“Bong bóng” thủy sản

24/05/2012 15:00 GMT+7

Thủy sản, một trong những ngành kinh tế chủ lực của ĐBSCL, đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) đang đứng trước nguy cơ phá sản. Đó là hệ quả của sự phát triển quá nóng của ngành trong thời gian qua khi người người, nhà nhà đua nhau đầu tư nuôi trồng, xây dựng nhà máy chế biến.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết, hiện có rất nhiều nhà máy chế thủy sản chỉ còn hoạt động cầm chừng từ 10 - 30% công suất. Trong tổng số các DN thì có đến 70 – 80% đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Nguyên nhân chính đẩy các DN này đến bờ vực phá sản vì “sống” dựa quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng, nên khi không được “tiếp máu” thì những DN này phải ngừng hoạt động.

Sâu xa của thực trạng này còn là vấn đề từ phía chính bản thân DN. Hơn 5 năm trước, nghề nuôi tôm sú và cá tra bắt đầu phát triển, nhiều người nhìn nhận lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu quá “ngon ăn” nên đua nhau xây nhà máy. Hồi cuối năm 2009, số lượng nhà máy chế biến thủy sản toàn vùng ĐBSCL đạt xấp xỉ con số 200, tổng công suất thiết kế hơn 1,2 triệu tấn/năm. Nếu so với năm 2003, thì số nhà máy tăng gấp 2,3 lần còn công suất thiết kế tăng đến 2,7 lần. Nhiều nhà máy được xây dựng ở cả những địa bàn không có vùng nguyên liệu. Vào thời điểm đó, nhiều người cảnh báo năng lực chế biến của các nhà máy đã vượt xa khả năng cung ứng nguyên liệu của vùng và trên thực tế, nhiều nhà máy đã không thể hoạt động hết công suất vì thiếu nguyên liệu.

Bên cạnh sự “bùng nổ” của các nhà máy, nhiều nông dân cũng ồ ạt chuyển đất vườn, đất lúa sang đào ao nuôi tôm, thả cá. Thậm chí ngành nông nghiệp còn khẳng định và khuyến khích nông dân nuôi tôm sú nước ngọt. Một thời gian ngắn sau đó, thực tế chứng minh nuôi tôm sú nước ngọt là không thể.

Chính sự phát triển quá nóng, không có quy hoạch của ngành thủy sản giống như một cái bong bóng. Nó đã bị thổi lên quá to vượt giới hạn nên dẫn đến sụp đổ cũng là điều dễ hiểu. Trước thực tế này, nhiều người xem như cơ hội để “thanh lọc” bớt những DN yếu kém trong ngành. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng cần xem xét, quy hoạch vùng nuôi một cách hợp lý hơn.

Bảo Nguyên

>> Bất đồng trong quản lý thủy sản xuất khẩu
>> Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản kiến nghị về lệ phí
>> Ao “treo”, nhà máy đói cá
>> Thủy sản gặp khó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.