Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường

13/06/2012 14:00 GMT+7

(TNO) Sáng nay 13.6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu quốc hội (ĐBQH).

Trong kỳ họp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 81 chất vấn từ các ĐB, 77 ý kiến của cử tri, tập trung vào các vấn đề đất đai, môi trường và khoáng sản.

 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Tăng thời gian giao đất

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt câu hỏi: Năm 2013 là năm cuối cùng thực hiện giao đất cho người nông dân theo Luật Đất đai 1993. Hiện nay, vấn đề thu hồi, giao đất còn nhiều bất cập, gây bất ổn xã hội. Đây là vấn đề nóng - thậm chí rất nóng - hiện nay. Điều này chứng tỏ chính sách thu hồi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, bộ đã có những giải pháp cụ thể gì?

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng thắc mắc, báo cáo của bộ cho biết đã giải quyết hơn 90% vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai nhưng tại sao tình hình khiếu kiện vẫn xảy ra thường xuyên. Vấn đề đền bù, giải phóng còn nhiều bất cập. Giải pháp của bộ như thế nào?


 Sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ theo hướng mở rộng diện tích, đối tượng sử dụng...  - Ảnh: Ngọc Thắng

Trả lời các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận đất đai là lĩnh vực phức tạp, nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới theo cơ chế thị trường dưới định hướng XHCN. Từ năm 2003, khi Luật Đất đai sửa đổi được áp dụng, tình trạng thu hồi, giải tỏa, bồi thường đất đai ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu đô thị, khu công nghiệp.

Ông Quang cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do vấn đề bồi thường, hỗ trợ chưa kiên quyết, chưa dân chủ; giá đất bồi thường còn thấp, chưa chú trọng đến người tái định cư; trình độ của cán bộ thực hiện thu hồi còn hạn chế...

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP, giải quyết một số hạn chế cơ bản về việc thu hồi đất, nhất là chú trọng đến lợi ích của người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, cho đến nay, Nghị định 69 vẫn nhận được nhiều sự đánh giá khác nhau từ mỗi địa phương.

Liên quan đến câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) về vấn đề giao đất, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay sắp tới sẽ sửa đổi Luật đất đai 2003 theo hướng mở rộng diện tích, đối tượng sử dụng để người dân yên tâm sử dụng, sản xuất.

“Hiện vấn đề giao đất còn đang thảo luận nhưng thời gian giao đất sẽ theo hướng mở rộng lên 30 - 50 năm, đất nông nghiệp có thời hạn 50 năm. Còn với hạn mức 6 ha như quy định, có nhiều ý kiến đề xuất nên tăng gấp 5 - 10 lần, nhất là đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, Nhà nước cũng sẽ có biện pháp để hạn chế việc đầu cơ” - ông Quang nói.

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Còn quá chậm!

ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) chất vấn, theo Nghị quyết 07 của Quốc hội, đến năm 2010 về cơ bản phải giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng đến nay vẫn chưa đạt. Đây là vấn đề cấp bách của nhiều địa phương. Hướng giải quyết của bộ trưởng như thế nào?

 
Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho biết cần nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh: Ngọc Thắng

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay hiện nay tỷ lệ GCNQSDĐ đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp đạt 80%; đất đô thị, chuyên dùng mới chỉ đạt 60%.

Để xảy ra việc cấp giấy sử dụng đất còn thấp là do giấy tờ không hợp lệ, đất đai có nguồn gốc phức tạp, vướng quy hoạch, hạn chế của cán bộ quản lý.

“Hiện trung bình mỗi huyện chỉ có 1 - 2 người phụ trách cấp giấy. Chúng tôi ước tính để hoàn thành chủ trương cấp giấy chứng nhận này theo tinh thần Nghị quyết 07 của Quốc hội cần một khoản kinh phí rất lớn, lên đến 30.000 tỉ đồng”, ông Quang phân tích.

Xoáy thẳng vào những vấn đề nóng hiện nay, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến (đúng hay sai) khi xử lý các vụ đất đai nổi cộm ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Cần Thơ?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, về vụ việc ở Tiên Lãng, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, bị kiểm điểm trách nhiệm, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chủ động xử lý mọi việc nghiêm túc. Ngoài việc xử lý vi phạm của ông Đoàn Văn Vươn, cơ quan chức năng cũng đã có ý kiến tiếp tục giao đất đã sử dụng cho gia đình này theo hướng cho thuê.

Sau sự kiện Tiên Lãng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu các tỉnh kiểm tra lại diện tích đất bãi bồi ven sông, biển để có hướng giải quyết phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý những lời hứa của các bộ trưởng sẽ được ghi nhận và bộ trưởng cần thực hiện đúng.

Chiều nay 13.6, các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh liên quan đến vấn đề đầu tư.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay tình hình khiếu nại, khiếu kiện trong 4 năm qua tăng cao. Thống kê cho biết, trung bình mỗi năm có 400.000 lượt người và 160.000 lượt đơn khiếu kiện.

Từ đầu năm đến nay đã có 92.000 lượt người và 52.000 lượt đơn khiếu kiện, khiếu nại, số lượng giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức độ, tính chất khiếu kiện phức tạp hơn. Cá biệt, ở một số vụ, người đi khiếu kiện tấn công, đe dọa cả cán bộ nhà nước.

Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã lập 18 đoàn công tác rà soát tình hình khiếu kiện ở 63 tỉnh, thành. Đến nay, có 55 tỉnh, thành vẫn còn các vụ khiếu kiện tồn đọng. Tính đến tháng 6.2012, cả nước còn 904 vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài.

Theo ông Tranh, để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài. Ngoài ra, cũng cần phải giải quyết các vụ mới phát sinh. Ghi nhận của các đoàn công tác cho biết, hiện nay tình hình giải quyết khiếu kiện, khiếu nại ở các địa phương nhìn chung chuyển biến khá tốt.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết việc cấp GCNQSDĐ còn chậm. Nguyên nhân, ngoài thiếu kinh phí còn do sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ. Năm 2008, Bộ Tài chính đã có văn bản cho phép trích 10% tổng số tiền thu được từ tiền sử dụng đất phục vụ cho công tác đo đạc, vẽ bản đồ, cấp GCNQSDĐ…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết liên quan đến vấn đề cấp phép trồng rừng cho doanh nghiệp nước ngoài, sau khi có nhiều ý kiến của dư luận, cơ quan quản lý đã tạm dừng việc cấp phép dự án FDI về trồng rừng.

Cơ quan chức năng cũng không cấp phép thêm. Ngoài ra, Nhà nước còn tiến hành thu hồi những diện tích rừng thuộc những vùng nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, nhất là ở Nghệ An, Lạng Sơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định 108 về việc quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép trồng rừng. Chính phủ sẽ có ý kiến và sớm ban hành nghị định này.

 Đình Quân

>> Bộ trưởng GTVT nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất
>> Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
>> Lên Sài Gòn làm... nông dân
>> Vào tù vì đất đai
>> Đại biểu kiến nghị giảm thuế, Bộ trưởng nói không thể
>> Thích làm “hộ nghèo”
>> Sửa luật Đất đai: Dân đang trông đợi từng ngày, từng giờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.