Hai cô gái ngồi trên xe lăn, trông chưa đến 18 tuổi và hầu như không còn tỉnh táo, xung quanh cổ có quấn túi nôn mửa. Sau đó, họ được xe cứu thương đưa đến một bệnh viện được âm thầm dựng lên tại quận giải trí Soho ở London (Anh). Khi đó, đã gần nửa đêm.
Giới trẻ và bệnh gan
Chiếc xe cứu thương - thường được ví von là “xe buýt cho người say xỉn” - và bệnh viện nói trên là những dịch vụ được chính phủ cung cấp để ngăn người say xỉn gặp rắc rối và vào phòng cấp cứu.
Sự bận rộn của 2 dịch vụ này phần nào phản ánh tình trạng say xỉn đang ở mức báo động ở Anh. Các chuyên gia cho biết việc uống bia đang khiến ngành y tế nước này tốn khoảng 4,4 tỉ USD, trong đó có chi phí điều trị những trường hợp nhập viện do bạo lực liên quan đến rượu bia gây ra và những vấn đề sức khỏe lâu dài. Các bác sĩ tin rằng tình trạng béo phì gia tăng kết hợp với việc uống nhiều rượu bia là nguyên nhân khiến số người bệnh gan gia tăng, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Con số thống kê của chính phủ cho thấy bệnh gan đang tăng 25% ở Anh trong thập kỷ qua và gây ra con số tử vong cao kỷ lục.
|
Chris Day, một chuyên gia về bệnh gan tại Đại học Newcastle, cho hãng tin AP biết: “Thật không may là các bác sĩ đang điều trị nhiều người bệnh gan trong độ tuổi từ gần 30 đến giữa 30, điều không thường thấy cách đây 20 năm”. Trên các đường phố ở khu Soho, hình ảnh say sưa quá mức ở nơi công cộng của người dân bản xứ khiến không ít người nước ngoài bị sốc, ngay cả đối với người đến từ những nước uống nhiều rượu bia. Kaisa Toroskainen, một người Phần Lan, cho biết: “Ở quê nhà, thật bối rối khi bị thấy say xỉn ngoài đường. Thế nhưng, đó lại là điều mà bạn có thể khoe khoang công khai ở đây”.
Vấn đề hành vi
Hầu hết chuyên gia đồng ý rằng người Anh nói chung không uống rượu bia nhiều hơn người dân tại các nước châu u khác. Vấn đề là có không ít người thích nốc nhiều rượu bia trong một thời gian ngắn. Jamie Bartlett, một nhà nghiên cứu tại tổ chức Demos, nhận dịnh: “Điều mấu chốt là cách chúng ta cư xử khi uống rượu bia. Đây không phải là vấn đề nhậu nhẹt mà là vấn đề hành vi”.
Vấn nạn rượu chè quá mức không gói gọn trong một tầng lớp nào. Ngay cả giới thượng lưu cũng bị bắt gặp trong tình trạng quắc cần câu. Vào năm 2000, con trai của ông Tony Blair, thủ tướng Anh khi đó, từng bị bắt gặp trong tình trạng say xỉn và nôn mửa trên một vỉa hè tại quảng trường Leicester ở London.
Tuổi uống rượu bia hợp pháp ở Anh là 18, nhưng nhiều người bắt đầu làm quen với thức uống có cồn ở lứa tuổi nhỏ hơn. Các nhân viên xã hội cho rằng sự thiếu kiểm soát chặt chẽ việc bán rượu bia và mức giá rẻ khiến cho giới trẻ dễ dàng tìm đến thứ thức uống này.
Chính phủ của đương kim Thủ tướng David Cameron, người gọi nạn chè chén say sưa là một “xì-căng-đan” quốc gia, đang tìm kiếm các biện pháp đối phó vấn nạn này, trong đó có việc áp đặt giá tối thiểu cho từng loại rượu bia bán cho công chúng. Simon Antrobus, thành viên tổ chức từ thiện Addaction, hy vọng những nỗ lực sắp tới của chính phủ sẽ giúp tăng nhận thức của công chúng đối với rượu bia. Ông nói: “Thách thức hiện nay là làm sao giúp người dân hiểu được những hậu quả tiềm tàng của rượu bia. Họ cần biết đâu là giới hạn của mình”.
Theo Người Lao Động
>> Kẻ giết người vì "không cho nhậu" lãnh án chung thân
>> Mất mạng vì mẩu tin trên báo
>> Hỗn chiến tại quán karaoke
>> Nhậu say, đâm cảnh sát khu vực
>> Án mạng tại quán nhậu
>> Xăm mình - Kiểu chơi nhiều hệ lụy
>> Nhật Bản cấm viên chức uống bia rượu nơi công cộng
>> Hàn Quốc xôn xao vụ nhà sư uống rượu, đánh bạc
>> Gia tăng loạn thần do rượu
>> Cà phê và bệnh vảy nến
Bình luận (0)