Ngày 17.6, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi, cho biết qua 2 năm khai quật khảo cổ trên 4.000 m2 tại khu vực vùng thung lũng sông Tang nằm trong lòng hồ chứa nước Nước Trong (huyện miền núi Tây Trà), các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 65 mộ táng bao gồm mộ đất, mộ vò, mộ chum và nhiều đồ trang sức có giá trị, trong đó nhiều mộ chum được trang trí rất đẹp, tinh tế, đạt trình độ thẩm mỹ cao và có hình dáng khác lạ với đặc trưng văn hóa chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Đặc biệt, trong đợt khai quật khảo cổ mới đây, đoàn khảo cổ còn phát hiện nhiều khu mộ táng và nơi cư trú nằm liền kề nhau (ảnh), tỷ lệ mộ chum nhiều hơn, các kiểu dáng cũng khác hơn so với đợt khai quật trước cùng nhiều công cụ như rìu tứ giác, rìu vai... dùng trong sinh hoạt của người tiền sử.
Theo tiến sĩ Khôi, qua phân tích, giám định, các hiện vật có niên đại cách đây hơn 3.000 năm thuộc nền văn hóa tiền Sa Huỳnh và là lần đầu tiên phát hiện ở khu vực miền núi Quảng Ngãi.
Hiện các nhà khảo cổ học tiếp tục mở rộng diện tích khai quật và khẩn trương đưa các hiện vật lên khỏi lòng hồ trước tháng 8.2012.
Tin, ảnh: Hiển Cừ
>> Mở rộng khai quật khảo cổ vùng thung lũng sông Tang
>> Phát hiện quần thể mộ táng của cư dân tiền sử
>> Thêm dấu tích văn minh cư dân cổ
>> Phát hiện di tích văn hóa tiền Sa Huỳnh ở miền núi
Bình luận (0)