Lá, hạt cây trị bệnh cho trẻ

25/05/2012 09:38 GMT+7

Chỉ bứt vài ngọn lá trong vườn nấu nước tắm cho trẻ, hay lấy hạt cây cho trẻ ăn, những chứng bệnh về da liễu, tiêu hóa ở bệnh nhi khỏi nhanh một cách bất ngờ.

Xổ giun, sán bằng hạt cây

Trẻ em dưới 3 tuổi bị nhiễm giun sán lâu ngày có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Thế nhưng để xổ giun sán cho các em nhỏ trong độ tuổi này, việc sử dụng thuốc tây nhiều khi lợi bất cập hại. Tại các vùng quê ở Quảng Nam hiện có rất nhiều cách để trị bệnh này cho trẻ em, trong đó nhiều người vẫn đang áp dụng cách lấy hạt cây cho bệnh nhi ăn.

Dẫn chúng tôi ra vườn thuốc nam, y sĩ Đỗ Thị Trân, trạm y tế xã Tam Xuân 2 (H.Núi Thành) nói: “Cứ đến đầu mùa hè, cây keo giậu trong vườn lại trổ quả rất nhiều, người dân quanh đây thường vào trạm chúng tôi để hái về xổ giun sán cho con nhỏ. Ngày xưa tôi cũng thường được mẹ cho ăn thứ hạt này để trị bệnh giun”. Theo bà Trân, hiện ở nhiều chợ quê H.Núi Thành vẫn có người hái trái keo giậu đem đi bán vì nhiều người vẫn tin dùng cách chữa trị dân gian này.

Cây keo giậu cao tầm 2-3 m, có lá như lá phượng vĩ. Để trị giun sán cho trẻ, người ta thường hái trái keo giậu còn tươi cho trẻ em ăn ngay. Bởi khi hạt keo mới hái xuống có vị hơi ngọt, mát, vì có tinh dầu nên ăn hạt keo giậu thấy vị rất béo. Trẻ con thích thú khi ăn sống loại hạt này. Y sĩ Đỗ Thị Trân cho hay, trong đông y, hạt keo sao vàng tán nhỏ nấu nước uống sẽ có tác dụng hơn và dễ uống hơn. Theo liều dùng cho trẻ em là 10-15 gram, người lớn 30-40 gram.

Một cách xổ giun sán khác mà người Quảng Nam vẫn thường dùng, đó là cho trẻ ăn hạt bí đỏ (bí ngô). Quả bí được bổ ra chế biến thành những món ngon có lợi cho sức khỏe, riêng hạt được phơi khô rồi rang lên để dùng như một vị thuốc, ăn như cắn hạt dưa ngày tết. Tùy theo độ tuổi để có thể chia ra lượng hạt bí ngô phù hợp. Trẻ con 3 - 4 tuổi ăn khoảng một nắm tay hạt bí, 5 - 7 tuổi có thể ăn hai nắm.

Ngoài những cách trên, trong dân gian vẫn còn lưu truyền bài thuốc xổ giun sán liên quan tới hạt cau. Hạt cau được phơi khô sau đó sắc lấy nước uống. Tuy nhiên, cần phải chú ý nấu nước uống theo liều lượng vừa phải nếu không sẽ bị nhiễm độc. Một lý do khác khiến bài thuốc này ít khi được sử dụng cho trẻ là vì nước nấu từ hạt cau thường có vị đắng, rất khó để uống.

Dược sĩ Nguyễn Thị Sáu, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Y học cổ truyền viện (YHCT) Quảng Nam cho biết: “Hạt bí ngô khi được phối hợp nước sắc hạt cau sẽ làm tê liệt khúc giữa và đuôi con sán. Uống vào lúc sáng sớm, trong tình trạng bụng đói, giun sán trong bụng bệnh nhi sẽ được đẩy ra ngoài”.

Khắc tinh của bệnh ghẻ

Nhìn thấy con nhỏ bị bệnh ghẻ lở, chốc đầu, có lẽ bậc cha mẹ nào cũng lo sốt vó. Nhiều người rất ngại dùng thuốc tây để trị bệnh cho con, vì nếu dùng không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng khó lường. Với người xứ Quảng, khi trẻ mắc bệnh này, họ chỉ cần bứt ít lá trong vườn nấu nước cho trẻ tắm là đã có thể trị khỏi bệnh một cách nhanh chóng.

Có rất nhiều loại lá hiện vẫn được nhiều người dùng để trị bệnh này cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thứ lá cây hiệu quả nhất mà chúng tôi được bà Thiều Thị Tài (xã Tư, H.Đông Giang, Quảng Nam) giới thiệu là cây chè cỏ (có nơi gọi là chè đắng hay ba chạc). “Cứ mỗi lần cháu ngoại tôi bị ghẻ hay nổi mẩn dị ứng, tôi lại ra sau vườn hái một nắm lá chè cỏ đem nấu lấy nước tắm cho cháu. Tùy theo ghẻ lở nặng hay nhẹ mà chỉ cần tắm từ 2-3 bữa là bệnh sẽ khỏi".

Hạt cau khô được bán nhiều ở các chợ, người dân có thể mua về để xổ giun sán cho trẻ - Ảnh: Hoàng Sơn
Hạt cau khô được bán nhiều ở các chợ, người dân có thể mua về để xổ giun sán cho trẻ - Ảnh: Hoàng Sơn 

Trên một cuống lá chè cỏ thường có 3 lá nhỏ mọc thành hình tròn, cây mọc phổ biến khắp nơi trên các đồi cây bụi, ở bìa rừng và trong rừng thưa. Ở Quảng Nam, cây chè cỏ mọc nhiều ở miền núi như H.Đông Giang, Tây Giang. Người có con nhỏ bị bệnh ghẻ hay mẩn ngứa thường nghĩ ngay đến loại cây này. Bởi lá chè cỏ có tác dụng dường như là tức thì mà ngay cả các loại thuốc tây hiện đại chưa chắc hiệu quả nhanh như thế.

Dược sĩ Nguyễn Thị Sáu cho hay, loại cây thuộc họ chè đều có chung đặc tính sát khuẩn, làm săn da. Ngày dùng 20-40 gram lá nấu nước để tắm rửa hoặc xông. Trong cách trị ghẻ lở dân gian ngoài việc dùng cây chè cỏ, nhiều người dân còn cho biết, cây ké đầu ngựa mọc hoang trên đồng cũng có tác dụng chữa các bệnh ngoài da. Đặc biệt, loài cây này nếu được kết hợp với loại cây thuốc dễ kiếm như: sài đất, cam thảo đất, bồ công anh… có thể chữa bệnh chốc lở cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Tên loại thảo mộc này trong đông y là Thương nhĩ tử, người Quảng Nam thường quen gọi với cái tên ké đầu ngựa, quả có gai và vị ngọt. Theo tài liệu chúng tôi thu thập được từ Bệnh viện YHCT Quảng Nam thì ké đầu ngựa có tính ôn, dùng lâu ích khí. Ngày uống 6 - 12 gram quả hoặc 10 - 16 gram cành cây, lá dưới dạng thuốc sắc để trừ các bệnh liên quan đến da.

Hoàng Sơn

>> Bài thuốc chữa bệnh rọm
>> Hai chiếc lá diệu kỳ
>> Chích lể có thể gây biến chứng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.