Nâng thương hiệu du lịch biển

21/06/2012 03:22 GMT+7

Là một quốc gia có biển, nhưng du lịch biển VN đến nay vẫn chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế.

Nâng thương hiệu du lịch biển
Có rất ít những sự kiện giúp quảng bá du lịch biển VN như cuộc đua thuyền buồm ở Mũi Né hồi tháng 3.2011 - Ảnh: D.Đ.Minh

VN có một bờ biển dài 3.260 km, với khoảng 125 bãi biển đẹp; ngoài ra còn có hệ thống hơn 3.000 đảo lớn nhỏ. Đây là điều kiện lý tưởng để khai thác du lịch mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Đủ “3 chữ S”

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, nhận định VN đã hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi để thu hút du khách vì có “3 chữ s” mà bất cứ người nước ngoài nào cũng yêu thích, đó là sun (ánh nắng mặt trời), sea (biển trong xanh) và sand (bãi cát đẹp). Một khảo sát nhỏ do công ty ông Huê tổ chức cho thấy yếu tố đầu tiên để du khách nước ngoài chọn VN chính là biển, sau đó mới là du lịch văn hóa, sinh thái. Gần 100% tour du lịch dành cho khách nước ngoài có một phần quan trọng gắn liền với biển. Chẳng hạn, tour miền Bắc bao giờ cũng có tham quan vịnh Hạ Long; tour miền Trung thì biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Mũi Né… “Biển đóng vai trò kết nối trong toàn tuyến du lịch của VN”, ông Huê nói thêm.

So với các vùng miền khác trong cả nước, vùng ven biển VN là nơi phát triển mạnh mẽ nhất cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, khi có khoảng 1.500 cơ sở lưu trú với hơn 45.000 phòng. Trong đó, ngày càng nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4 - 5 sao cao cấp được xây dựng, đạt chuẩn quốc tế. Từ một bãi biển hoang vắng, Mũi Né (Bình Thuận) nhanh chóng trở thành một “thành phố resort” bề thế; vịnh Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô lọt vào danh sách các vịnh đẹp nhất thế giới; bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh; mỗi ngày có hơn 10 chuyến bay ra Phú Quốc với phần lớn hành khách là khách du lịch...

Bên cạnh đó, những năm gần đây lượng khách tàu biển đến VN ngày càng nhiều. Không chỉ có sức hút với nhiều cảnh quan, văn hóa, ẩm thực..., VN còn hưởng lợi do nằm giữa hai trung tâm (hub) quan trọng hàng đầu châu Á trong việc phân bổ nguồn khách tàu biển là Singapore và Hồng Kông. Trên hải trình dài giữa hai hub này, các hãng tàu thường chọn VN là điểm dừng chân cho du khách.

Vẫn chỉ ở dạng tiềm năng

 

Sản phẩm trùng lặp

Theo TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, VN chưa khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển. Hệ thống di sản được thế giới công nhận nằm ven biển chỉ có Hội An, Hạ Long, Huế được khai thác tốt; còn Phong Nha - Kẻ Bàng thì chưa. Du khách chủ yếu tập trung ở các bãi biển miền Trung, những bãi biển khác chỉ đón khách theo mùa. Việc phát triển các bãi biển không theo quy hoạch, khiến sản phẩm bị trùng lặp. Chẳng hạn, trong khi bãi biển Lăng Cô ảnh hưởng nhiều bởi khí hậu phía bắc, mưa kéo dài trong năm, nhưng lại tổ chức các sản phẩm nghỉ dưỡng giống như Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng của khí hậu phía nam. Như vậy là không ổn.

Mặc dù có đủ lợi thế, nhưng du lịch biển VN vẫn còn ở dạng tiềm năng. Một vị nguyên là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định cho tới nay du lịch VN vẫn chưa trả lời được 4 câu hỏi quan trọng nhất của phát triển du lịch biển. Đó là: Ai đến, đến đây làm gì, đến bằng cách nào và đến đây để lại cái gì? Chúng ta có số liệu chung chung về du khách quốc tế chọn biển VN làm điểm đến, nhưng chưa phân tích rõ từng thị trường vì mỗi thị trường khách có nhu cầu khác nhau. Còn câu hỏi đến đây để làm gì cũng chưa trả lời thỏa đáng, vì biển VN thiếu quá nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc không đa dạng sản phẩm vui chơi giải trí trên biển như các nước trong khu vực. Du khách nào chọn biển VN làm nơi tránh đông, làm nơi phơi nắng, hay lướt sóng, đua ca nô? Một vấn đề nghiêm túc khác là du khách đến đây để lại cái gì, bởi thực tế cho thấy, văn hóa bản địa của những vùng ven biển là sản phẩm kích thích du khách tìm tới, nhưng qua nhiều năm phát triển du lịch, văn hóa du khách đã xâm lấn phần nào nền văn hóa bản địa.

Ở một khía cạnh khác, theo vị này, du lịch VN đang lãng phí trong quá trình khai thác tiềm năng du lịch biển. Quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp ở VN đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Bãi biển Mũi Né đang kẹt cứng trong không gian ven bờ, khi có quá nhiều khách sạn, resort chen dày ở mặt tiền biển, che khuất gần như hoàn toàn đường ra biển của du khách và cả cư dân địa phương. Ở những bãi biển của Thái Lan, hệ thống khách sạn được quy hoạch không nằm trên bãi biển mà lùi vào bên trong, nhường bãi biển cho tất cả mọi người. Chỉ một số nơi đặc biệt, các khu nghỉ cao cấp mới được phép nằm trên bãi biển. Điều này cho phép khai thác tối đa lợi thế của bãi biển và từ đó có thể phát triển được các cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi, ăn uống sâu vào bên trong.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty du lịch Việt, cho rằng ở VN chưa tạo dựng được những bãi biển có thương hiệu quốc tế, như Bali của Indonesia, Phuket của Thái Lan, Lankawi của Malaysia hay Boracay của Philippines. Những cái tên này thậm chí trở thành thương hiệu du lịch quốc gia đối với du khách quốc tế, không chỉ vì bãi biển đẹp, mà còn có một kiến trúc tổng thể, tổ chức không gian du lịch hài hòa và đầy đủ dịch vụ. Các bãi biển VN cho đến nay phát triển theo lối tự phát và phần nào tùy tiện, mang tính riêng lẻ và không có đặc trưng. Còn theo ông Huê, các khu nghỉ dưỡng ven biển ở VN có giá cả quá cao, chủ yếu nhắm vào đối tượng khách quốc tế và một phần du khách giàu có trong nước và rốt cuộc đã đẩy du khách có thu nhập trung bình ra nước ngoài tắm biển. Trong khi khách quốc tế vào VN chỉ đi theo mùa (thường là 4 tháng cuối năm), còn lại phần lớn thời gian không khai thác hết công suất phòng. Ở các nước, để tránh tình trạng công suất phòng xuống thấp vào mùa thấp điểm, ngành du lịch tổ chức các chương trình giải trí, thể thao như đua thuyền buồm trên biển để lôi kéo khách. 

Với khách tàu biển, trên suốt chiều dài 3.260 km bờ biển, ta có nhiều lợi thế để xây dựng một trung tâm cho khách tàu biển, nhưng cho đến nay vẫn không có một cảng chuyên biệt nào dành cho du khách. Nhiều tàu biển chở khách vào VN vẫn phải neo đậu nhờ các cảng hàng hóa, gây bất tiện và không khai thác được gì thêm các giá trị gia tăng khác như mua sắm, giải trí, ăn uống tại cảng. Hành trình di chuyển từ cảng vào trung tâm thành phố mất quá nhiều thời gian, do đây là đoạn đường có nhiều xe tải chở hàng, khiến khách phàn nàn. Do đó, du lịch VN đã mất đi phần nào cơ hội từ thị trường khách này mang lại…

N.Trần Tâm

>> Phú Quốc xây dựng văn hóa du lịch
>> Xây dựng thị trấn Trường Sa thành đô thị du lịch biển đảo
>> Cảm xúc mới với du lịch Cà Mau
>> Khởi động mùa du lịch biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.