Và những khu vực cất giấu đường bát này thường bọn trẻ như chúng tôi phải nằm lòng mấy chữ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đứa nào láng quáng xuất hiện trong khu vực “cấm” đều bị véo tai, nặng thì nhận vài ba roi cảnh cáo.
Thật vậy, những ai từng sống từ cuối thập niên 70 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ 20 mới thấm sâu và nhớ lâu cảm giác rón rén đưa tay vặt vài ba cái u đường mà người thợ thủ công hiếm lắm mới đổ tràn ra bát, rồi nhanh nhẹn cho ngay vào miệng, mút từ từ vị ngọt thanh. Đứa nào đi học mà sở hữu một cục đường trong túi là y rằng đứa đó như “đại ca”, hô làm chi mấy bạn trong lớp đều theo răm rắp, miễn là sau đó, nó cho cắn một miếng tí ti...Thời đó, ở khắp Quảng Nam, đi đâu cũng bắt gặp những cánh đồng mía bạt ngàn, tươi tốt. Rộn ràng nhất là đến mùa thu hoạch mía, người người dậy từ sớm, í ới gọi nhau ra đồng, người chặt hạ, ngọn mía chặt riêng để làm giống bán hoặc trồng tiếp, còn người gom thân mía bó lại từng đống, chuẩn bị đưa đến lò nấu đường. Trong khi đó, các lò nấu đường thủ công cũng vội mọc lên, nào ép nước, rồi lọc, rồi nấu... khói lò lan khắp một vùng, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Đường bát lúc đó tiêu thụ rất nhanh.
Còn nhớ, lúc đó trong nhà chế biến món ăn gì cũng không thiếu đường bát. Nấu chè cần đường không nói làm gì, ngay cả nấu canh bí đỏ cũng cho đường vào, thêm vài nắm đậu phụng giã nhỏ. Khoai lang, sắn lát nấu chung với gạo nếp, khi vừa chín tới thì dùng đũa dằm nát, trước khi dùng dao gọt đường bát cho vào trộn đều, ăn rất ngon. Mỗi khi có đám cúng hay đi đám giỗ ở đâu, bà con thường nấu xôi với đường bát thành món xôi ngọt, sau đó cho vào các khung ép, rắc thêm ít mè, hoặc đậu phụng thì tuyệt vời.
Má tôi hồi đó còn có nghề làm bánh bột sắn nhân đậu đen để bán cho cả xóm vào mỗi sáng. Loại bánh mặn thì đơn giản, còn loại bánh ngọt thì khá kỳ công. Bột sắn được trộn với nước đường bát đun sôi theo tỷ lệ nhất định, để vừa giữ vị ngọt thanh của đường, vừa giữ được mùi vị của bánh sắn đặc trưng. Mùa hè, đường bát nấu nước, thêm chút gừng tươi rồi cho vào ly xoa xoa, đậu hũ. Mùa đông, mưa gió, lụt lội triền miên, thực phẩm thiếu thốn, bí quá thì nấu cơm, mà thực ra là cơm độn khoai, sắn là chính, xong, đường bát chặt ra phát cho mỗi đứa một cục nho nhỏ, ăn với cơm nóng cũng là món khó quên trong đời.
Bình luận (0)