Sáng mai VN chứng kiến sự kiện thiên văn thế kỷ

05/06/2012 17:25 GMT+7

(TNO) Sự kiện sao Kim đi qua Mặt Trời có thể quan sát được ở Việt Nam vào sáng 6.6, được giới thiên văn học đánh giá là cơ hội cuối cùng cho những ai đang sống hiện nay quan sát “cuộc gặp gỡ” thú vị này.

(TNO) Sự kiện sao Kim đi qua Mặt Trời có thể quan sát được ở Việt Nam vào sáng 6.6, được giới thiên văn học đánh giá là cơ hội cuối cùng cho những ai đang sống hiện nay quan sát “cuộc gặp gỡ” thú vị này.

Sao Hôm chuyển thành sao Mai

Sao Kim là “hai ngôi sao” rất đỗi quen thuộc với người VN. Trong dân gian ta, sao Kim được chia đôi thành hai thân phận và gọi tên là sao Mai (vào buổi sáng) và sao Hôm (vào buổi tối).


Hiện tượng sao Kim đi qua Mặt Trời quan sát được vào năm 2004 - Ảnh: Space.com

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn TP.HCM (HAAC), có sự “phân thân” của sao Kim như thế trong dân gian là vì sự di chuyển quay quanh Mặt Trời của sao Kim nên có lúc chúng ta nhìn thấy nó ở phía tây khi Mặt Trời vừa lặn - được gọi là sao Hôm. Ngược lại vài tháng sau, sao Kim xuất hiện khi Mặt Trời mọc ở hướng đông và khi đó nó mang tên sao Mai.

Vào sáng 6.6 này, người dân ở VN sẽ được chứng kiến một hiện tượng thú vị hiếm hoi trong thiên văn: sao Kim di chuyển từ trái qua phải của Mặt Trời. Đó là quá trình “chuyển mình” của sao Kim từ “thân phận” sao Hôm sang sao Mai.

Với hiện tượng này, người quan sát sẽ thấy một đóm đen nhỏ di chuyển ngang trên bề mặt Mặt Trời. Hành trình thú vị này của sao Kim sẽ quan sát được ở nước ta suốt gần 7 giờ liền (từ lúc Mặt Trời bắt đầu mọc đến khoảng 12 giờ trưa).

Theo trang Transit of Venus, ở Bắc Mỹ, hiện tượng sao Kim đi qua Mặt Trời có thể được nhìn thấy từ lúc hành tinh này bắt đầu quá cảnh vào đĩa Mặt Trời vào buổi chiều và tối ở chân trời phía tây vào ngày 5.6.

Ở châu Á và châu u, hiện tượng này được nhìn thấy vào sáng sớm ngày 6.6 lúc Mặt Trời mọc ở phía đông. Khi đó, sao Kim đã nằm trong đĩa Mặt Trời. Người dân ở khu vực châu Á và châu u có thể chứng kiến toàn bộ hành trình của sao Kim nằm trong đĩa Mặt Trời cho đến khi đi qua hết đĩa Mặt Trời.

 
Các khu vực quan sát được hiện tượng sao Kim đi qua Mặt Trời năm nay - Ảnh: HAAC

Tại Việt Nam:

- TP.HCM: HAAC sẽ tổ chức một buổi quan sát hiện tượng sao Kim đi qua Mặt Trời dành cho người yêu thiên văn vào lúc 8 - 11 giờ, thứ tư, ngày 6.6; tại Nhà thiếu nhi thành phố (159 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3).

- Hà Nội: CLB Thiên văn nghiệp dư Hà Nội sẽ tổ chức buổi quan sát vào lúc 5 giờ, thứ tư, ngày 6.6; tại cột đồng hồ đối diện Sân vận động Mỹ Đình.

Sự kiện thiên văn thế kỷ

Theo trang Transit of Venus, hiện tượng sao Kim đi qua Mặt Trời (Venus transits) xảy ra theo từng cặp cách nhau tám năm nhưng sẽ chỉ diễn ra khoảng một lần trong mỗi thế kỷ. Lần sao Kim đi qua Mặt Trời gần đây nhất là năm 2004. Theo tính toán của các nhà thiên văn học, sau sự kiện ngày mai thì sao Kim đi qua Mặt Trời sẽ chỉ xảy ra lần tiếp theo vào năm… 2117.


Quá trình sao Kim đi qua Mặt Trời - Ảnh: Space.com

Do đó, chuyến đi của sao kim ngang qua Mặt Trời lần này là cơ hội cuối cùng cho những ai đang sống hiện nay quan sát “cuộc gặp gỡ” thú vị này.

Sao Kim được coi là hành tinh “chị em” của Trái Đất trong hệ Mặt Trời. Hành tinh này có tốc độ di chuyển nhanh hơn Trái Đất, mất khoảng 225 ngày để đi hết một vòng xung quanh Mặt Trời.


Hình ảnh một chiếc máy bay "song hành" với sao kim qua Mặt Trời năm 2004 - Ảnh: Space.com

Theo trang Transit of Venus, hiện tượng sao Kim đi qua Mặt Trời được quan sát thấy từ Trái Đất khi trên hành trình quay quanh Mặt Trời, hành tinh này “bắt kịp” Trái Đất và bắt đầu vượt qua Trái Đất. Khi đó, chúng ta nhìn thấy sao Kim xuất hiện như một chấm nhỏ nổi bật trên đĩa bề mặt Mặt Trời, di chuyển từ trái qua phải của đĩa Mặt Trời.

Đối với các nhà thiên văn học, việc quan sát hành trình sao kim đi qua Mặt Trời có ý nghĩa rất quan trọng. Dựa vào thời gian sao Kim đi qua Mặt Trời từ nhiều nơi trên thế giới, các nhà khoa học có thể tính toán khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Với thông tin quý giá đó, phạm vi của toàn bộ hệ Mặt Trời sẽ được tính toán.

Theo khuyến cáo của HAAC, không bao giờ được nhìn trực tiếp Mặt Trời bằng mắt thường, thậm chí là qua ống nhòm hay kính thiên văn. Mắt có thể bị tổn thương nặng, thậm chí là mù ngay tức khắc.

Để quan sát Mặt Trời một cách an toàn, người xem có thể áp dụng một trong 6 cách quan sát Mặt Trời đơn giản sau:

1. Dùng kính lọc Mặt Trời:

Kính lọc Mặt Trời nhìn giống kính râm nhưng được bọc một tấm lọc đặc biệt vốn ngăn chặn hầu hết ánh sáng và các tia có hại từ Mặt Trời. Trước khi sử dụng kính lọc phải kiểm tra kỹ xem kính có bị tróc, thủng lỗ hay không, nếu có phải ngưng sử dụng ngay.


Quan sát sao Kim bằng kính lọc Mặt Trời năm 2004 - Ảnh: HAAC cung cấp

Tuyệt đối không sử dụng kính râm để quan sát. Kính râm không có chức năng bảo vệ mắt khi nhìn trực tiếp vào Mặt Trời.

2. Màn chiếu lỗ nhỏ:

Đây là phương pháp quan sát gián tiếp Mặt Trời an toàn. Với phương pháp này, bạn cũng có thể chiếu ảnh Mặt Trời cho nhiều người cùng quan sát một lúc.

3. Dùng kính thiên văn phản xạ hoặc ống nhòm để chiếu ảnh:

Dùng ống nhòm hoặc kính thiên văn để chiếu ảnh lên bìa giấy trắng sẽ tạo ra hình ảnh lớn để nhiều người cùng quan sát. Tuy nhiên, phải luôn có người trông chừng những thiết bị này để giữ những người tò mò không đặt mắt vào thị kính của thiết bị quan sát hay đưa mắt vào đường sáng từ Mặt Trời. Những kính thiên văn có thể tạo ra một lượng nhiệt lớn khi tập trung ánh sáng Mặt Trời vốn có thể thiêu đốt đôi mắt hiếu kỳ dám đặt mắt nhìn trực tiếp hay chính màn chắn.

4. Sử dụng “phễu mặt trời” (Solar funnel):

Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong lần sao Kim đi qua Mặt Trời năm 2004. Được làm từ những thiết bị đơn giản (phễu nhựa, kẹp, thị kính và vài miếng vải chiếu), thiết bị này đặt vừa vào kính thiên văn của bạn. Hình ảnh rõ nét về Mặt Trời sẽ hiện lên trên màn chiếu.

5. Sử dụng kính thiên văn có tấm lọc Mặt Trời:

Đây là cách quan sát tốt nhất hiện tượng sao Kim đi qua Mặt Trời. Những tấm lọc này chặn 99% ánh sáng khả kiến, 100% các tia hồng ngoại và tử ngoại. Đây là cách duy nhất trong 5 cách trên có thể quan sát được hiện tượng đặc biệt khi quan sát Venus transit - hiệu ứng “black drop” (giọt đen) - và các vết đen của Mặt Trời.

6. Sử dụng chậu nước pha mực:

Đây là một trong những phương pháp an toàn và rẻ tiền nhất. Vào ngày 6.6, hiện tượng sao Kim đi qua Mặt Trời kéo dài đến gần giữa trưa (11 giờ 50), Mặt Trời sẽ ở rất cao và ta dễ dàng soi được bóng của nó.

Để tăng độ phản chiếu hãy đặt một chiếc gương nhỏ ở đáy chậu nước và nghiên nó về hướng Mặt Trời cũng như cần pha vào chậu nước một ít mực đen hoặc xanh thẫm để làm giảm độ chói gây hại cho mắt khi quan sát với thời gian dài.

Nguyên Mi

>> Cơ hội cuối ngắm sao Kim đi ngang mặt trời
>> Háo hức chờ sao Kim đi ngang Mặt trời
>> Siêu bão vũ trụ từng ập xuống trái đất  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.