Hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước - Kỳ 2: Theo tiếng gọi non sông

27/05/2012 03:00 GMT+7

Tháng 7.1945, cả gia đình tôi có mặt tại Sài Gòn. Những ai đã sống qua thời ấy đều biết, theo tiếng gọi của non sông, mọi người dân Việt Nam đều muốn có mặt.

>> Kỳ 1: Thời niên thiếu ở Phnom Penh
>> Chị Hai Bình - gia đình, bạn bè và đất nước

Ba tôi tham gia ngay Chi đội I miền Đông vì sẵn có bạn bè ở đó. Còn tôi, các chú gọi làm việc gì thì làm việc nấy. Một hôm có người nhắn tôi đến Nhà hát Lớn Sài Gòn để gặp đồng chí Hà. Tôi tưởng sẽ gặp một nhà cách mạng đạo mạo, hóa ra là một người còn rất trẻ, nhiều lắm cũng chỉ khoảng 30 tuổi. Sau này được biết đồng chí là kỹ sư canh nông, tham gia phong trào Việt Minh từ sớm.

Công việc đầu tiên đồng chí Hà giao cho tôi là tham gia đón tiếp đại diện của lực lượng đồng minh Anh - Ấn đến Sài Gòn gọi là để giải giáp quân Nhật, vì đồng chí nghe nói tôi biết tiếng Anh. Đại diện của lực lượng đồng minh tôi tiếp xúc chủ yếu là người Anh, còn quân Ấn và cả một số lính lê dương chỉ làm nhiệm vụ canh gác.

Lần đầu tiên phải nói tiếng Anh với người Anh tôi hết sức lúng túng, nhưng ngại nhất là họ chỉ hỏi tôi về các nơi giải trí, nhảy đầm, những việc tôi hoàn toàn không biết, nên làm mấy ngày tôi xin thôi. Đồng chí Hà lại giao cho tôi một việc khác - sau này tôi hiểu đó là công tác tình báo - theo dõi một số nhân vật, xem họ làm gì, đi đâu. Đối với công việc này tôi cũng không quen nên chẳng theo dõi và điều tra được ai...

Tháng 7, tháng 8.1945, Sài Gòn sống những ngày sôi nổi. Ngày đêm người xe đi lại rầm rập. Những toán thanh niên tiền phong tập đi một, hai, hát vang bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước. Đúng là không khí của “tiền khởi nghĩa”. Tấp nập nhưng hết sức trật tự, mọi người dường như nghe, cảm được hơi thở nóng hổi của một sự kiện trọng đại sắp nổ ra.

Sáng sớm ngày 25.8, hầu như tất cả nhân dân đều đổ ra đường. Tôi cùng hai em trai lớn cũng kéo về hướng quảng trường Nhà thờ Đức Bà, nơi chúng tôi được biết sẽ diễn ra sự kiện vô cùng quan trọng: đại diện của chính quyền cách mạng, Ủy ban Hành chính lâm thời Sài Gòn ra mắt đồng bào.

Dân quân cứu quốc trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 9.1945 - Ảnh:T.L
Dân quân cứu quốc trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến 9.1945 - Ảnh:T.L 

Nhưng, cuộc tập hợp vừa xong thì từ dãy nhà của cha cố người Pháp có tiếng súng bắn vào đám đông. Cuộc tập hợp quần chúng trong hòa bình biến thành một cuộc nổi dậy của quần chúng. Không khí căng thẳng tràn ngập thành phố. Rõ ràng thực dân Pháp không cam chịu rút lui, chúng đang dùng mọi cách, kể cả chiến tranh, để chiếm lại Việt Nam. Đúng là quân Anh - Ấn của đồng minh đã giúp quân Pháp trở lại. Các cửa ngõ vào thành phố do quân Anh - Ấn canh gác không phải để giải giáp quân Nhật mà để ngăn chặn cuộc chiến đấu của chúng ta. Lập tức các lực lượng Việt Minh bắt đầu triển khai phương án tác chiến.

Tôi được giao nhiệm vụ chuyển mấy cây súng ngắn ở nội thành ra ngoại thành. Chúng tôi đều hăng hái thực hiện mọi nhiệm vụ, bất chấp hiểm nguy. Lúc này mọi người, đặc biệt là thanh niên, chỉ nghĩ đến hai chữ Độc lập và Tự do của đất nước. Hai tiếng Độc lập và Tự do sao mà thiêng liêng!

Ngày 23.9, quân Pháp công khai gây hấn với Việt Minh. Súng đã nổ khắp nơi trong thành phố. 

Ba tôi đi liên lạc với anh em ở Chi đội B, chỉ còn tôi và mấy em nhỏ ở nhà thờ cụ Phan bên Đa Kao. Nghe tiếng nổ xung quanh, tôi và hai em trai lớn bàn nhau lấy cây súng ngắn của ba tôi còn cất ở nhà, bảo nhau nếu quân địch xông vào nhà thờ thì chị em phải bắn, nhất định không để chúng bắt. May mà chúng chỉ đi qua, chúng tôi không phải dùng súng. Thật ra chị em chúng tôi cũng chưa bao giờ cầm cây súng, càng không biết bắn. Kể cả sau này đi kháng chiến, tôi cũng chưa học được cách bắn súng!

Mấy ngày sau, nhân dân thành phố lần lượt tản cư ra ngoại thành, tỏa về các tỉnh. Chúng tôi cũng tản cư về Lái Thiêu, nơi ông anh họ tôi có trang trại. Các em nhỏ tôi phải ở lại đấy, còn ba và ba chị em lớn chúng tôi bắt đầu tham gia kháng chiến, mỗi người một việc. Em thứ tư của tôi, là con trai, còn nhỏ nhưng rất gan dạ, được ba cử sang Campuchia chuyển một số thuốc nổ về cho công binh xưởng vừa hình thành để làm lựu đạn và mìn. Còn tôi và cậu em kế về Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chuyển thực phẩm cho lực lượng vũ trang của ta ở miền Đông chuẩn bị chiến đấu. Các anh em họ tôi ở Sài Gòn, anh Hồng, anh Cống, anh Nông... cũng đều tham gia các tổ chức kháng chiến.

Ba tôi rất hiền nhưng đôi khi cũng nổi nóng, những lúc đó chúng tôi đều rất sợ. Sau khi mẹ tôi mất, ba tôi quan tâm nhiều hơn đến sinh hoạt của tôi, khuyến khích tôi học, chăm lo cho các em, chơi thể thao, nhưng không cho phép tôi đi hoạt động buổi tối. Vậy mà khi tổ chức cử tôi từ Sài Gòn đi về Hồng Ngự để làm công tác tiếp tế cho bộ đội (em thứ ba của tôi đã đi trước), ba tôi dẫn tôi đến bến cảng Sài Gòn. Ở bến, tàu, ca nô tấp nập, đầy ắp người. Ba tôi đi tìm hiểu tình hình một lúc rồi bàn với tôi phải đi từng chặng một, xuống Mỹ Tho rồi tìm ca nô về Hồng Ngự sau. Cho tôi đi một mình, cả hành trình như vậy, chắc ba tôi lo lắm, nhưng lúc này, việc nước là trên hết. Tôi cũng rất lo, từ trước đến giờ đã có khi nào phải xông pha thế này đâu! Nhưng thấy ba băn khoăn, tôi nói cho ông yên tâm: “Không sao đâu ba, con đi được mà!”

Tôi xuống tàu, trong tàu đã có độ 30 người ngồi sẵn. Hình như họ là dân lục tỉnh lên Sài Gòn giờ trở về quê. Không một ai quen, tôi ngồi co ro một chỗ, suốt đêm không dám ngủ. Sáng hôm sau đến Mỹ Tho, mọi người lên bờ. Tôi chưa hề đến Mỹ Tho nên chưa biết sẽ hỏi ai tàu về Hồng Ngự. Tôi đi rảo rảo ở đường, hỏi thăm cơ quan Việt Minh đóng ở đâu? Rất may gặp lại đồng chí Hà, và sau đó gặp một người bạn cũ thời ở Campuchia. Thế là tiếp tục chuyến đi về Hồng Ngự. Đến nơi mới biết anh họ tôi về đó làm ăn một thời gian, đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến quận Hồng Ngự. Tôi rất mừng đã đi đến nơi đến chốn an toàn, nhưng khi bàn tới nhiệm vụ được giao là chở ruốc thịt bò về tiếp tế cho miền Đông thì lại rất gay: ngay sau khi tôi rời Mỹ Tho, Pháp đã chiếm thị xã này, rồi chiếm tiếp Sa Đéc, Châu Đốc. Đường về Sài Gòn đã bị nghẽn. Tôi phải ở lại Hồng Ngự một thời gian, làm thư ký cho Ủy ban Kháng chiến địa phương nhờ đó được tham dự cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập tại Hồng Ngự. Đúng ngày 6.1.1946, mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng, chu đáo, nhân dân nô nức kéo ra trụ sở ủy ban để bắt đầu sự kiện lớn, thì nghe có tiếng máy bay từ xa đến. Có người chạy ra nhìn, hô to: Máy bay ta! Máy bay ta! Nhưng liền đó một loạt bom rơi xuống. Hóa ra là máy bay Pháp đi phá bầu cử. Hơn mười người chết và bị thương. Nhưng buổi chiều cuộc tổng tuyển cử vẫn được tiến hành.  

Nguyễn Thị Bình

>> Khánh thành khu di tích lịch sử Đoàn 125
>> Phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động
>> Tự hào thanh niên Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.