Phi thuyền tư nhân đầu tiên trực chỉ ISS

24/05/2012 03:10 GMT+7

Tập đoàn SpaceX (Mỹ) vừa chính thức ghi tên vào lịch sử ngành không gian thế giới khi phóng thành công phi thuyền tư nhân đầu tiên trực chỉ đến Trạm không gian quốc tế (ISS).

Tập đoàn SpaceX (Mỹ) vừa chính thức ghi tên vào lịch sử ngành không gian thế giới khi phóng thành công phi thuyền tư nhân đầu tiên trực chỉ đến Trạm không gian quốc tế (ISS).

Trước đây, chỉ các cơ quan không gian trực thuộc Mỹ, Nga làm được điều này. Reuters dẫn thông báo trên tài khoản mạng xã hội Twitter của tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX, cho hay: “Falcon 9 (tên lửa đẩy) đã bay hoàn hảo”. Được phóng đi từ Florida (Mỹ), tên lửa đẩy Falcon 9 đã đưa thành công tàu vũ trụ không người lái Dragon ra khỏi bầu khí quyển vào tối 22.5 (theo giờ VN). Dự kiến, tàu này ngày 24.5 sẽ đến trạm ISS vốn đang ở độ cao 390 km. Sau khi hoàn tất việc kiểm tra hệ thống lái, tàu Dragon sẽ bắt đầu kết nối với trạm ISS vào ngày 25.5.

Có chiều dài 4,4 m và rộng 3,7 m, Dragon mang theo 460 kg hành lý cho trạm không gian gồm 306 kg thực phẩm cùng hàng hóa cung cấp theo yêu cầu của các phi hành gia. Đặc biệt hơn, chuyến bay còn mang theo một phần tro cốt của khoảng 300 nhân vật nổi tiếng, ví dụ như nam diễn viên James Doohan của phim Star Trek.

Sau khi vụ phóng diễn ra thành công, Nhà Trắng lập tức gửi lời chúc mừng đến Tập đoàn SpaceX. Reuters dẫn lời tiến sĩ John Holdren, Cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ, khẳng định sự kiện trên chứng minh vai trò ngày càng quan trọng của các công ty tư nhân đối với ngành vũ trụ nước này. Nhờ đó, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ được giúp sức nhiều hơn. Lâu nay, các chuyến tiếp tế cho ISS đều phải nhờ phi thuyền Soyuz của Nga. Hiện tại, SpaceX đã ký hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD để tiến hành ít nhất 12 lần vận chuyển cho ISS từ nay đến hết năm 2015.

Thụy Miên

>> Mỹ kỷ niệm chuyến bay quanh trái đất đầu tiên
>> Nga đổ lỗi cho tia vũ trụ phá tàu Phobos-Grunt
>> NASA lên kế hoạch đưa máy giặt lên không gian

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.