Thích làm “hộ nghèo”

06/06/2012 03:07 GMT+7

Thảo luận nội dung giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân (gọi tắt là tam nông) tại nghị trường cả ngày hôm qua (5.6), nhiều ĐBQH đã chỉ ra những bất cập từ thực tiễn diễn ra tại địa phương mình.

Điều đặc biệt đáng lưu ý tại phiên thảo luận này là khá nhiều ĐBQH đã tập trung phân tích “nghịch lý nhiều hộ nông dân không muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo”.

 

Cũng có những nảy sinh giữa cán bộ thôn, bản với những hộ không được công nhận là hộ nghèo. Mâu thuẫn giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo, ví dụ hộ cận nghèo thì phải tiết kiệm điện, 9 giờ tắt điện mà hộ nghèo thì để điện sáng một cách thoải mái

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)

“Người dân thích làm hộ nghèo”

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cho rằng “chính chính sách xóa đói giảm nghèo đã tạo nên một tư tưởng ỷ lại, người dân thích làm hộ nghèo mà không muốn vươn lên thoát nghèo”. Để minh chứng, ĐB Phương dẫn thực tế qua tiếp xúc với cử tri của Quảng Bình, nhiều người phản ánh hiện nay hộ nghèo không có nhà được xây nhà, thiếu ăn được cấp gạo, đau ốm có bảo hiểm y tế, không phải nộp tiền điện, tiền an ninh quốc phòng.

“Điều đó lý giải vì sao hộ nghèo lại có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với rất nhiều hộ nông dân hiện nay. Chính vì thế cũng có những nảy sinh giữa cán bộ thôn, bản với những hộ không được công nhận là hộ nghèo. Mâu thuẫn giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo, ví dụ hộ cận nghèo thì phải tiết kiệm điện, 9 giờ tắt điện mà hộ nghèo thì để điện sáng một cách thoải mái”, ông Phương dẫn chứng tiếp, và đề nghị phải xem lại chính sách đối với hộ nghèo để giải quyết những mâu thuẫn không đáng có trong xã hội.

Tán thành nhận định trên, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng cho rằng, tình trạng xóa nghèo nhưng không bền vững đang phổ biến với tỷ lệ tái nghèo rất cao. Địa phương “không muốn công nhận mình thoát nghèo” cũng rất phổ biến. Lý do là đầu tư cho công tác xóa đói giảm nghèo nửa vời, thiếu tính bền vững và lãng phí, có địa phương đặt ra chuẩn nghèo cao hơn chuẩn của quốc gia, tạo nên sự bất hợp lý đối với tỉnh khác.

Phát biểu đầu phiên thảo luận chiều, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cũng thừa nhận thực trạng này. Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian tới phải rà soát lại các chính sách hiện hành để khắc phục tình trạng trên, làm rõ cơ quan nào đóng vai trò trung tâm trong thực thi nhiệm vụ này đồng thời có chính sách phù hợp với từng vùng miền trong việc chăm lo an sinh xã hội.

Thích làm “hộ nghèo”
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng

Chưa làm rõ thất thoát trong đầu tư cho “tam nông”

Ghi nhận những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho tam nông trong thời gian qua, tuy nhiên ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng lo ngại: “Về thanh, kiểm tra xử lý vi phạm đầu tư công cho tam nông, tôi cho rằng báo cáo chưa đánh giá rõ số lượng thanh tra từng ngành, từng cấp, chỉ tính qua số vụ việc vi phạm cho thấy còn sai phạm trên các lĩnh vực, từ thực hiện thủ tục đầu tư sử dụng vốn cả trong đầu tư hạ tầng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đáng quan tâm là báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát chưa đánh giá rõ việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai? Bộ, ngành hay địa phương”.

ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) phân tích, nguồn lực đầu tư cho tam nông hiện nay chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực của toàn xã hội nên vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chỉ đạt khoảng 55 - 60% yêu cầu. Tình trạng đầu tư còn dàn trải kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, một số nơi xảy ra sai phạm trong quá trình đầu tư gây ra lãng phí, thất thoát tiền của nhà nước.

ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) kiến nghị cần mở rộng đối tượng cho vay phát triển sản xuất với lãi suất 0% cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, tăng mức vay vốn từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi hộ với thời gian vay tối đa 5 năm để người dân có đủ thời gian thu hồi vốn và có lãi. Đồng thời nâng kinh phí hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại từ 100 triệu đồng lên đến 300 triệu đồng/năm/huyện, để lồng ghép đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Các ĐB cũng đề nghị phải có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tam nông; sớm sửa đổi luật Đất đai theo hướng tăng thời hạn cho thuê đất nông nghiệp trên 50 năm để người dân yên tâm kinh doanh, sản xuất, phát huy được nguồn lực này trong đầu tư, phát triển kinh tế nông nghiệp.

>> Thanh niên xây dựng nông thôn mới: Chinh phục đồng hoang
>> Người trẻ làm công bộc của dân: Mang đổi thay đến vùng cao
>> Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.