Cơ hội cuối ngắm sao Kim đi ngang mặt trời

29/05/2012 03:52 GMT+7

Giới thiên văn học trên toàn cầu đang ngóng đợi một trong những sự kiện hiếm hoi nhất trong hệ mặt trời: trái đất, sao Kim và mặt trời thẳng hàng.

 Cơ hội cuối ngắm sao Kim đi ngang mặt trời
NASA cảnh báo nên dùng kính chuyên dụng để xem hiện tượng trên - Ảnh: NASA

Vũ điệu ballet của thiên thể được biết đến cái tên “the Transit of Venus” (tức sao Kim đi ngang mặt trời) là một trong những hiện tượng được trông chờ nhất trong cộng đồng thiên văn học và những người mê vũ trụ. Đây là một chương đoạn thúc đẩy mở rộng biên giới của sự hiểu biết, và đôi khi đi cùng với những sự kiện đầy kịch tính trong quá khứ.

“Trong nhiều thế kỷ, the Transit of Venus là một trong những thời điểm quan trọng nhất đối với các nhà thiên văn học”, AFP dẫn lời bà Claude Catala, Giám đốc Đài quan sát Paris. Và sự kiện năm 2012 cũng không ngoại lệ. “Bây giờ hoặc không bao giờ cả”, tạp chí Physics World của Anh cảnh báo độc giả, do thời điểm sao Kim đi ngang mặt trời lần tới sẽ diễn ra vào tháng 12.2117. Lúc đó chẳng người nào trong thế hệ hiện nay còn sống sót để mà chiêm ngưỡng.

Khi hiện tượng trên diễn ra, sao Kim sẽ đi ngang giữa trái đất và mặt trời, xuất hiện dưới dạng dấu chấm nhỏ xíu trên bề mặt mặt trời nếu nhìn qua kính viễn vọng, trong vòng khoảng 6 tiếng rưỡi. Vào chiều ngày 5.6, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và phần phía bắc của Nam Mỹ sẽ bắt đầu chứng kiến những thời khắc đầu tiên của quá trình trên, cho đến khi tất cả khu vực này chìm trong bóng đêm.

Trong khi đó, cư dân tại Đông Á và tây Thái Bình Dương được chiêm ngưỡng toàn bộ quá trình này, còn Trung Đông và Nam Á chỉ thấy được phần cuối cùng của vũ điệu trên của sao Kim khi họ thức dậy vào ngày 6.6. Kém may mắn nhất là dân ở phần tây và tây nam châu Phi, cũng như hầu hết Nam Mỹ sẽ mất đi cơ hội cả đời người.

Chỉ có đúng 6 lần “the Transit of Venus” từng được ghi nhận trong lịch sử thiên văn, đơn giản là trước khi nhà toán học người Đức Johannes Kepler dự đoán hiện tượng này vào thế kỷ 17, chẳng ai biết được là có chuyện đó xảy ra, cũng như không có thiết bị để xem. Những lần sao Kim đi ngang mặt trời thực sự là sự kết hợp hết sức kỳ quái, vào tháng 6 hoặc tháng 12 chứ không lọt sang thời điểm nào khác. Khi đã diễn ra 1 lần, lần kế tiếp cũng sẽ xuất hiện cùng tháng nhưng cách đó 8 năm, rồi sau đó là một khoảng lặng dài đằng đẵng. Cặp hành trình vào tháng 12 sẽ theo sau cặp hành trình tháng 6 sau 105 năm, rồi  cặp hành trình tháng 6 lại đến sau 121 năm và 6 tháng.

Vào thế kỷ 18, việc chiêm ngưỡng sao Kim đi ngang mặt trời được xem là mục tiêu tối thượng của giới thiên văn học. Anh và Pháp, 2 siêu cường lúc đó, đã lao vào cuộc chạy đua tìm vinh quanh bằng hành động gửi các nhóm thám hiểm tức tốc đến những nơi có thể xem được hiện tượng này. Trong số đó có nhà thám hiểm người Anh Charles Mason và Jeremiah Dixon, đã trúng phải đòn tấn công của chiến hạm Pháp sau khi vừa rời khỏi cảng Plymouth, buộc họ phải tức tốc quay về. Không bỏ cuộc, họ vẫn tiếp tục lên đường sau đó khi nhận được tài trợ từ Hội Hoàng gia Anh. Cuộc chạy đua vào năm 1769 cũng không kém phần kịch tính, khi Anh gửi James Cook đến Tahiti để chứng kiến sự kiện thiên văn nổi tiếng. Sau sứ mệnh này, Cook tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm lục địa phương nam đầy bí ẩn, và phát hiện New Zealand cùng miền đông Úc.

Đối với các chuyên gia ngày nay, “the Transit of Venus” cung cấp cơ hội nghiên cứu lớp khí quyển đặc biệt dày và đầy mây của sao Kim, đồng thời sử dụng hiện tượng khúc xạ thị giác từ ánh sáng mặt trời để tìm ra phương pháp tìm kiếm các hành tinh quay quanh những ngôi sao xa xôi. 

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.