Đó là những sai phạm được ghi nhận tại Trung tâm chẩn đoán y khoa Đầm Sen (số 46 đường Hòa Bình, phường 5, Q.11, TP.HCM) vào chiều 20.6 khi Sở Y tế TP.HCM đến thanh tra.
Tại thời điểm thanh tra, cơ sở vẫn mở cửa hoạt động nhưng không có sự hiện diện của chủ cơ sở.
Có hai bệnh nhân đang được truyền dịch tại phòng lưu bệnh. Người thứ nhất là chị Đ.N.Q (20 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM), được chẩn đoán viêm âm đạo, kinh nguyệt không đều, điều trị từ ngày 14.6 với chi phí 4 triệu đồng. Người thứ hai là chị C.T.H.G (43 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM), cũng được điều trị từ ngày 14.6, với chẩn đoán viêm lộ tuyến, có chi phí điều trị 13 triệu đồng.
|
Theo như lời khai của hai bệnh nhân này thì họ được bác sĩ Trung Quốc điều trị và có người phiên dịch. Thế nhưng khi đang khám chữa thì bác sĩ này đã bỏ đi 10 phút trước khi đoàn thanh tra đến.
Đồng thời, tại phòng trị liệu có một điều dưỡng cùng bệnh nhân trong phòng nhưng cửa lại bị khóa. Phải đến hơn 20 phút sau khi được yêu cầu, cơ sở mới mở cửa cho thanh tra vào kiểm tra.
Cơ sở đang triển khai hoạt động gồm khám phụ khoa, phòng lưu bệnh, chụp X-quang, siêu âm, phòng xét nghiệm, phòng khám nội, phòng có máy trị liệu, quầy dược (có hồ sơ pháp lý do một dược sĩ tên Nhung phụ trách).
Theo như sổ sách thì cơ sở có 8 bác sĩ trực tiếp làm chuyên môn và 5 điều dưỡng.
Thế nhưng, khi đoàn đến thanh tra thì chỉ có mỗi bác sĩ Nguyễn Thị Thu Loan (khám sản) ở trung tâm. "Giờ ai cũng bỏ chạy hết, bỏ tui một mình ngồi đây", bác sĩ Loan nói.
Khi được hỏi cơ sở có bao nhiêu bác sĩ Trung Quốc thì bác sĩ Loan chỉ nói là có nhưng không biết bao nhiêu người.
|
Khi thanh tra đến thì một số phòng đóng cửa dán bảng “ngưng hoạt động”. Tuy nhiên, thanh tra viên phát hiện bông băng trong thùng rác tại các phòng này còn rất mới.
Tại cơ sở này, đoàn thanh tra phát hiện hồ sơ phá thai nội (thai trên 5 tuần tuổi), và đây là hoạt động không được cấp phép thực hiện tại phòng khám tư.
Cơ sở có nhiều loại máy toàn tiếng Trung Quốc, trong đó có một máy trị liệu mà đoàn thanh tra chưa xác định được tác dụng làm gì.
Mặt khác, phòng xét nghiệm có một số thuốc nhãn hiệu Trung Quốc không rõ nguồn gốc. Phòng lưu kho có một số thuốc hết hạn sử dụng và được để lẫn lộn với thuốc còn hạn sử dụng.
Theo nhân viên phòng khám thì số thuốc này đang... chờ tiêu hủy.
|
Trong khi đó, nhà thuốc của phòng khám lại... vắng bóng dược sĩ.
Bảo quản thuốc tại đây cũng không đảm bảo khi máy lạnh bị hư, nhiệt độ trong phòng khoảng 30 độ C, trong khi có nhiều loại dịch truyền phải bảo quản trong điều kiện không quá 25 độ C. Ngoài ra, máy tính bị hư nên không theo dõi được sổ sách cấp phát thuốc.
Nhiều vi phạm khác cũng được phát hiện tại đây như sổ khám bệnh và cập nhật theo dõi không đầy đủ, không đúng theo quy định; quảng cáo không đúng nội dung xin phép; hay bảng hiệu thiếu tên người phụ trách.
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị cơ sở phải chấn chỉnh những thiếu sót, đồng thời yêu cầu cơ sở cung cấp hồ sơ, bằng cấp chuyên môn của các nhân viên phòng khám, nguồn gốc máy trị liệu, chứng từ nguồn gốc thuốc, hồ sơ quảng cáo đến Sở Y tế để làm việc.
Được biết, trước đây (ngày 21.12.2011), cơ sở này đã từng bị thanh ra Sở Y tế xử phạt hơn 15 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động hành nghề của người nước ngoài lao động chuyên môn trong các cơ sở y học cổ truyền chưa được phép của Bộ Y tế.
Bài, ảnh: Nguyên Mi
>> Xử phạt các phòng khám Trung Quốc sai phạm
>> “Bác sĩ” Trung Quốc tháo chạy khi bị kiểm tra
>> Phát hiện nhiều sai phạm tại phòng khám có yếu tố người Trung Quốc
>> Người bệnh “tố” phòng khám Trung Quốc
>> Thâm nhập phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc - Bài 8: Phải đóng cửa ngay!
>> Thâm nhập phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc - Bài 2: "Nổ" để bán thuốc giá trên trời
Bình luận (0)