Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, sức mua của thị trường giảm sút khi có khoảng 100.000 giao dịch ngừng hoạt động. Tình trạng suy giảm của thị trường BĐS có thể kéo dài trong những năm tiếp theo.
Thị trường BĐS trầm lắng do phát triển không cân đối, thiếu sự kiểm soát, doanh nghiệp thiếu tiềm lực về kinh tế. Ngoài ra, sản phẩm mà doanh nghiệp đưa ra thị trường không phù hợp với túi tiền và thị hiếu khách hàng.
|
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu đưa ra con số 90% doanh nghiệp BĐS thua lỗ trong năm 2011. Tuy nhiên, điều đáng nói là vừa qua, các chính sách ngân hàng không xếp BĐS vào trong bốn nhóm đối tượng ưu tiên lãi suất khi vay tiền.
“BĐS được coi là xương sống của nền kinh tế mà đang bị coi như con ghẻ. Đến nay BĐS vẫn phải nằm ngoài rìa chính sách. Tôi đề nghị anh Nam đấu tranh cho doanh nghiệp”, ông Châu phát biểu.
Đại diện Ngân hàng ACB khẳng định, do lo ngại những tác động tiêu cực nên thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước có những quy định chặt chẽ đối với BĐS. Tuy nhiên vừa qua, các ngân hàng đang có cuộc đua giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 20%/năm xuống còn 15-16%/năm. Chưa kể lãi suất tiết kiệm thấp sẽ khiến nhà đầu tư chuyển sang kinh doanh BĐS.
BĐS bắt đầu có tiềm năng khi vừa qua, nhiều tổ chức, kể cả chính quyền địa phương đã có các động thái mua sỉ hàng chục đến hàng trăm căn hộ để phục vụ nhu cầu tái định cư, tác động tốt tới thị trường.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng BĐS phải tăng tính thanh khoản để thị trường phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho hay, để xảy ra tình trạng đóng băng thì bản thân doanh nghiệp cũng có sai sót. Theo đó, doanh nghiệp đã không kiểm soát được nguồn vốn, không sử dụng vốn đúng mục đích. Chưa kể nguồn vốn lại quá phụ thuộc vào ngân hàng nên mỗi khi chính sách tiền tệ có sự điều chỉnh lại thoát ra không kịp.
Theo ông Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng có phương án đưa BĐS vào diện cần tháo gỡ khó khăn theo Nghị quyết 13/NQ-CP.
“Về phía các ngân hàng phải có biện pháp phân loại, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bởi doanh nghiệp BĐS có nợ xấu, mất khả năng trả nợ thì ngân hàng cũng phải gánh chịu hậu quả”, ông Nam cảnh báo.
Trung Hiếu
>> Địa ốc bung hàng đón “sóng”
>> Cần công khai thông tin để hạn chế rủi ro
>> Địa ốc tiếp tục giảm giá, khuyến mãi
>> Bán rẻ căn hộ cũng khó
>> Đề xuất nhiều giải pháp cứu thị trường bất động sản
>> Sẽ lặp lại kịch bản giảm giá hàng loạt?
Bình luận (0)