ chức ngân hàng lớn nhất thế giới cũng bày tỏ quan điểm rằng, những diễn biến từ châu u hiện là nguy cơ lớn nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này.

WB cũng nhắc lại nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hồi đầu tuần này, rằng những rắc rối tài chính tại châu u thậm chí có khả năng sẽ phá vỡ những nỗ lực phục hồi kinh tế vốn đã mong manh tại Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, WB cũng cho rằng các nền kinh tế trong khu vực Đông Á vẫn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn nếu có cơ chế năng động cùng những đổi mới.

WB cho rằng các quốc gia có thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính để tăng lực phát triển, nhưng đồng thời cũng cần chú ý nguy cơ lạm phát tăng cao. Theo quan điểm của WB, các biện pháp tài chính ưu tiên phải hướng đến mục đích tăng sức tiêu thụ của thị trường, giảm lượng tín dụng bơm vào thị trường, giảm sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

Thu Hạnh

>> Ngân hàng Thế giới có tân chủ tịch
>> WB phê duyệt khoản vay 522 triệu USD cho Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.