Báo The Hill đưa tin Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Tổng tham mưu trưởng Martin Dempsey đã có mặt trong phiên điều trần do Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào hôm qua. Trong đó, 3 quan chức này lần lượt trả lời chất vấn về “những yêu cầu cấp bách mang tính chiến lược và an ninh quốc gia” để Mỹ tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Bản thân bà Clinton từng tuyên bố việc thuyết phục quốc hội thông qua việc gia nhập UNCLOS là một trong những ưu tiên của mình.
|
Bộ trưởng Panetta thì nhấn mạnh việc thông qua UNCLOS giúp đảm bảo quyền tự do hàng hải và sẽ giúp hải quân hoạt động thuận lợi hơn trên các vùng biển quốc tế. Các lập luận trên được sự ủng hộ của thượng nghị sĩ John Kerry khi The Hill dẫn lời ông phát biểu: “Chúng ta cần mau chóng có quyết định vì lợi ích của nước Mỹ”. Sắp tới, quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi điều trần về vấn đề này và ông Kerry cho rằng việc tham gia UNCLOS cuối cùng sẽ được thông qua sau 2 lần bị chặn vào các năm 2004 và 2007.
Theo giới quan sát, gia nhập sẽ giúp Mỹ tranh luận về các bất đồng trên biển với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh đang liên tục gây quan ngại với các tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông. “Mỹ liên tục yêu cầu bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Nhưng nếu không tham gia UNCLOS thì chúng ta có tư cách gì mà nói chuyện với Trung Quốc?”, chuyên gia về luật biển Myron Nordquist thuộc ĐH Virginia nhận định với The Hill.
“Gần 100 tàu Trung Quốc” tại Scarborough BBC ngày 23.5 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cáo buộc Trung Quốc liên tục đưa tàu đến bãi cạn Scarborough đang tranh chấp trên biển Đông. Theo đó, vào tối 21.5, Trung Quốc có 2 tàu hải giám, 3 tàu ngư chính, 16 tàu cá và 56 tàu nhỏ đánh bắt và lấy san hô. Đến ngày 22.5, số tàu nhỏ được nâng lên đến 76 chiếc. Trong khi đó, ông Hernandez tuyên bố Philippines chỉ có 2 tàu trong khu vực, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động “leo thang căng thẳng”. Đáp lại, Bắc Kinh khẳng định chỉ để 20 tàu cá tại Scarborough. Tuy nhiên, việc tàu cá hoạt động tại đây thể hiện sự bất nhất, tự mâu thuẫn của Trung Quốc khi chính nước này đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông. Cũng trong ngày 23.5, Philippines chính thức làm thủ tục tiếp nhận tàu Dallas thuộc lớp Hamilton của Mỹ tại bang South Carolina. Dự kiến tàu sẽ về đến Philippines trong quý 3 năm nay sau một thời gian sửa chữa, nâng cấp ở Mỹ. Bên cạnh đó, Manila cho ra mắt tàu tấn công nhanh đa nhiệm (MPAC) mới. Theo tờ Business Mirror, tàu được thiết kế để nhanh chóng triển khai lực lượng, được trang bị súng máy M-60 và có thể chở theo 21 lính. Tốc độ tối đa trên thiết kế của MPAC là 35 hải lý/giờ. |
Thụy Miên
>> Gần 100 tàu Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough
>> Thế trận binh lực của Trung Quốc
>> Biển Đông trên bàn hội nghị ASEAN - Mỹ
>> Tùy viên quân sự Trung Quốc “lên lớp” nhà báo Philippines
Bình luận (0)