Ngày 23.5, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ khởi động phiên điều trần mới nhất về vấn đề liệu nước này có nên tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Vốn dĩ, UNCLOS được hình thành để tạo ra khuôn khổ pháp lý cần thiết cho các quốc gia nhằm ứng xử hiệu quả đối với nhiều vấn đề liên quan đến biển. Công ước này đồng thời cũng tạo ra rất nhiều cơ chế phục vụ cho việc giải quyết các tranh chấp và quản lý nguồn tài nguyên biển. Trong khi giới ngoại giao, quân sự và nhiều công ty lớn của Mỹ thúc giục quốc hội thông qua UNCLOS thì một số nhóm khác lại phản đối. Cụ thể hơn, lực lượng bảo thủ, vốn có xu hướng ủng hộ đường lối hoặc là thành viên đảng Cộng hòa, đã chống đối quyết liệt.
Những người bảo thủ ủng hộ các giá trị truyền thống, chính phủ gọn nhẹ, mức thuế thấp, giảm thiểu quy tắc ứng xử trong luật pháp và xã hội, hướng đến tự do kinh doanh. Về đối ngoại, họ ủng hộ việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ ra toàn cầu, xây dựng một nền quốc phòng mạnh mẽ với một lực lượng quân sự đông đảo cộng với chính sách đối ngoại cứng rắn. Có thể nhận ra rằng hầu hết các lập luận chống lại UNCLOS đều dựa trên những nền tảng tư tưởng như trên. Quan điểm của những người phản đối dựa trên cơ sở của những lập luận khá vững chắc mà đáng chú ý nhất là niềm tin vào sức mạnh nước Mỹ, mất tự do hàng hải, ảnh hưởng tới bảo mật quân sự và kinh tế.
|
Trong hai lần được trình trước quốc hội vào năm 1994 dưới thời Tổng thống Bill Clinton và năm 2007 dưới thời Tổng thống George W.Bush, UNCLOS đều bị ngăn chặn bởi những nhân vật bảo thủ có ảnh hưởng lớn. Vào phiên điều trần ngày 23.5, 2 nhân vật lên tiếng chống đối UNCLOS mạnh mẽ nhất là 2 thượng nghị sĩ Jim DeMint và James Inhofe cùng thuộc đảng Cộng hòa. Trong thượng viện Mỹ, đây là 2 nhân vật bảo thủ hàng đầu. Ngoài ra, một số chính trị gia và học giả khác có cùng quan điểm bảo thủ cũng cực lực phản đối UNCLOS.
Lý lẽ của phe bảo thủ
Lập luận của phe chống đối hầu hết đều dựa vào những quy tắc của chủ nghĩa quốc gia bảo thủ. Theo thượng nghị sĩ DeMint, đại diện phe phản đối, Mỹ đã là một cường quốc biển, hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới và có quyền tự do hàng hải từ lâu đời. Tương tự, trang Heritage.org dẫn lời học giả Steven Groves thuộc Quỹ Heritage Foundation lập luận rằng Washington đang sở hữu “lực lượng hải quân tốt nhất mà thế giới từng chứng kiến”. Vì thế, ông Groves khẳng định Mỹ đủ sức đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển mà chẳng bị ràng buộc bởi bất cứ công ước, cơ quan hay tổ chức nào.
|
Theo chuyên trang quân sự Globalfirepower, chỉ tính riêng lực lượng tàu sân bay thì Mỹ có 11 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân và độ choán nước đều trên 90.000 tấn. Trong khi đó, 9 nước còn lại sở hữu tàu sân bay trên thế giới chỉ có tổng cộng 11 chiếc và tất cả đều có độ choán nước dưới 70.000 tấn. Ngoài ra, Mỹ có tổng cộng 2.384 tàu hải quân các loại và 18.234 máy bay, còn lực lượng hải quân thứ hai thế giới là Trung Quốc chỉ có 972 tàu hải quân và 5.176 máy bay, chưa kể mức độ hiện đại. Vì vậy, học giả Groves cho rằng nước Mỹ vẫn duy trì và bảo vệ được những lợi ích hàng hải từ trước khi UNCLOS ra đời nên Washington chẳng cần tham gia công ước này. Trang Heritage.org dẫn lời ông khẳng định quyền tự do hàng hải mà Mỹ có được là nhờ sự kết hợp giữa những nguyên tắc hợp pháp lâu đời và sự hiện diện liên tục của hải quân.
Thậm chí, phe phản đối còn cho rằng nước này sẽ tự hạn chế quyền tự do hàng hải nếu tham gia UNCLOS. Theo đó, Mỹ hiện nay có thể di chuyển đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới (trừ vùng nội thủy của các nước khác) và vẫn có “quyền đi lại không gây hại” ở vùng lãnh hải của bất cứ quốc gia nào. Thế nhưng, nếu tham gia UNCLOS, Washington sẽ phải xin phép để được đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) của các nước khác. Đây là việc mà một siêu cường như Mỹ khó có thể chấp nhận. Ngoài ra, điều này còn dẫn tới hậu quả Washington bị hạn chế khi duy trì lực lượng răn đe trên biển hay thực hiện biện pháp ngoại giao “đu đưa bên miệng hố chiến tranh” như từng điều tàu đến eo biển Hormuz hồi đầu năm 2012.
Hơn thế nữa, bảo mật quân sự của Mỹ cũng bị ảnh hưởng khi tham gia UNCLOS vì Washington phải chia sẻ thông tin tình báo, quân sự trên biển với Cơ quan Quản lý lòng biển quốc tế (ISA) nếu được yêu cầu. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ phải thông báo và xin phép ISA khi đi qua các eo biển quốc tế. Chỉ riêng việc một tổ chức không phải của Mỹ có quyền yêu cầu Mỹ báo cáo các thông tin hàng hải, quân sự đã là một sự “sỉ nhục”. Xa hơn, việc ISA có quyền cho phép và thu thuế với các doanh nghiệp Mỹ thực hiện những hoạt động trên biển cũng sẽ là điều không thể chấp nhận.
Vì thế, lập luận xuyên suốt của phe bảo thủ là nước mạnh thì không cần luật. Và theo họ, Mỹ thể hiện đầy đủ tiêu chí là nước mạnh nhất toàn cầu. (Còn tiếp)
Vũ Thành Công - Nguyễn Thế Phương
>> DDG-1000: Siêu chiến hạm tàng hình để khắc chế Trung Quốc
>> Hàn Quốc “không phản đối Nhật điều tàu khu trục gần Hoàng Hải”
>> Nguy cơ bùng nổ xung đột ở châu Á
>> Úc lên kế hoạch chiến tranh với Trung Quốc
Bình luận (0)