Gánh nợ xấu ngân hàng - Kỳ 3: Tại sao lại mua nợ xấu với giá cao?

09/06/2012 03:00 GMT+7

Nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh là hàng ế, hàng tồn, hàng xấu... giá phải rẻ mới bán được. Thế nhưng nợ xấu của hệ thống ngân hàng (NH) với rủi ro cực lớn lại đang được "dọn đường" mua với giá cao.

Nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh là hàng ế, hàng tồn, hàng xấu... giá phải rẻ mới bán được. Thế nhưng nợ xấu của hệ thống ngân hàng (NH) với rủi ro cực lớn lại đang được "dọn đường" mua với giá cao.

>> Gánh nợ xấu ngân hàng - Kỳ 2: Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước
>> Gánh nợ xấu ngân hàng

Khó hiểu đến sửng sốt

Mua nợ xấu, vấn đề quan trọng nhất là cơ sở, tiêu chí định giá để không gây thất thoát vốn nhà nước. Về nguyên tắc kinh tế, giá mua nợ sẽ dựa trên dòng tiền thu được và rủi ro của dòng tiền đó. Nhưng cơ bản ai cũng hiểu, nợ xấu muốn thanh lý được, giá phải rẻ. Các NH quản trị yếu, đầu tư không hiệu quả phải chấp nhận rủi ro, chấp nhận thiệt hại. Cũng như các doanh nghiệp (DN), muốn tháo hàng tồn kho, phải có chính sách giá hấp dẫn cho người tiêu dùng. Hay đơn giản nhất, rau ế buổi chiều, người bán phải chấp nhận "giá như cho", chủ yếu để "gỡ" chút vốn nào hay chút đó chứ không ai tính đến chuyện lấy lời.

Gánh nợ xấu ngân hàng 
Nợ xấu ngân hàng đang được đề xuất mua nguyên giá (Ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: Diệp Đức Minh

Còn người mua, chấp nhận hàng ế, hàng không ngon hay hàng có độ rủi ro lớn, cũng bởi vì giá rẻ. Nguyên lý tất yếu này, thiết nghĩ ai cũng biết. Ấy vậy mà tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển, Ngân hàng Nhà nước, lại khiến hầu hết mọi người choáng váng khi đưa ra mức giá trên trời trong đề xuất mua lại nợ xấu NH. Cụ thể, mua với 100% nợ gốc và 50% lãi theo hợp đồng tính trên số ngày chậm trả của hồ sơ nợ xấu đó. Nghĩa là, nợ xấu không thanh lý được của các ngân hàng được mua nguyên giá.

 

Các NH dù có công ty mua bán nợ nhưng họ không thể chuyển nợ xấu này sang cho công ty con của mình vì chắc chắn sẽ bị lỗ. Lỗ thì giá cổ phiếu giảm, cổ đông phản đối, lợi ích của họ không có nhất là thưởng, bổng lộc và cổ tức cho cổ đông. Chính vì vậy ở các nước phát triển, họ giám sát kỹ chuyện lương bổng của các nhà quản lý NH và hạn chế chia cổ tức khi NHTM có nợ xấu. Nợ xấu của họ, họ không muốn, không xử lý được giờ chuyển cho nhà nước thì đúng là "nhất cử lưỡng tiện".  

Tiến sĩ Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM

Đề xuất giá này gây kinh ngạc hầu hết mọi người bởi sự vô lý đến khó hiểu của nó. Theo quy định hiện hành, khi DN không trả được nợ NH, tùy theo tính chất các khoản nợ sẽ sắp xếp theo nhóm nợ. Nợ nhóm 2 mất 5% giá trị, nhóm 3 mất 20%, nhóm 4 mất 50% và nhóm 5 coi như mất trắng. Nợ thuộc nhóm nào, thì mua dưới mức chiết khấu của nhóm đó. Ví dụ, nợ nhóm 3, giá mua sẽ dưới 80% giá trị khoản nợ. Tuy nhiên, nếu đã là nợ nhóm 3, nguy cơ chuyển nhóm rất lớn nên giá mua thường phải rẻ hơn rất nhiều. Chỉ "chiếu" theo quy định này, mức giá mua nợ xấu theo đề xuất trên đã quá đắt. Mua đắt thì ngân sách tất nhiên bị thiệt hại. Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM thực sự "hốt hoảng" khi nghe giá mua nợ xấu 100% dư nợ và 50% lãi suất nói trên. Theo chuyên gia này, đây là mức giá "trời ơi". Nếu có thực, "chỉ có loạn và vỡ". "Chúng ta phải xác định, bên mua nợ là nhà đầu tư chứ không phải làm công quả nhà chùa" - vị chuyên gia này bức xúc.

Cũng sửng sốt không kém, chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi khẳng định, đây là chuyện chưa bao giờ xảy ra trên thế giới. Mua bán nợ là chuyện bình thường nhưng phải phân biệt giữa nợ tốt và nợ xấu. Nợ tốt, thường mua với mục đích để tăng tài sản nên có thể mua với giá gốc và chia sẻ lãi suất. Còn nợ xấu, không ai mua với giá gốc mà phải định giá khoản nợ tại thời điểm hiện tại, độ rủi ro, từ đó tính chiết khấu để ra giá khoản nợ. "Đề xuất nói trên là mua nợ xấu với giá nợ tốt" - ông Nhi nói.  

Đi ngược chủ trương Chính phủ

Chúng ta đều biết, nợ xấu trong hệ thống NH tại Việt Nam chủ yếu là từ bất động sản, chứng khoán. Như đã phân tích ở bài Nguy cơ thất thoát vốn nhà nước đăng trên Thanh Niên ngày 6.5, đa số NH cổ phần là "sân sau" của các cổ đông lớn. Có nghĩa là việc xử lý nợ xấu NH thực chất để giải cứu cho những cổ đông lớn đang còn mắc kẹt trong bất động sản. Việc này không chỉ là mang vốn nhà nước, cũng là tiền thuế của dân để phục vụ cho nhóm lợi ích mà còn gây ra hàng loạt các hệ lụy phía sau đó.

Quan trọng hơn, việc đổ vốn nhà nước vào để giải cứu bất động sản còn đi ngược với chủ trương của Chính phủ trong nhiều vấn đề. Đầu tiên là không thể "nắn" dòng vốn đi vào sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu... Bởi trong điều kiện vốn có hạn như hiện nay, nếu chảy vào bất động sản thì cạn nguồn, không còn vốn cho sản xuất, kinh doanh, không chặn đà giảm phát, phá sản, thất nghiệp đang ngày càng lan rộng. Như vậy, mục tiêu cứu DN không thực hiện được. Đặc biệt, việc đẩy vốn vào "cứu" bất động sản cũng là một cách giữ giá cho thị trường này, khiến giá bất động sản không giảm xuống như quy luật thị trường, phù hợp với mức sống, thu nhập của người dân và điều kiện kinh tế của Việt Nam. Nếu chúng ta để thị trường tự điều tiết, NH ở thời điểm nóng đã thu lợi lớn từ cho vay bất động sản thì đến thời điểm này, họ phải chấp nhận thiệt hại, chấp nhận rủi ro. Thậm chí, chấp nhận thực hiện phát mãi bất động sản để thu hồi vốn. Việc này sẽ khiến thị trường bất động sản trở về giá trị thật của nó, phù hợp với mục tiêu kéo giảm giá bất động sản của Chính phủ, người dân cũng hưởng lợi.

Dọn đường cho việc mua nợ xấu với giá cao, nợ xấu hầu hết thuộc về bất động sản, của các cổ đông lớn... Có gì liên quan đến nhau giữa các yếu tố này và động cơ đằng sau đó là những câu hỏi mà chúng ta phải trả lời rõ ràng, cụ thể trước khi sử dụng tiền thuế của dân.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.