(TNO) Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội (QH) vẫn bảo lưu quan điểm không tán thành đề xuất của Chính phủ về phương án miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như đề xuất của Chính phủ khi trình ý kiến thẩm tra về nội dung này trước QH sáng nay 12.6.
>> Chính phủ không “cứu” doanh nghiệp một cách tràn lan
>> Thuế gì cũng cao
>> Giãn bước thuế
>> Quyền lợi của dân... đứng sau
>> Giãn thuế cho doanh nghiệp
>> Ban hành giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
>> Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường
Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thừa ủy quyền Thủ tướng trình QH dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012.
Ông Huệ cho biết, cùng với những giải pháp mang tính ổn định, lâu dài, những giải pháp đã ban hành thuộc thẩm quyền, Chính phủ trình Quốc hội giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
|
Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng doanh nghiệp, gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đề nghị miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
Ông Huệ cho biết thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường và giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo tính toán của Chính phủ, toàn bộ gói giải pháp nêu trên, bao gồm cả những giải pháp mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo thẩm quyền, tác động tài chính đến sản xuất kinh doanh của nền kinh tế khoảng 29.000 tỉ đồng.
Trong đó, các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ để lại cho doanh nghiệp tiền vốn ước khoảng 16.000 tỉ đồng; các giải pháp miễn giảm thuế giúp doanh nghiệp giảm chi phí và các giải pháp tài chính khác có giá trị khoảng 13.000 tỉ đồng.
Chỉ đồng ý giảm thuế cho DN
Đại diện cho cơ quan thẩm tra trình bày ý kiến về nội dung đề xuất của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc ban hành các giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, một số ý kiến cho biết, việc ban hành giải pháp về thuế như trong Tờ trình của Chính phủ cần được cân nhắc, bởi việc miễn, giảm thuế khó đạt được mục tiêu theo Tờ trình của Chính phủ vì đối tượng áp dụng và mục tiêu đề ra là quá rộng trong khi nguồn lực hỗ trợ lại hạn chế, khó có thể “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường”.
Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh “giải pháp miễn, giảm, giãn thuế không phải là giải pháp tối ưu, duy nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vì hiện nay doanh nghiệp chủ yếu gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, tín dụng, lãi suất tiền vay cao, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao, gây ứ đọng vốn, nợ đọng thuế cao”.
Do đó, Chính phủ cần xem xét toàn diện hệ thống chính sách vĩ mô; kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chú trọng hơn đến giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay; kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường nhằm tăng sức mua, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu hồi vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Với quan điểm trên, cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất giảm 30% thuế TNDN như tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, hầu hết các ý kiến trong Ủy ban TCNS lại không tán thành với phương án miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh…
Theo giải thích của ông Phùng Quốc Hiển thì việc thực hiện chính sách giảm 50% thuế khoán thuế GTGT, TNDN và TNCN trong năm 2011 như báo cáo của Chính phủ “không mang lại hiệu quả thiết thực vì giá trị tuyệt đối số tiền thuế được giảm quá khiêm tốn (bình quân mỗi hộ chỉ được giảm khoảng 50.000 đ/tháng) nên tác động là không đáng kể”.
Lý do khác là việc xác định đối tượng đủ điều kiện để áp dụng miễn thuế là không khả thi và khó có thể xác định được các hộ, cá nhân nào cung ứng dịch vụ giữ giá như cuối năm 2011, thực chất là như cuối năm 2010.
Mặt khác, không có cơ chế để kiểm soát việc cung ứng dịch vụ cho người dân và không có chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng quy định như Tờ trình của Chính phủ.
Hơn nữa, năm 2011 QH đã cho phép áp dụng chính sách tương tự với các đối tượng trên tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn chưa báo cáo cụ thể về hiệu quả đạt được, do đó chưa có cơ sở thuyết phục để đề xuất tiếp tục ban hành chính sách tương tự trong năm 2012.
Tuy vậy, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị xem xét miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 (như Nghị quyết số 08/2011 của QH) và giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)