(TNO) Người dân hiện tỏ ra dè dặt đối với loại táo vốn được ưa dùng có xuất xứ từ Trung Quốc, do loại táo này đang bị cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ về chất lượng.
Ghi nhận của Thanh Niên Online ngày 18.6 tại các chợ bán trái cây trên địa bàn TP.HCM, cả người bán và người mua đều chia sẻ sự “sợ hãi” với những loại quả có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, nhiều ngày qua, táo của Trung Quốc ở các gian hàng gần như không bán được.
|
Thậm chí, không ít chủ hàng đã ngừng nhập loại quả này của Trung Quốc. Anh Tâm - chủ một cửa hàng bán trái cây trên đường Thành Thái (Q.10) - cho biết: “Nhiều ngày qua, tôi chỉ nhập táo có xuất xứ từ Nhật Bản. Giá cả đắt hơn một chút nhưng bán vẫn đắt hàng”.
Anh Hoàng, chủ một ki-ốt thực phẩm đối diện Bệnh viện Thống Nhất trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.Tân Bình) thì cho rằng để phân biệt trái táo từ Trung Quốc với táo của một số nước khác không quá khó.
|
“Người dân có thể mua lầm hàng chứ người bán không bao giờ bán lầm. Táo Trung Quốc có màu sắc không đẹp bằng những loại táo khác có mặt trên thị trường”, anh Hoàng khẳng định.
|
|
Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chị Đủ - chủ cửa hàng bán trái cây Nhựt Đủ - nhiệt tình mang tất cả các loại táo ra để so sánh.
Theo chị, thị trường hiện có 3 loại táo được bán phổ biến là: táo Mỹ, táo Nhật và táo Trung Quốc. Nếu so về giá cả, táo Mỹ khoảng 70.000 đồng/kg, táo Nhật 60.000 đồng/kg, còn táo Trung Quốc chỉ rẻ hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Nhiều ngày qua, người dân “chê” táo Trung Quốc, lượng tiêu thụ sụt giảm thấy rõ nên chị Đủ không dám nhập hàng về. Chị cho biết, nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng phân biệt được từng loại táo cụ thể. Đặc biệt với loại táo Trung Quốc, màu sắc thường đậm hơn, hay ngả sang màu vàng xen những dọc màu đỏ úa, trên quả có nhiều chấm đen.
Chị Đủ còn bật mí: “Nếu lấy tay búng nhẹ vào trái táo Trung Quốc sẽ nghe âm thanh ‘bụp bụp’ do táo Trung Quốc có đặc điểm ruột xốp, ăn có cảm giác mềm, bột tan ra ở trong miệng. Đối với táo Mỹ và Nhật khác hẳn, búng tay vào quả phát ra tiếng “póc póc” vì ruột đặc và ăn có cảm giác giòn".
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Đăng Phú - Phó giám đốc công ty Quản lý Kinh doanh chợ Bình Điền thông tin: Hằng ngày lượng trái cây ngoại về chợ chỉ chiếm khoảng 1 đến 2% tỷ trọng hàng hóa, tương đương khoảng 4 đến 5 tấn. Trong đó, táo Trung Quốc chiếm số lượng rất nhỏ, không đáng kể. Đa phần, nguồn hàng trái cây về chợ có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Ông Phú cho biết việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với trái cây rất nghiêm ngặt. Chi cục Bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc hàng trái cây về chợ mỗi đêm.
Theo đó, những loại trái cây nào có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị khuyến cáo, tịch thu và mang đi tiêu hủy. Do vậy, những loại trái cây nằm trong diện cảnh báo cao luôn bị sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng, theo ông Phú.
Bài và ảnh: Khánh Long
>> Tìm dư lượng chất độc trong táo đỏ Trung Quốc
>> Hành trình “rửa” nguồn gốc rau quả - Bài 3: Siêu thị cũng lập lờ
>> Cảnh giác với trái cây ngoại nhập
>> Trái cây nội có giá
>> Đưa hàng Việt đến với người Việt
Bình luận (0)