Vươn khỏi hệ mặt trời

21/06/2012 03:00 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, phi thuyền Voyager 1 - một vật thể do con người chế tạo - vượt qua ranh giới của hệ mặt trời và thẳng tiến đến không gian liên ngân hà.

Sự kiện trên là một trong những thành tựu lớn nhất của con người trong cuộc chạy đua vào vũ trụ.

Được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chế tạo và phóng lên không gian vào năm 1977, phi thuyền không người lái Voyager 1 bay với vận tốc 17 km/giây và đến nay đang cách xa chúng ta hơn 17,97 tỉ km và khoảng cách này vẫn tiếp tục nới rộng. Các số liệu gửi về trạm mặt đất hồi tuần trước cho thấy Voyager 1 đang rời khỏi nhật quyển, không gian cuối cùng thuộc hệ mặt trời. Theo tờ The Atlantic dẫn thông tin từ NASA, điều đáng tiếc là máy quay của phi thuyền đã ngừng hoạt động vào năm 1990, sau khi nó truyền về một loạt hình ảnh tuyệt đẹp các thành viên trong gia đình hệ mặt trời.

 Sơ đồ vị trí bộ đôi phi thuyền của NASA - Ảnh: NASA
Sơ đồ vị trí bộ đôi phi thuyền của NASA - Ảnh: NASA

Tuy nhiên, Voyager 1 vẫn xoay xở liên lạc được với trái đất bằng sóng vô tuyến nhưng phải mất chính xác là 16 giờ và 38 phút mới đến cơ sở của NASA. Dữ liệu từ cuối tuần qua cho thấy phi thuyền đã bắt đầu đối mặt với sự gia tăng nhiệt độ từ môi trường bên ngoài. Nó đang phát hiện ngày càng nhiều sự tồn tại các hạt năng lượng, cho thấy phi thuyền sắp lọt ra ngoài nhật quyển, chỉ trường gồm bong bóng các hạt điện tích xung quanh hệ mặt trời. Nhật quyển có tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi những luồng gió vũ trụ mạnh khủng khiếp từ không gian sâu thẳm.

Voyager 1 đã tiến vào nhật quyển từ năm 2004. Hiện phi thuyền chưa hoàn toàn thoát khỏi nhật quyển, nhưng con người đang ở rất gần mục tiêu đó. Nhà khoa học theo dự án Voyager là Edward Stone (thuộc Viện Công nghệ California) cho hay đây là lần đầu tiên một tàu không gian thực hiện được điều này. “Chúng tôi đang theo dõi dữ liệu mỗi ngày, nghe ngóng phi thuyền từng ngày để biết được chuyện gì xảy ra... Đứng trên góc nhìn khoa học, cảm giác không gì diễn tả nổi, khi bạn đang chứng kiến điều chưa ai nhìn thấy trước đó”, theo chuyên gia Stone.

Câu hỏi quan trọng kế tiếp là liệu Voyager 1 sẽ tìm thấy gì khi hoàn toàn thoát khỏi hệ mặt trời? Có thể là một khoảng không tuyệt đối, dành riêng cho một vài sao chổi có quỹ đạo cực xa xung quanh mặt trời. Các nhà khoa học đang chờ đợi một số dấu hiệu cho biết khoảnh khắc lịch sử, khi mà Voyager 1 cuối cùng băng qua biên giới giữa hệ mặt trời và phần còn lại của vũ trụ, chẳng hạn như sự thay đổi của hướng từ trường và việc xuất hiện một dạng gió đặc trưng - gió vũ trụ. Điểm khác nhau giữa gió vũ trụ và gió mặt trời là nó chậm hơn, lạnh hơn và mang đầy hạt điện tích.

Dù thế nào đi nữa, Voyager 1 chuẩn bị mở ra cánh cửa mới cho tri thức nhân loại. Giới khoa học luôn mơ về một ngày có thể vượt qua ranh giới của hệ mặt trời, nhưng không tìm được cách nào để thực hiện. Trong khi đó, Voyager 1 vẫn âm thầm bay xuyên hệ mặt trời, để rồi 35 năm sau kể từ khi được phóng lên vũ trụ, nó ghi tên vào lịch sử nhân loại. Với thành tựu trên, kỷ nguyên mới của công cuộc thám hiểm không gian là một mục tiêu không còn xa nữa.

Sứ mệnh Voyager

Theo Reuters, Voyager 1 và phi thuyền chị em Voyager 2, đều cùng lên quỹ đạo vào năm 1977. Nếu Voyager 1 đang cách mặt trời hơn 18 tỉ km, Voyager 2 chỉ cách khoảng 15 tỉ km. Cả hai có nhiệm vụ bay ngang các hành tinh khổng lồ trong hệ mặt trời, gồm sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, Hải Vương và khoảng 40 mặt trăng của chúng.

Bộ đôi phi thuyền mang theo thông điệp chào đón từ trái đất dành cho bất cứ hình thái sự sống nào trong vũ trụ có thể bắt được Voyager, trong đó có máy ghi hình, đĩa mạ vàng kích thước 12 inch ghi lại hình ảnh, âm thanh trên bề mặt địa cầu. NASA cho hay nguồn năng lượng hạt nhân trên các tàu Voyager cho phép chúng hoạt động đến năm 2025. Khi đó, cặp phi thuyền sẽ ngừng liên lạc với trái đất, nhưng vẫn tiếp tục lang thang vô định trong vũ trụ bao la.

Hạo Nhiên

>> Tàu Voyager 1 lập kỷ lục mới
>> Chiêm ngưỡng sao Kim đi qua Mặt trời
>> Diễn đàn chiêm tinh
>> Sáng mai VN chứng kiến sự kiện thiên văn thế kỷ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.